Gây tranh cãi suốt trong cả phiên họp sáng qua 19.4, và ngay cả khi kéo dài thời gian thảo luận hơn 45 phút, các thành viên Ủy ban TVQH vẫn chưa đạt được sự đồng nhất trước quy định của dự luật Thi hành án hình sự về hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc thay cho xử bắn như hiện hành.
Báo cáo giải trình Ủy ban Tư pháp thực hiện, đề xuất 2 giải pháp thi hành án tử hình, đó là thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, bắt đầu thực hiện sau một năm luật có hiệu lực thi hành; hoặc duy trì hình thức xử bắn như hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Nguyễn Văn Thuận ủng hộ quan điểm thi hành án tử hình bằng biện pháp tiêm thuốc độc và cho rằng, chỉ nên quy định một biện pháp trong luật cho chặt chẽ, kèm theo quy định: “Trong thời gian chưa tiến hành được hình thức tiêm thuốc độc sẽ tiến hành xử bắn”.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, bà Trương Thị Mai đề nghị cơ quan soạn thảo luật bổ sung thêm thông tin có thể chuẩn bị xong phương án này trong vòng 1 năm hay không để đề phòng trường hợp khi luật đã có hiệu lực, sau 1 năm vẫn không thực hiện được hình thức tử hình mới sẽ không biết xử lý ra sao.
“Vừa rồi chúng tôi đi khảo sát trực tiếp phương thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc ở Mỹ, thấy rất đơn giản, chỉ có một cái phòng như lô cốt, có cái ghế nằm trong đó, có dây buộc tay buộc chân, một bác sĩ trực tiếp vào lấy ven tử tù và dẫn truyền độc từ phía ngoài vào. Có 3 mũi tiêm tất cả theo thứ tự là một mũi thuốc mê, một mũi cho tứ chi không còn cảm giác và một mũi ngừng tim. Cách tử hình tiêm thuốc độc rẻ hơn nhiều so với xử bắn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba “trấn an”.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, khi chưa nghiên cứu và hoàn tất chuẩn bị thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc thì vẫn phải giữ biện pháp xử bắn, kèm quy định cho thí điểm tiêm thuốc độc trong 3 năm”.
Chưa thống nhất chuyện trả tử thi
Là người đầu tiên “khai cuộc” chủ đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phản đối chuyện cho phép thân nhân tử tù nhận lại tử thi người thân sau hành quyết. “Nếu nói nhân đạo thì đừng bắn, không nhân đạo với người này đồng nghĩa nhân đạo với đa số. Đã bắn thì nhất thiết phải giữ thi hài, sau 3 năm thì cho mai táng hoặc hỏa thiêu”, ông Thuận cương quyết.
Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn lại nêu quan điểm ngược lại. Ông Đàn nói nên cho người thân tử tù lấy xác về vì theo ông, “tỷ lệ tổ chức đám tang tử tù gây mất an ninh trật tự là rất ít, trong khi việc bảo vệ xác rất vất vả. Sau đó tổ chức đám tang ở địa phương, đối tượng nào cố tình kích động, càng dễ lộ diện, thuận tiện cho việc theo dõi”.
Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn phản đối ngay: “Bây giờ phân tích tội phạm chính trị có mức độ nhưng tương lai sẽ còn phức tạp. Mình phải lường trước được những việc xảy ra. Tốt nhất là cứ để phương án sau 3 năm cải táng, thân nhân tử tù được đưa về chôn cất, lưu giữ hài cốt, tro”.
“Nếu theo phương án giữ lại hài cốt sau 3 năm mới trả, vậy trong 3 năm ấy, ai chịu trách nhiệm về mồ mả, việc chôn hài cốt tử tù, có trường hợp bị phỉ báng hoặc mất hài cốt, thân nhân người ta kiện thì làm sao? Nên cân nhắc kỹ nếu vi phạm gây rối trong đám tang có bị xử lý hình sự hay không là quyền của chúng ta thôi”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính tán thành quan điểm Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn.
Vì còn quá nhiều ý kiến khác nhau về hai vấn đề trên, nên bản thân Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu khi điều hành phiên họp cũng lúng túng khi kết luận. Cũng vì thế mà sau phần tranh luận kéo dài thêm 45 phút so với dự kiến, cuối cùng, Ủy ban TVQH đành thống nhất những nội dung còn tranh cãi trên được trình QH tại kỳ họp tới để thảo luận và thậm chí “lấy biểu quyết” như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba gợi ý.
Theo Thanh Niên Online