Sự bùng nổ Internet, những tiện lợi giao dịch qua thẻ ATM trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng đồng hành thủ đoạn lợi dụng nó để phạm tội. Tội phạm "đi tắt đón đầu", xét ra đều sành công nghệ viễn thông cả, vậy nên những người điều tra loại tội phạm phi truyền thống này cần sự linh hoạt giải mã ẩn số vốn không có công thức định sẵn nào.
Tội phạm "mờ nhân ảnh"
Lợi dụng Internet và công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng để thực hiện các hành vi phạm tội ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã được đề cập từ các thập kỷ trước. Nhưng tại Việt Nam, chỉ khi dịch vụ này trở thành phương tiện không thể thiếu đối với bộ phận dân cư, tổ chức, kèm với đó là các thủ phạm giấu mặt gây hậu quả nghiêm trọng, vấn đề mới trở nên nóng bỏng.
Theo các nhà điều tra, hiện tội phạm công nghệ cao ở Việt Nam có thể chia thành hai loại.
Thứ nhất, loại tội phạm với mục tiêu tấn công cơ sở dữ liệu máy tính, mạng máy tính (có thể gọi là tội phạm lợi dụng công nghệ thông tin, truyền thông). Thủ đoạn chính của loại tội phạm này là tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình virus, đột nhập trái phép cơ sở dữ liệu máy tính, ăn cắp dữ liệu, thông tin hoặc tấn công từ chối dịch vụ, sử dụng trái phép dữ liệu, đưa thông tin trái pháp luật lên mạng…
Thứ hai, loại tội phạm truyền thông, trong đó máy tính được sử dụng như một công cụ để gây án, lưu giữ thông tin tội phạm. Các đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn lừa đảo trên mạng bằng việc lấy cắp địa chỉ email, thông tin thẻ tín dụng, mật mã điện tử, mua bán thông tin thẻ tín dụng trên mạng…
Phân tích tội phạm lợi dụng mạng Internet để lừa đảo, trộm cắp cho thấy, đặc điểm của loại tội phạm này có phương thức, thủ đoạn gây án, phạm vi hoạt động, đối tượng bị xâm hại tương tự nhau. Khó nhất, theo các điều tra viên chính là truy xét thủ phạm gây án.
Với mạng Internet đa dạng như hiện nay, việc xác định địa điểm thủ phạm tán phát tài liệu qua mạng đã khó, kể cả khi đã xác định máy chủ thì danh tính cũng còn là ẩn số lớn, nhất là trường hợp đối tượng sử dụng mạng Internet công cộng. Thủ phạm có thể ngồi một chỗ tấn công vào chứng cứ điện tử của các mạng, trang web ở bất kỳ đâu nên rất khó phát hiện và dễ bị thay đổi, dỡ bỏ khi bị lộ. Qua một số vụ án cho thấy, thủ phạm sẽ biến mất cùng các dấu vết trên mạng nếu thời gian điều tra chậm trễ.
Chuyện của nhà điều tra
Nhớ lại, ngày 3/2/2005, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 189/QĐ-BCA về việc thành lập đơn vị cấp phòng đấu tranh tội phạm công nghệ cao (Phòng 9, thuộc Cục CSĐT tội phạm kinh tế và chức vụ). Đơn vị này có chức năng chính là tiến hành các biện pháp để phòng ngừa và đấu tranh chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm quy định tại các điều 224, 225, 226 - Bộ luật Hình sự (BLHS). Ngoài ra, đơn vị này còn có nhiệm vụ sử dụng phương tiện, công cụ để thu thập, phục hồi, phân tích các dữ liệu chứng cứ điện tử phục vụ yêu cầu điều tra vụ án liên quan công nghệ cao.
"Khai sinh" vào năm 2005, so các đơn vị khác rõ ràng lực lượng này còn quá non trẻ. Nhưng chỉ mất có hơn 4 năm, tới cuối 2009, từ cấp phòng thuộc Cục C15, đơn vị non trẻ này có đủ sự cần thiết để tách ra "ở riêng", sánh ngang hàng và độc lập với đơn vị "mẹ" là C15. Sự nâng cấp với quy mô như vậy được các nhà quản lý, các nhà lập pháp khẳng định tính tất yếu nhưng không quên "răn" sẽ có quá nhiều thách thức chờ đón họ.
Ngẫm lại, Internet vào Việt Nam kể từ năm 1997 và đó cũng là thời điểm Việt Nam chính thức tham gia mạng Internet toàn cầu. Nếu như các dịch vụ viễn thông của Việt Nam ra đời chậm hơn thế giới khoảng 40-50 năm, dịch vụ điện thoại di động chậm hơn thế giới 15-20 năm thì Internet vào Việt Nam chậm hơn so với khởi đầu của thế giới gần 10 năm. Tới nay, Internet "sống" ở Việt Nam được 13 năm, còn lực lượng chuyên trách chống loại tội phạm này đã hoạt động 5 năm, cả hai mốc thời gian đó đều mới mẻ.
Đơn vị này đang đợi gia nhập "ngôi nhà" cơ quan CSĐT bởi theo Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự hiện hành, họ chưa có tên. Nhưng có lẽ cách chia này là tương đối, bởi nếu như chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, ma tuý, hình sự là theo nhóm khách thể, lĩnh vực bị xâm hại, thì với Cục Phòng, chống tội phạm công nghệ cao lại chia theo thủ đoạn, hành vi phạm tội. Như vậy, nếu một vụ án tham nhũng hay kinh tế mà người phạm tội sử dụng công nghệ cao để gây án, thì việc khám phá có thể hợp sức giữa các đơn vị hoặc giao cho một trong các đơn vị chuyên trách này đều được.
