Mới đây, dưới sự chủ trì Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu tại Hội trường, nghe Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác thi hành án và công tác đặc xá
Quốc hội cũng nghe Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC), của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC). Tiếp đó, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo thẩm tra các Báo cáo trên.
Số vụ giảm nhưng tính chất nghiêm trọng tăng
Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày nêu rõ: Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành và địa phương tiếp tục vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm; Chương trình hành động chống buôn bán phụ nữ trẻ em; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng ngừa tố giác tội phạm... đồng thời xây dựng và nhân rộng các điển hình tiến tiến trong nhân dân tham gia phòng chống tội phạm gắn với hoà giải tại địa bàn cơ sở.
Thời gian qua, công tác đấu tranh đã thu được nhiều kết quả, cơ quan chức năng đã triệt phá hơn 3.562 băng, nhóm tội phạm các loại, bắt hơn 11.000 vụ cờ bạc với 53.447 đối tượng.
So với năm trước, số lượng vụ phạm tội năm 2010 giảm do công tác phòng ngừa và trấn áp tội phạm có hiệu quả hơn, bên cạnh đó là sự thay đổi của pháp luật hình sự nâng mức định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, các vụ phạm tội có hành vi gây án nghiêm trọng gây tâm lý bức xúc trong dư luận, bạo lực trong gia đình, học đường có chiều hướng gia tăng. Loại hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện phương thức, thủ đoạn tinh vi mới, như trong các vụ buôn bán trẻ em, phụ nữ. Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật thời gian qua tuy có giảm, nhưng tính chất đặc biệt nghiêm trọng lại có chiều hướng gia tăng.
Hoạt động của tội phạm ma tuý vẫn diễn biến phức tạp, đối tượng sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ, gây thương vong cho lực lượng chức năng. Số lượng các vụ buôn bán, vận chuyển ma tuý có yếu tố nước ngoài gia tăng, nhiều vụ rất nghiêm trọng, khối lương ma tuý lớn. Tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, cần sa tiếp tục diễn ra ở một số địa phương…
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, tội phạm ma tuý có chiều hướng gia tăng do ảnh hưởng của tội phạm ma tuý từ bên ngoài, nhất là từ vùng Tam giác vàng và các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, do lợi nhuận thu được từ buôn bán ma tuý rất cao, nhu cầu tiêu thụ ma tuý lớn, công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma tuý từ biên giới còn sơ hở…
Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên các lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, môi trường và tội phạm sử dụng công nghệ cao đạt kết quả chuyển biến tích cực. Trong đó, đã phát hiện điều tra 10.690 vụ phạm tội và vi phạm kinh tế, 238 vụ tham nhũng (giảm 31,6% so với năm 2009); Triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, số vụ tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm về số người chết, số vụ, nhưng tăng số người bị thương.
Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thời gian tới, trên cơ sở thực tiễn tổng kết 12 năm thực hiện Nghị quyết 09, Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Chính phủ sẽ đề xuất Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác về đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới; Xây dựng và hoàn thiện chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2010 - 2020 để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, tăng cường công tác giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tham gia phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Chỉ đạo mở rộng đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung trên các tuyến và địa bàn trọng điểm, đấu tranh triệt phá kịp thời các băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, không để hình thành tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án.
Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố
Báo cáo công tác trước Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng cho biết: Thực hiện Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, các cơ quan bảo vệ pháp luật phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng ngừa phát hiện xử lý các loại tội phạm đạt kết quả tích cực. Công tác thực hiện quyền công tố và kiểm soát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự tiếp tục có sự chuyển biến theo hướng tích cực.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, trong đó nổi lên là việc trình độ, kỹ năng thực hiện quyền công tố của một số kiểm sát viên còn hạn chế, chưa thực hiện tốt việc tranh luận tại phiên toà, vẫn còn một số trường hợp Viện Kiểm sát truy tố còn thiếu căn cứ; số lượng, chất lượng kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có tiến bộ song tỷ lệ còn thấp so với số vụ án bị cải sửa ở cấp phúc thẩm…
Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng cũng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm ngành kiểm sát thời gian tới là tập trung thực hiện đạt hiệu quả cao trong triển khai nhiệm vụ của ngành kiểm sát với việc đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Tiếp tục triển khai kết luận của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức hoạt động của Toà án, Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra; Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và quyền kiểm sát hoạt tư pháp trong lĩnh vực hình sự; kiểm sát chặt chẽ tin tố giác và tin báo tội phạm, để hạn chế mức thấp nhất bỏ lọt tội phạm, trả hồ sơ bố sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm trình tự điều tra…
Hạn chế án oan và bỏ lọt tội phạm
Đối với công tác của ngành toà án, Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình nêu rõ: Ngành toà án tiếp tục đẩy mạnh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử không để quá hạn Luật định, không để xảy ra án oan và bỏ lọt tội phạm, hạn chế mức thấp nhất các an bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, đảm bảo các quyết định của Toà án đúng pháp luật, rõ ràng, khả thi.
Bên cạnh kết quả đã được, hoạt động ngành toà án nhân dân vẫn còn có một số khuyết điểm, thiếu sót. Trong thời gian tới, ngành toà án tiếp tục kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, toà án trong sạch vững mạnh, đảm bảo phẩm chất; Đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo thủ tục hành chính tư pháp theo hướng nhanh gọn, hiệu quả và hiệu lực; Coi trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh phong trào phụng công, chí công, vô tư…
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày báo cáo về công tác thi hành án và đặc xá. Điểm nổi bật của các công tác này là kết quả thi hành án dân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo thi hành dân sự từ 1/10/2009 - 30/9/2010 đã thụ lý 629.453 việc. Công tác thi hành dân sự đã có chuyển biến tích cực, kết quả thi hành án đạt chỉ tiêu và vượt kế hoạch đề ra. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm và được giải quyết cơ bản, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Ban chỉ đạo thi hành dân sự các cấp đi vào nề nếp hơn và tiếp tục phát huy tác dụng. Công tác đặc xá đảm bảo đúng pháp luật.
Cũng tại phiên làm việc sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng VKSNDTC; Chánh án TANDTC; về công tác thi hành án và công tác đặc xá.
Chiều 5/11, các đại biểu thảo luận ở Hội trường về các báo cáo trên, trong đó kết hợp thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác phòng, chống tham nhũng./.
Theo vovnews.vn.