Vừa qua, tại Đà Nẵng, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tổ chức lễ công bố báo cáo thường niên về tình hình trẻ em thế giới năm 2013. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự và phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu rõ: "Thực tiễn đã chứng minh rằng nếu có được cơ hội phát triển bình đẳng, trẻ em khuyết tật hoàn toàn có khả năng phát huy năng lực của mình và cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Với tỉ lệ người khuyết tật gần 6,7%, trong đó có hơn 1,2 triệu trẻ em khuyết tật, Việt Nam nhận thức rõ điều này. Là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam luôn đề cao các nguyên tắc cơ bản của Công ước, đặc biết là nguyên tắc không phân biệt đối xử, luôn nỗ lực để hướng tới bảo đảm để trẻ khuyết tật được hưởng một cách trọn vẹn, đầy đủ và bình đẳng các quyền của mình".
Ông Anthony Lake, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết: "Nhìn vào khuyết tật của trẻ trước khi nhìn nhận trẻ không chỉ là hành động không công bằng với trẻ mà còn làm mất đi những điều trẻ có thể mang lại cho xã hội” . “Sự mất mát của các em là mất mát chung của toàn xã hội; lợi ích của các em cũng là lợi ích cho toàn xã hội”, ông nhấn mạnh. Theo ông, “để trẻ khuyết tật được quan tâm, các em phải được xã hội tính đến khi các em sinh ra, khi đi học và trong cuộc sống".
Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2013 với chủ đề Trẻ em khuyết tật cho biết: Trẻ em khuyết tật là nhóm ít có khả năng được chăm sóc y tế hoặc được đi học nhất. Trẻ em khuyết tật nằm trong nhóm những trẻ em dễ bị tổn thương nhất bởi bạo lực, xâm hại, bóc lột và xao nhãng, đặc biệt là khi trẻ bị giấu diếm hoặc bị gửi vào các trung tâm. Trên thực tế, rất nhiều em rơi vào trường hợp này do sự kỳ thị của xã hội hoặc do không đủ chi phí nuôi dưỡng trẻ. Kết quả là trẻ em khuyết tật trở thành những người yếu thế nhất trên thế giới. Trẻ em nghèo thuộc nhóm ít có khả năng được đi học hoặc chăm sóc y tế nhưng các em vừa nghèo lại vừa khuyết tật thì còn có ít khả năng hơn nữa trong việc tiếp cận các dịch vụ này.
Báo cáo của UNICEF nhấn mạnh: Trẻ khuyết tật và cộng đồng sẽ được lợi nhiều hơn nếu xã hội quan tâm tới những gì trẻ khuyết tật có thể đạt được thay vì tập trung chú ý vào những khiếm khuyết của các em.
Báo cáo của UNICEF chỉ ra những cách thức để giúp trẻ khuyết tật hòa nhập vào xã hội bởi vì khi các em được tham gia đầy đủ vào xã hội thì tất cả mọi người đều có lợi. Ví dụ, giáo dục hòa nhập mở mang tri thức cho mọi trẻ em và đồng thời mang lại cho trẻ em khuyết tật cơ hội thực hiện hoài bão của mình.
Ngoài ra, các nỗ lực hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập với xã hội sẽ giúp đẩy lùi sự phân biệt đối xử đang gạt các em ra bên lề của xã hội. Nhiều trẻ khuyết tật không được thừa nhận ngay từ khi mới sinh ra vì các em không được đăng ký khai sinh. Thiếu sự thừa nhận chính thức đồng nghĩa với việc các em bị loại ra khỏi các dịch vụ xã hội và những bảo trợ pháp lý cần thiết cho sự sống còn và phát triển của mình. Thực trạng bị đẩy ra bên lề xã hội đã làm cho các em bị phân biệt đối xử nhiều hơn.
Giới là một yếu tố quan trọng, vì trẻ em gái khuyết tật thường ít được nhận thức ăn và sự chăm sóc hơn trẻ em trai khuyết tật.
Theo báo cáo của UNICEF, sự phân biệt đối xử dựa trên tình trạng khuyết tật là một hình thức áp bức. Khi mà nhiều quyền của các em không được thực hiện, các em càng bị đẩy ra khỏi xã hội.
Có rất ít số liệu chính xác về số trẻ em bị khuyết tật, loại hình khuyết tật và mức độ ảnh hưởng của những khuyết tật này đối với đời sống của trẻ. Do vậy, các quốc gia thường không có căn cứ đáng tin cậy để phân bổ nguồn lực hỗ trợ trẻ em khuyết tật và gia đình các em.
Khoảng 1/3 các quốc gia trên thế giới vẫn chưa phê chuẩn Công ước về Quyền của người khuyết tật. Báo cáo kêu gọi tất cả các Chính phủ giữ đúng lời hứa đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi công dân – trong đó có những trẻ em bị loại trừ và dễ bị tổn thương nhất.
Chúng ta đang có những tiến bộ tiến tới hòa nhập trẻ em khuyết tật, mặc dù các tiến bộ chưa được đồng đều. Chính vì vậy, báo cáo tình hình trẻ em thế giới 2013 đưa ra chương trình cho những hành động tiếp theo. Báo cáo kêu gọi các Chính phủ phê chuẩn và thực hiện Công ước về Quyền của Người khuyết tật và Công ước Quyền Trẻ em, và có những hỗ trợ cho các gia đình để họ có thể đáp ứng được các chi phí thường cao hơn mưc bình thường trong chăm sóc trẻ em khuyết tật. Đồng thời, Báo cáo cũng kêu gọi các biện pháp chống phân biệt đối xử trong cộng đồng, những nhà hoạch định chính sách và những người cung cấp dịch vụ xã hội căn bản như giáo dục và y tế.
Các tổ chức quốc tế trong quá trình tư vấn và hỗ trợ các quốc gia cần đảm bảo tuân thủ theo các Công ước về Quyền trẻ em và Quyền của Người khuyết tật. Báo cáo cũng khuyến nghị các tổ chức quốc tế cần thúc đẩy hơn nữa chương trình nghiên cứu đồng bộ toàn cầu về khuyết tật để có được những số liệu và thông tin phục vụ công tác lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực.
Báo cáo đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của trẻ em và người chưa thành niên khuyết tật thông qua việc hỏi ý kiến các em trong quá trình thiết kế và đánh giá các chương trình và dịch vụ cho chính các em và tất cả mọi người đều được hưởng lợi khi cách tiếp cận hòa nhập – bao gồm cả khả năng tiếp cận và thiết kế phổ dụng phù hợp cho tất cả mọi người ở mức tối đa mà không cần có sự điều chỉnh riêng.
Theo dangcongsan.vn