Những năm gần đây, văn hóa phẩm có bước phát triển về nhiều mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng của nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy, các giá trị mới đang hình thành và phát triển..
Tuy vậy, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài cũng ngày càng xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động xấu tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên. Trên thị trường, băng đĩa lậu bày bán khắp nơi; nhất là các loại sách có nội dung không lành mạnh, xuyên tạc lịch sử. Trên in-tơ-nét còn xuất hiện nhiều trò chơi có nội dung câu khách, thu hút tính tò mò của giới trẻ, làm méo mó nhân cách của một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên. Thậm chí, có những bạn trẻ đã hoang tưởng, phạm tội vì không phân biệt được những cảnh bắn giết trong các trò chơi và trong đời thật... Ðây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ án đau lòng mà thủ phạm còn ở độ tuổi thiếu niên, đang ngồi trên ghế nhà trường.
Ðể từng bước loại trừ văn hóa độc hại, thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện các quy định về ngăn chặn, phê phán, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại. Tập trung thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Ðẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên; kiên quyết ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nhà trường và thế hệ trẻ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, nhất là ở khâu thẩm định, thanh tra, kiểm tra văn hóa. Mặt khác, phải quan tâm xây dựng văn hóa từ mỗi gia đình, khu phố, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Nhandan Online