Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng đã đầu tư trên 999,8 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới 43.345 ngôi nhà cho các hộ nghèo thiếu nhà ở theo Quyết định 167, 67 của Thủ tướng Chính phủ, đạt gần 100% kế hoạch.
Trong đó, Đắk Lắk là địa phương có số hộ nghèo được thụ hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk cũng đã huy động các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, dòng họ tự nguyện đóng góp thêm gần 87 tỷ đồng, xây dựng mới trên 12.850 ngôi nhà cho đồng bào nghèo, hoàn thành kế hoạch sớm trước gần một năm.
Các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức họp bình xét công khai các đối tượng được thụ hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở tại các thôn, buôn, làng theo đúng chuẩn nghèo. Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, dân tự làm,” các tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, với nhiều cách làm sáng tạo để xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, vùng, miền, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho hộ gia đình, đồng bào tự chọn mẫu nhà, chủ động trong việc tổ chức thi công nên chất lượng công trình không những đảm bảo mà còn tận dụng được các nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ sẵn có như gỗ, cát, đá (do gia đình tự khai thác) để mở rộng diện tích, giảm giá thành xây dựng.
Qua kiểm tra, nhà ở của các hộ gia đình nghèo được thụ hưởng chính sách đều có diện tích từ 24-72m2 đảm bảo theo đúng quy định, tuổi thọ từ 10 năm trở lên...
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ nay đến năm 2015, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục hỗ trợ làm nhà mới cho trên 46.000 hộ nghèo thiếu nhà ở theo tiêu chuẩn hộ nghèo mới giai đoạn 201102015./.
Theo vietnamplus.vn/