Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế.
Mới đây, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, 3 năm qua (từ năm 2010 đến 2012), cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho trên 1 triệu lao động nông thôn, đạt 78% kế hoạch và bằng 17% kế hoạch 11 năm thực hiện đề án.
Tổng kinh phí cho đào tạo nghề thời gian qua gần 4.800 tỷ đồng, 70% số lao động qua đào tạo đã có việc làm.
Nhiều địa phương đã hình thành các mô hình dạy nghề có hiệu quả như: Dạy nghề nông nghiệp theo vùng chuyên canh, chuyên con; dạy nghề công nghiệp xây dựng, dịch vụ theo vị trí việc làm trong doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Tiến Lợi - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - một trong những địa phương thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn chia sẻ kinh nghiệm: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải xuất phát từ nguyện vọng của người học và nhu cầu tạo việc làm của người lao động gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải kiên trì, gắn yêu cầu tuyên truyền nâng cao nhận thức và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn lao động. Không nên nóng vội, làm theo phong trào”.
Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đó là việc triển khai đào tạo nghề còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với từng vùng, ngành kinh tế; đặc biệt là thiếu tính định hướng dài hạn, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch nông thôn mới, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thị trường.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án 1956 và khẳng định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới tập trung khắc phục những hạn chế trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo cán bộ công chức xã; làm tốt công tác truyền thông, nâng cao nhân thức cho người dân; triển khai quyết liệt việc đào tạo gắn với thực tiễn sản xuất.
Mục tiêu trong giai đoạn 2013 đến 2015 là cả nước sẽ đào tạo, hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 2 triệu lao động nông thôn, hơn 70% trong số đó có công ăn việc làm.
Theo Huy Nam/ vov.vn