Cập nhật: 11/05/2009 22:51:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Sim số đẹp luôn là mối quan tâm lớn của người dùng điện thoại di động, nên nhiều người dùng sẵn sàng bỏ tiền để có thể sở hữu số sim mong muốn. Phát sinh từ nhu cầu này, nhiều dịch vụ mua bán sim số đẹp, số ngày sinh, số dễ nhớ... mọc lên như nấm, nhưng cũng ẩn chứa vô vàn trò lừa đảo khiến khách hàng vừa mất tiền, vừa không mua được số sim mong muốn.

Ví dụ điển hình

 

Vũ Việt Hùng – sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội vốn đã muốn tìm chiếc sim số có đuôi xxx201088 từ lâu vì đó là số ngày sinh. Hùng thường xuyên săn tìm thông tin về chiếc sim này trên các diễn đàn mua bán rao vặt – các diễn đàn về sim số - điện thoại di động với hi vọng tìm được chiếc sim này trong hàng trăm ngàn những chiếc sim số đẹp khác được rao bán đầy rẫy.

 

Càng tìm càng vô vọng, Hùng quyết định đăng tin cần mua chiếc sim này lên mạng rao vặt www.muar...com và chờ đợi thay vì bỏ công săn tìm như trước. Vài ngày sau Hùng nhận được tin nhắn của một số máy lạ tự xưng tên là Phong và đang sở hữu chiếc sim này. Phong cho biết hiện đang ở Đà Lạt, nếu Hùng muốn mua sẽ chuyển sim số này ra sau một ngày.

 

Để chứng minh đang sở hữu chiếc sim số trên, người này dùng đúng sim đó gửi cho Hùng một tin nhắn, Không nghi ngờ gì nữa, sau một vài tin nhắn và cuộc gọi thỏa thuận, Hùng đồng ý mua chiếc sim này với giá 400.000vnđ và chuyển số tiền qua tài khoản ngân hàng của Phong. Đổi lại người này sẽ gửi chuyển phát nhanh ngay chiếc sim từ Đà Lạt ra HN và sáng mai là Hùng có thể nhận được.

 

Tiền đã chuyển, thế nhưng một ngày, hai ngày chiếc sim vẫn “bóng chim tăm cá”, Gọi vào số điện thoại của Phong thì không liên lạc được, cả số xxx201088 mà Phong một lần đã dùng để nhắn tin cho Hùng thì một giọng nữ nhấc máy và trả lời không hề hay biết gì về cuộc mua bán này cả. Bây giờ Hùng mới ngả ngửa: mình đã gặp “siêu lừa”, đồng thời vẫn không hiểu vì sao Phong lại có thể nhắn tin từ một thuê bao sim số mà hắn không hề sở hữu.

 

Vén màn bí mật

 

Vậy tại sao kẻ lừa đảo kia lại có thể thực hiện việc nhắn tin bằng một số di động mà thực ra hắn không hề sở hữu?

 

Thực ra chẳng có gì bí ẩn ở đây hết cả. Kẻ lừa đảo đã lợi dụng sự bất cẩn của nhiều người, sử dụng một trong hàng chục trang web nhắn tin sms miễn phí của nước ngoài để mạo danh số điện thoại. Thông thường trong khung soạn thảo tin nhắn trên các trang web gửi sms miễn phí luôn có ô trống để người gửi điền tên hoặc số điện thoại của mình. Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng khe hở đó, gõ vào đó số điện thoại cần giả mạo thay vì điền tên. Kết quả là màn hình điện thoại của người nhận tin sẽ hiện lên số máy như một tin nhắn gửi từ điện thoại thông thường.

 

Ở một số website cho phép nhắn tin sms miễn phí thậm chí còn không chèn thêm quảng cáo vào tin nhắn gửi đi khiến cho người nhận càng dễ bị nhầm lẫn giữa tin nhắn thật và tin nhắn giả mạo. Tuy nhiên chỉ cần một chút chú ý, hoàn toàn không khó để nhận ra một tin nhắn giả. Một tin nhắn gửi từ một chiếc sim thật – một máy di động thông thường bao giờ cũng có thêm phần mã quốc gia (ở Việt Nam là +84) phía trước số thuê bao. Những website cho phép nhắn sms miễn phí trong khung trống để gõ tên người gửi thường hạn chế những ký tự đặc biệt như +, @, #... Do đó kẻ lừa đảo sẽ không thể giả mạo một tin nhắn 100% giống như tin thật.