Khi tội phạm đã "đi tắt", chính tồn tại xã hội này đặt ra thiết chế pháp luật và việc bảo vệ pháp luật mới. Nhưng năm 2005, khi đơn vị chuyên trách phòng chống tội phạm công nghệ cao được lập ở cấp cục thì ngoại trừ Hà Nội và TP HCM, với các địa phương khác, lời giải này vẫn quá khó. Lực lượng điều tra tại các địa phương này chủ yếu vẫn kiêm nhiệm, phần cũng vì mức độ vi phạm còn mỏng.
Ngay tại Hà Nội, đấu tranh tội phạm công nghệ cao thực sự cam go nhưng những gì dư luận biết vẫn quá bé nhỏ, có lẽ không nhiều người hiểu được phần việc lực lượng này phải đối mặt ngoại trừ những vụ án nóng bỏng liên quan công nghệ cao kiểu như 4 cậu thanh niên tán phát clip sex Vàng Anh hay một học sinh thay ảnh của một Bộ trưởng trên trang website…
Thuê người "đánh úp"
Việc tấn công để từ chối dịch vụ các trang web của các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử gây tắc nghẽn giao dịch, thiệt hại lớn. Nhiều vụ phát hiện thì doanh nghiệp chỉ còn biết than vãn vì tiền mất mà thủ phạm không biết ở đâu. Trong thời buổi cạnh tranh, có doanh nghiệp sử dụng mánh khoé để ngăn chặn đội bạn bằng cách thuê người "đánh úp" website đối thủ.
Từ lời kêu cứu của doanh nghiệp, các điều tra viên đã tìm ra một số doanh nghiệp thuê đối tượng giỏi tin học tấn công đối thủ kinh doanh trên mạng như vụ Nguyễn Thành Công tấn công website thương mại; vụ Nguyễn Ngọc Khánh (Bắc Ninh) phá trang web của một máy chủ có hơn 300 trang web của doanh nghiệp; vụ Nguyễn Quang Huy (Hà Nội) tấn công trang web gây thiệt hại cho hàng trăm doanh nghiệp…
Trong khi đó, các trang điện tử, trang web đăng ký tên miền nước ngoài vi phạm quy định về quản lý Internet diễn ra phổ biến gây khó khăn trong đăng ký, quản lý tên miền.
Thời của scandal ảnh nóng, clip nóng
Nếu như scandal liên quan đến cảnh nóng của một số người mẫu, ca sỹ làm dư luận nóng lòng vì tò mò kèm dị nghị thì nhiều bạn trẻ khác lại không thể ngờ, tai họa bất ngờ ập xuống đầu mình với clip cảnh nóng vốn chuyện riêng của hai người, nay phô trương trên blog, mạng. Dường như độ nhiệt tăng tỷ lệ thuận sự nổi tiếng, vẻ đẹp của nạn nhân.
Trong bản báo cáo quý I năm 2010 về tình hình phát triển viễn thông tại Việt Nam, một công ty nghiên cứu thị trường nhận định số người dùng Internet tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới. Đến hết năm 2009, tại Việt Nam đã có khoảng 2,9 triệu thuê bao sử dụng Internet, tăng 41,3% so năm trước đó. Số người sử dụng Internet tại Việt Nam hiện ước khoảng 22,4 triệu. Hệ thống blog cá nhân cũng tăng chóng mặt.
Năm 2009, cư dân mạng truyền cho nhau đường link cảnh một nữ sinh Đà Nẵng bị tung clip nóng lên mạng. Clip bị tung lên mạng được cho là quay lén, nhưng cũng có ý kiến bình luận đây là clip tự quay, sau đó ai đó tình cờ bắt được, thừa cơ tung lên…
Những vụ việc phát tán clip, ảnh nóng cho thấy, lợi dụng mạng để tung ảnh, clip riêng tư của người khác nhằm bôi nhọ, cả mục đích tống tiền đang có xu hướng lan rộng. Thói đời lạ vậy, chuyện người muốn giấu kín, thì càng có ma lực thu hút sự dòm ngó của kẻ khác. Bởi vậy, cứ có clip, ảnh nóng, dẫu nó quá quen với riêng mình, thì cứ như cá rô vượt lũ trên mạng.
Cũng có đối tượng lợi dụng blog cá nhân, thừa cơ tung ảnh sex như vụ Quách Trọng Duy (TP HCM) vin cớ này đòi tống tiền, quan hệ tình dục hay vụ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Đồng Nai) cùng đồng bọn truyền bá cảnh nóng, bị xử phạt tù giam. Nhưng ở góc độ khác, cũng có người mẫu, ca sỹ mượn cái riêng tư vô cùng nhạy cảm đó để tạo cớ đánh bóng ngược mà dẫu họ không nói ra, thì cũng chẳng khó hiểu. Việc đó, dẫu chủ ý hay vô ý, thì người tán phát vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với chính clip sex tung lên mạng (tuyên truyền ảnh, clip sex mọi hình thức đều là phạm pháp, dù đó có thể là ảnh, clip của chính mình)
Theo Báo CAND điện tử