Cập nhật: 14/09/2010 16:44:43 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, số vụ vi phạm pháp luật về giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên đang có chiều hướng gia tăng.

Năm nay, hưởng ứng Tháng An toàn Giao thông với chủ đề “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng”, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quy chế phối hợp tuyên truyền trong nhà trường cho học sinh, sinh viên chấp hành. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm Luật giao thông đường bộ.

 

Trước cổng một số trường trung học trong nội thành thành phố Hà Nội, dễ dàng bắt gặp rất nhiều cô, cậu học sinh phổ thông mặc đồng phục của trường, đi xe máy kẹp 2, kẹp 3 không đội mũ bảo hiểm. Mặc dù quy định về bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy và nghiêm cấm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy đến trường đã được ban hành nhiều năm nay, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, là bài toán khó đối với các cơ quan chức năng.

 

Chứng kiến cảnh 3 nam học sinh trường Trung học phổ thông Việt Đức đèo nhau trên một chiếc xe gắn máy, em Nguyễn Thảo Trang, học sinh lớp 12, trường Việt Đức cho biết: “Hành động đó vừa vi phạm về an toàn trật tự giao thông, cũng không đúng với nội quy, quy chế của nhà trường. Em thấy việc học sinh đến trường bằng xe máy là không cần thiết, việc quan trọng nhất của bọn em đến trường là học tập và vui chơi lành mạnh…”

 

Thầy giáo Nguyễn Hữu Chiệu, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trần Phú, Hà Nội cho biết: có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm của các em học sinh, như ý thức và sự nông nổi của tuổi trẻ, do gia đình. Tiếp đến là xã hội, có những cơ sở, chủ hộ kinh doanh đã vô tình tiếp tay cho vi phạm của các em, đó chính là những hàng quán, điểm trông giữ xe gần trường học.

 

Để xử lý những trường hợp vi phạm, cần có sự phối hợp của nhiều cấp, ngành. Đặc biệt, vai trò của gia đình rất quan trọng.

 

Thầy giáo Nguyễn Hữu Chiệu cho biết: “Muốn làm tốt việc giáo dục học sinh đi xe máy đến trường, phải kết hợp 3 lực lượng gia đình, nhà trường và xã hội. Nhà trường vừa tuyên truyền, vừa có những biện pháp mạnh, nếu học sinh vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy chế kỷ luật của nhà trường…”

 

Trước tình trạng số học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật giao thông gia tăng, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành, các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cần tích cực triển khai tháng An toàn giao thông và nội dung giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trong năm học 2010 – 2011.

 

Tại Hà Nội, Sở Giáo dục Đào tạo, Công an thành phố Hà Nội thực hiện giáo dục về an toàn giao thông trong các trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, xử lý nghiêm tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm.

 

Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi xác định tháng nào cũng là Tháng An toàn giao thông. Bên cạnh việc tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông tích cực phối hợp cùng gia đình, nhà trường và xã hội để tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên chấp hành Luật an toàn Giao thông; phê phán những hành vi vi phạm…từ đó góp phần xây dựng văn hoá giao thông trong cộng đồng”.

 

Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc nói: “Phòng CSGT công an thành phố Hà Nội cùng với Phòng Giáo dục Đào tạo các quận, huyện xây dựng kế hoạch trình giám đốc 2 ngành cùng triển khai kế hoạch liên ngành. Từ kế hoạch liên tịch đó, chúng tôi sẽ triển khai những công việc cụ thể mà 2 bên đã thỏa thuận, tuyên truyền, yêu cầu học sinh, sinh viên cam kết thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Khi họ đã thực hiện nghiêm túc luật thì đương nhiên tình hình vi phạm và tai nạn giao thông sẽ giảm đi…”

 

Để cho học sinh, sinh viên chấp hành tốt Luật An toàn Giao thông, cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, sự cương quyết của các bậc phụ huynh, sự giáo dục nghiêm khắc của nhà trường cho học sinh, sinh viên về ý thức khi thực hiện các quy định về an toàn giao thông đóng vai trò rất quan trọng./.

 

 

Theo  vovnews.vn

 

Tệp đính kèm