 

Đây là một thủ thuật hoàn toàn đơn giản nhưng thường xuyên được những kẻ lừa đảo sử dụng, bởi đánh được vào tâm lý chủ quan và "tham" đồ giá rẻ của người mua sim. Chúng chỉ cần rao bán những chiếc sim số đẹp với mức giá thật hấp dẫn kèm theo những lời giới thiệu khi gặp được "gà". Ví dụ như:" đã có nhiều người đặt mua lắm rồi nhưng em không "giữ gạch" cho ai cả, ai nhiệt tình mua nhanh thì được thôi vì em bán giá rẻ quá rồi", "Hứng lên thì bán thôi, khi hết hứng tôi không bán nữa, giữ lại dùng", "Cần tiền nhổ xe nên bán gấp, tuần sau lấy được tiền rồi sẽ không bán nữa"... Với những chiêu thức "dụ dỗ" như thế, những kẻ lừa đảo đã chăn được không ít "gà".

 

Vô vàn chiêu thức lừa đảo khác

Trường hợp của Hùng chỉ là một trong sô vô vàn những thủ thuật lừa đảo bán sim của "dân trong nghề". Anh Minh, một thuê bao của mạng di động MobiFone bức xúc kể lại: Đầu tháng 3, do nhận quyết định chuyển công tác sang bộ phận makerting nên anh nghĩ đến việc phải tậu cho mình một chiếc sim số đẹp. Sau một tuần lễ săn lùng trên mạng và các cửa hàng điện thoại di động, anh Minh đã tim ra được cho mình chiếc sim 0936300... vừa trùng ngày sinh của mình, vừa dễ nhớ.

 

Sau khi liên lạc, hẹn gặp và thỏa thuận được mức giá vừa ý, anh Minh yên tâm trả tiền. Sau một ngày sử dụng, điện thoại của anh báo lỗi và tạm ngừng liên lạc. Hỏi ra mới biết rằng khi mua sim anh Minh đã sơ ý không đăng ký lại thông tin trên website mobifone.com.vn. Kết quả là với account cũ vẫn đang tồn tại, chiếc sim của anh Minh đã bị khai báo... mất, hủy bỏ và cấp lại cho người khác.

 

Giải thích về những chiêu lừa này, Đạt – admin website www.trumsim.com chia sẻ: Do các mạng di động đều có dịch vụ hỗ trợ lấy lại sim trong trường hợp đánh rơi, mất trộm. Với sim số thường thì chỉ cần khai báo 5-10 số thuê bao vừa gọi đi – đến, đối với những sim số đẹp thì cần nhiều hơn.

 

Chính từ khe hở này các kẻ lừa đảo đã dùng một chiếc hộp kích hoạt sim để kích hoạt cả thẻ sim mới tinh vẫn nằm trên thẻ nhựa, sau đó thực hiện các cuộc gọi đi – đến rồi bán lại cho khách hàng. Nhận tiền rồi chúng chỉ cần ra đại lý các mạng di động khai báo mất sim, vậy là chiếc sim số khách vừa mua trở thành sim trắng, đồng nghĩa với vô giá trị sử dụng.

 

Anh Đạt cũng chia sẻ thêm: Nếu quyết tâm muốn chiếm đoạt một sim số đẹp của người khác, anh chỉ cần một tháng để giăng một “cái bẫy”. Kẻ lừa đảo sẽ sử dụng những sim “rác” (sim khuyến mãi) để thực hiện các cuộc gọi, nháy máy đến một sim số mục tiêu. Chỉ cần người chủ sim tò mò gọi lại là đã có thông tin về các cuộc gọi đi đến. Lúc này kẻ lừa đảo hoàn toàn có thể khai báo mất sim, xin cấp sim mới và bán ngay cho người khác trước khi chủ sim phát hiện và khiếu nại với nhà cung cấp dịch vụ. Chủ sim số đẹp sẽ gặp phiền phức và mất thời gian để có thể lấy lại sim đang dùng, người mua sim mất tiền còn kẻ lừa đảo tất nhiên sẽ ôm tiền và cao chạy xa bay.

 

Người sử dụng những chiếc sim với đầu số cũ( 090, 091, 098…) thường không để ý tới việc đi đăng ký thông tin thuê bao cho chiếc sim của mình, từ điểm mấu chốt đó những kẻ lừa đảo có thể nghĩ ra vô vàn cách thức khác nữa chủ yếu đánh vào sự bất cẩn của người mua hàng.

 

 

 

Theo VNN

 

 

Tệp đính kèm