Càng đến gần Tết, tình hình sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp. Mặc dù thời gian vừa qua, các cơ quan Nhà nước đã liên tục đưa ra những biện pháp xử lý, cũng như chính sách để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Tuy nhiên, “căn bệnh” này nghe chừng chưa giảm mà số lượng vụ việc vi phạm với các mặt hàng làm giả tinh vi vẫn gia tăng khiến người tiêu dùng, nhà sản xuất, cơ quan quản lý đều khổ.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đã xử lý khoảng hơn 50.000 vụ vi phạm, trong đó hơn 11.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả với số tiền thu được từ các vụ vi phạm này lên tới trên chục tỷ đồng. Tại TP. HCM, trong 7 tháng đầu năm 2010, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã phát hiện hơn 400 vụ vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, tăng hơn 100 vụ so với cùng kỳ năm 2009.
Hàng giả gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và sức khỏe người tiêu dùng.
Không chỉ xuất hiện ở chợ nhỏ, mà tại các trung tâm của các thành phố lớn, hàng giả, hàng nhái cũng xuất hiện. Với kỹ thuật làm giả, nhái đạt đến độ tinh vi cao, từ mặt hàng thông thường đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất, không phân biệt giá trị nhỏ hay lớn, công nghệ cao hay thấp đều có thể làm giả, làm nhái nên người tiêu dùng “bó tay” trong việc phát hiện là hàng giả, hàng nhái. Những sản phẩm nhái giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu. Không chỉ những mặt hàng như túi xách, mũ, đồ chơi… mà hiện tại hàng nhái, hàng giả còn hoành hành ở những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá, sữa... lại bị làm giả. Điều này không chỉ khiến cho người tiêu dùng hoang mang, lo lắng, nhà sản xuất bị thua lỗ, thiệt thòi mà ngay cả các nhà quản lý, cơ quan chức năng cũng đau đầu không kém.
Theo một cuộc khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), có tới 62% người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái mà không biết. Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường, thời gian vừa qua nhiều quy định pháp lý như: kể từ ngày 15/9, tất cả các mặt hàng đồ chơi, mũ bảo hiểm khi lưu thông trên thị trường phải dán tem hợp chuẩn CR, nhưng hiệu quả thu được còn rất thấp. Việc đối phó dán tem lên các sản phẩm lại được các doanh nghiệp làm tràn lan.
Sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái trên thị trường đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất, đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính đến bờ thua lỗ, thậm chí phá sản. Không những thế, việc lưu hành sản phẩm giả và kém chất lượng còn làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, một sự thật đáng lo ngại là hiện nay, mặc dù hàng giả, hàng nhái được bày bán khá nhiều trên thị trường, nhưng lại đang có không ít doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến việc này nên để người tiêu dùng phân biệt được hàng giả, hàng nhái, nhận biết được nhãn hiệu hàng hóa có chất lượng tốt là bài toán khó.
Vì vậy, để phòng chống được hàng giả, hàng kém chất lượng, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp sản xuất, cơ quan quản lý và người tiêu dùng thì chế tài xử lý cần phải xử lý thật nặng các đối tượng sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái để từng bước loại dần những mặt hàng này trên thị trường.
Tại buổi Lễ kỷ niệm ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái năm 2010 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) cho biết, hiện hàng giả, hàng nhái với số lượng vi phạm đang ngày càng gia tăng. Việc hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế, ảnh hưởng không chỉ đến người tiêu dùng mà còn làm thua thiệt cho các doanh nghiệp sản xuất, dẫn đến thất thu thuế cho Nhà nước. Không chỉ dừng lại đó, vấn nạn này còn là rào cản đối với các doanh nghiệp trong việc nỗ lực tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu trên thị trường Việt Nam.
Theo SK & ĐS Online