Ngày 26/10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”.
Các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; Chính ủy các Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị một số Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; Lãnh đạo Bộ Công an, một số Tổng cục và đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Trung ương; các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố.
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh giới thiệu, quán triệt nội dung cơ bản của Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới” và dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Công an. Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ báo cáo tổng quan về kết quả công tác phòng, chống tội phạm và tình hình tội phạm hiện nay, nêu rõ hiệu quả, bài học kinh nghiệm của công tác triển khai, thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm trong 12 năm qua. Các đại biểu đã tham luận phân tích về tình hình tội phạm, kết quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của các đơn vị, địa phương; nêu những nội dung, giải pháp tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Hội nghị khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành và nhân dân đã tích cực tham gia và lực lượng Công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, các đoàn thể và quần chúng nhân dân đã được phát huy qua 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP về “Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể về nhiệm vụ phòng, chống tội phạm đã được nâng lên một bước. Hiệu quả phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội ở cơ sở đã có sự chuyển biến rõ nét thông qua nhiều mô hình, phong trào đa dạng ở các địa phương. Chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm ngày càng được nâng cao. Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm đã góp phần bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Chỉ thị của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” là tiếp tục tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng qua các thời kỳ, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện các Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trước mắt cũng như lâu dài. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ra Chỉ thị chỉ đạo chuyên sâu về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Mục đích của Chỉ thị là tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân vào công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Trương Tấn Sang chỉ rõ: tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia ngày càng công khai, trắng trợn và chống phá quyết liệt. Nổi lên là hoạt động “diễn biến hòa bình”, tác động, chuyển hóa, kích động bạo loạn lật đổ. Đáng chú ý, gần đây, các đối tượng phản động đã lợi dụng hoạt động của tội phạm hình sự để thực hiện các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia. Một số loại tội phạm mới đã xuất hiện: khủng bố, rửa tiền, mua bán người, sử dụng công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, tội phạm về môi trường, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài... Tội phạm do nguyên nhân xã hội chiếm tỷ lệ cao, biểu hiện sự xuống cấp đạo đức xã hội rất đáng lo ngại. Tội phạm sử dụng vũ khí chống lại lực lượng thi hành công vụ gia tăng và quyết liệt hơn. Đáng lưu ý là tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên diễn biến ngày càng nghiêm trọng...
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là: Cấp ủy và tổ chức đảng ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tội phạm. Công tác quản lý xã hội, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống và vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm của một số cấp chính quyền, đoàn thể còn nhiều hạn chế. Nhiều biện pháp chỉ đạo mang tính hình thức, còn khoán trắng cho lực lượng công an. Một số ngành, địa phương chưa coi công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị mình. Hiệu quả phòng ngừa tội phạm còn thấp, tỷ lệ điều tra, xử lý một số loại tội phạm chưa cao.
Để triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48 của Bộ chính trị, đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện đối với công tác phòng, chống tội phạm. Các cấp, các ngành phải nhận thức, đánh giá một cách nghiêm túc tình hình tội phạm và trách nhiệm trong công tác phòng chống tội phạm ở đơn vị, địa phương. Từ đó, đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tập trung tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm và nêu gương của cán bộ đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tội phạm; biểu dương khen thưởng kịp thời người có công phòng, chống tội phạm. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống tội phạm. Đặt nhiệm vụ phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chương trình phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, đơn vị mình.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm, đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh đủ sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm đang diễn biến phức tạp. Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm; tăng cường kinh phí, trang bị phương tiện, biên chế và thành lập Quỹ phòng chống tội phạm, nâng cao năng lực lực lượng trực tiếp phòng, chống tội phạm. Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, toàn diện; chăm lo đào tạo bồi dưỡng có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các cấp ủy Đảng chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được phát động sâu rộng, kết hợp chặt chẽ công tác phòng chống tội phạm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh, phòng chống tội phạm với các nước láng giềng và trong khuôn khổ tổ chức INTERPOL, ASEANAPOL, các diễn đàn song phương, đa phương khác; tranh thủ các nguồn tài trợ để nâng cao năng lực cho các lực lượng nhằm đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm có tính quốc tế.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền rà soát, đánh giá tình hình phòng chống tội phạm thời gian qua và xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai quyết liệt Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị, tạo chuyển biến trước và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử Quốc hội khóa XIII, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp./.
Theo TTXVN