Cập nhật: 01/10/2010 15:40:10 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ  (Ban Chỉ đạo 138) và Bộ Công An vừa phối hợp tổ chức tổng kết 12 năm thực hiện Nghị quyết số 09/CP của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 1998 -2010.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Lê Hồng Anh, cũng đại diện các bộ ngành chức năng và địa phương đã tham dự hội nghị.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công An, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, sau 12 năm thực hiện Nghị quyết số 09/CP, Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm đã phát huy được sức mạnh của các ngành, các cấp, đoàn thể xã hội và quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, từng bước củng cố thế trận an ninh nhân dân, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Từ năm 1998 đến tháng 6-2010, cả nước đã phát hiện được 953.135 vụ phạm tội các loại, giảm 102.830 vụ (10,07%) so với giai đoạn 1986-1997. Trong đó đáng chú ý, có nhiều vụ án lớn về kinh tế, hình sự, ma túy, cùng các đường dây, băng nhóm tội phạm bị phát hiện và triệt phá. Cùng với đó việc xử lý tội phạm về ma túy tăng gấp 3 lần và giảm được 25% số đối tượng truy nã ngoài xã hội. Đặc biệt một số địa phương như TPHCM, Lạng Sơn, Ninh Bình, Bến Tre, Nam Định… số vụ phạm pháp hình sự giảm mạnh, góp bảo đảm tình hình an ninh trật tự xã hội chung.

 

Trong công tác phòng chống tội phạm đã phát huy được sức mạnh huy động quần chúng nhân dân tham gia. Đến nay có nước đã có 708 mô hình tổ chức quần chúng phòng chống tội phạm hoạt động hiệu quả như: “ Xây dựng xã, phường, trường học không có tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội”, “Thôn xóm bình yên”, “ Hộ tự phòng, số nhà tự quản”, “ Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự”… Cùng với đó đã có trên 20.000 hòm thư tố giác tội phạm được đặt ở các khu dân cư. Bằng những mô hình này nhân dân đã cung cấp gần 7 triệu tin liên quan tới tội phạm và trật tự xã hội, trong đó 55% số thông tin có giá trị giúp công an bắt giữ, xử lý và ngăn chặn được nhiều vụ phạm tội.

 

Thượng tướng Lê Thế Tiệm cũng chỉ rõ, trong giai đoạn tới, tình hình tội phạm tiếp tục tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy hiểm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế, tội phạm công nghệ cao. Do đó, đòi hỏi công tác phòng chống tội phạm cần phải thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt, mang tính chiến lược hơn. Trong đó có đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “ Tăng cường sự lãnh đạo của  Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới”. Tổ chức lồng ghép công tác phòng chống tội phạm với các chương trình, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như: đói nghèo, dịch bệnh, việc làm, tệ nạn xã hội…

 

 

Theo SGGP Online

Tệp đính kèm