Cập nhật: 12/06/2009 21:18:54 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bị tin tặc cướp tài khoản chát Yahoo!, không ít người tặc lưỡi: "Thôi, đăng ký tài khoản khác" mà không biết tin tặc đã lợi dụng tài khoản đó để lừa tiền những người bạn của mình.

Những lời khẩn cầu từ... Friends list

Sáng 11.6, một số phóng viên báo Tiền Phong bị mất mật khẩu truy cập Yahoo! Messenger (Y!M). Tin tặc đã lập tức lợi dụng tài khoản của họ để phát lời khẩn cầu đến những người thuộc danh sách bạn bè (Friends List) của người bị mất tài khoản Y!M, nhờ họ mua hộ thẻ điện thoại trả trước.

 

Chỉ cần một thao tác nhấn phải chuột là tin tặc có thể gửi tới toàn bộ bạn bè của nạn nhân lời nhắn nhủ rất thân tình. "Giờ tớ đang rất vội mà điện thoại lại hết tiền. Bạn chạy ra ngoài mua giúp một card điện thoại loại MobiFone giá 100 nghìn đồng rồi gửi mã thẻ qua nick chat cho tớ" - một cô bạn cũng là nạn nhân bị lừa tiền có tên trong Friends List - kể lại.

 

Đáp lại lời khẩn khoản từ bạn bè, cô vội chạy xuống đường, mua một thẻ điện thoại, cào lớp tráng bạc và gửi mã thẻ vào Y!M cho người bạn vừa gửi lời nhờ vả. Và... tất nhiên, số tiền đã gửi đi sẽ không bao giờ trở lại với nạn nhân.

 

Một trường hợp khác tương tự là một thầy giáo đi công tác ở nước ngoài. Tin tặc lấy được mật khẩu tài khoản Y!M, biết thầy giáo này đang không ở Việt Nam và gửi lời nhắn qua e-mail tới nhóm cựu sinh viên có sẵn trên Friends List. "Thầy đi công tác ở nước ngoài, bị kẻ trộm ăn cắp valy mà thầy lại để tiền trong đó. Em gửi thầy mượn chút tiền qua tài khoản ATM của người bạn, số...". Và tất nhiên, những người vô tư đáp lại lời đề nghị là những người... mất tiền thật.

 

Cần nâng cao đề phòng

 

Trao đổi với nữ phóng viên Tiền Phong bị mất mật khẩu truy cập Y!M, cô cho biết tại tòa soạn có ít nhất 5 người cũng đã bị mất mật khẩu truy cập. Mặc dù phóng viên này đã gửi tin nhắn đến hầu hết người thân bạn bè của mình để cảnh báo, nhưng vẫn còn sót. Do đó mà vẫn còn nhiều nạn nhân bị mất tiền oan. Người ít thì mất 100 nghìn như X.N - phóng viên một tờ báo mạng Hà Nội, người nhiều mất 200 nghìn như Đ.L công tác tại một tờ báo trong TPHCM.

 

Khi hỏi nội dung cuộc hội thoại như thế nào mà lại có thể bị lừa dễ thế, X.N chia sẻ: "Lúc đầu, tôi cũng rất ngạc nhiên và pha chút nghi ngờ. Thế nhưng khi hỏi những gì có chút riêng tư, liên quan tới những chuyện của tôi và bạn tôi thì chúng lập tức trả lời qua quýt và viện cớ đang rất vội, vì thế mới phải nhờ mua hộ cái thẻ cào và còn nhắc đi nhắc lại là nhớ gửi qua chat". Tới lúc bình tâm lại, X.N mới tự nhận thấy mình cũng khá sơ hở.

 

Một thời, hiện tượng lừa đảo sử dụng nick chat Y!M đã rộ lên đến mức ai ai cũng cảnh giác khi nhận được bất cứ nội dung, đường link nào cũng đều phải hỏi lại khổ chủ là "người gửi hay virus gửi". Khi bị bật ra khỏi mạng, lập tức kỳ cục vào lại cho bằng được và canh cánh lo sợ bị chiếm đoạt mất mật khẩu thì sẽ sinh nhiều hệ lụy, chứ không như hiện nay nhiều người đã dần mất thói quen cảnh giác coi đó là tại mạng nghẽn (đúng là Yahoo! cũng rất hay bị bật ra vì nghẽn mạng), đường truyền không tốt...

 

Tệ hại hơn, nhiều người cứ vô tư đăng nhập hệ thống tại quán Net, từ máy xách tay đi mượn, máy tính dùng chung của cơ quan mà không cần để ý tùy chọn lưu tài khoản và mật khẩu. Thậm chí, họ còn dễ dãi tới mức, đọc tài khoản mật khẩu oang oang ngoài quán nước để nhờ đồng nghiệp kiểm tra hộ xem thư đối tác gửi đã tới chưa.

 

Câu chuyện tưởng chừng đơn giản, chỉ là bị mất tài khoản và bạn bè người thân của mình bị mất chút tiền bạc. Tuy nhiên, nó đã lại gióng lên một hồi chuông cảnh báo cộng đồng sử dụng Internet về nạn lừa đảo, mạo danh mà hệ lụy của nó sẽ không chỉ dừng lại ở vấn đề tiền bạc, đôi khi còn liên quan đến cả những chuyện tình cảm, quan hệ trong công tác tùy theo kỹ năng "khai thác" của tin tặc và nguy cơ vẫn còn treo "lơ lửng" chứ chưa phải đã chấm dứt trong ngày một, ngày hai.

 

 

 

Theo Báo LĐ

 

Tệp đính kèm