Cập nhật: 12/11/2010 16:23:14 Article Rating
Xem cỡ chữ

Người Việt Nam vẫn còn thị hiếu sử dụng động vật hoang dã hay các sản phẩm từ chúng phục vụ nhu cầu ăn uống, chữa bệnh và trang trí. Vì vậy, số lượng động vật hoang dã suy giảm nhanh chóng, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Trong 3 ngày, từ 10-13/11, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) diễn ra hội thảo quốc tế lần thứ 2 về cứu hộ động vật hoang dã khu vực Đông và Đông Nam Á.

 

Hội thảo do Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Hội động vật học của Đức (FZS) và Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức.

 

Hiện nay tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ ở một quốc gia mà xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là một điểm nóng. 10 tháng qua, Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT đã bắt giữ hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến động thực vật hoang dã, tịch thu hơn 8.100 cá thể các loại.

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, 10 tháng qua cơ quan này đã bắt giữ hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến động thực vật hoang dã, tịch thu hơn 8.100 cá thể các loại.

 

Ông Lê Xuân Lâm – Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, TP HCM cho biết: “Trạm Củ Chi nhận nhiều cá thể động vật hoang dã bị tịch thu từ cơ quan chức năng. Qua đó, chúng tôi thấy rằng vi phạm pháp luật về động vật hoang dã là vấn đề nóng bỏng hiện nay”.

 

Theo ông Tilo Nadler - Giám đốc Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp - Trưởng đại diện Hội Động vật học của Đức, trong những năm qua, Việt Nam có nhiều chính sách quan tâm đến việc bảo tồn các động vật hoang dã và quý hiếm. Tuy nhiên, ông Tilo Nadler cho rằng, trong tiềm thức, một số người dân Việt Nam vẫn còn thị hiếu sử dụng động vật hoang dã hay các sản phẩm từ chúng phục vụ nhu cầu ăn uống, chữa bệnh và trang trí. Vì vậy, số lượng động vật hoang dã suy giảm nhanh chóng, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ví dụ như voọc ngũ sắc - một loài linh trưởng phân bố ở miền Trung Việt Nam, hiện chỉ còn vài chục cá thể.

 

Vì thế, Tilo Nadler cho rằng: “Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt địa phương vùng sâu vùng xa nơi luôn là điểm nóng về các hoạt động vi phạm. Và trang bị thêm công cụ luật pháp đủ mạnh cho lực lượng kiểm lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

 

Giáo sư Kurtis Jai – Chyi Pey - Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Đài Loan (Trung Quốc), Chủ tịch Hiệp hội mạng lưới cứu hộ động vật hoang dã Đông và Đông Nam Á nói: “Thông qua hội thảo này, chúng tôi này sẽ tạo một mạng lưới liên kết nhằm chia sẻ kinh nghiệm cứu hộ và bảo tồn, bên cạnh đó sẽ bắt tay cùng nhau ngăn chặn mạnh nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép”.

 

Tuy vậy, tại hội thảo, ông Tan Kis Sun - Trung tâm cứu hộ động thực vật hoang dã Hongkong (Trung Quốc) cũng khẳng định, cứu hộ không phải là giải pháp tối ưu để bảo tồn cũng như ngăn chặn các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, đây chỉ là giải pháp tình thế và mang tính nhất thời. “Cũng như tình hình tai nạn giao thông, chúng ta không thể cứ xây thêm bệnh viện khi thấy số vụ vi phạm giao thông gia tăng”- Ông Sun nói.

 

Vì thế, Chính phủ các nước cần có những kế hoạch mang tính chiến lược với những giải pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng này.

 

Cũng theo các đại biểu, để bảo vệ các loài động vật hoang dã trước mắt Việt Nam sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học và các văn bản dưới luật khác. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện.

 

Tại Hội thảo này, nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách việc cơ quan chức năng xử lý tang vật là động vật hoang dã theo phương pháp bán thanh lý. Bởi vô hình chung, biện pháp này đã và đang góp phần làm nạn buôn bán động vật hoang dã tăng mạnh, đi ngược tiêu chí bảo tồn./.

 

 

Theo vovnews.vn

 

Tệp đính kèm