Cập nhật: 08/12/2010 16:34:45 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu lao động vi phạm các quy định xảy ra liên tục và kéo dài. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc xử phạt còn thiếu nghiêm minh...

Theo thống kê của Bộ Công an, từ đầu năm 2010 đến nay đã phát hiện và xử lý trên 102 vụ với gần 27 người có hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ). Giá trị tài sản bị thiệt hạn lên đến hàng tỷ đồng. Thủ đoạn lừa phổ biến lợi dụng lòng tin của người dân, một số doanh nghiệp không có chức năng XKLĐ, nhưng cũng làm công tác tuyển chọn và thu tiền bất hợp pháp của lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đáng nói, một số kẻ còn giả danh là cán bộ Sở LĐ-TB và XH, hoặc có mối quan hệ với Bộ LĐ-TB và XH để đứng ra tuyển dụng, thu tiền nhằm lừa đảo, chiếm đoạt.

 

Cụ thể, gần đây nhất, ngày 15.11, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có Quyết định số 79, 80/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với Công ty CP Thương mại sản xuất và Dịch vụ tổng hợp (Trasesco) và Công ty CP Dệt may Sài Gòn (Texgamex). Theo đó, Trasesco bị phạt 15 triệu đồng do không thực hiện phương án tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 30 ngày kể từ ngày được cấp phép; Texgamex bị phạt 12,5 triệu đồng do không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

 

Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có Quyết định số 41/QĐ-XPHC xử phạt hành chính 95 triệu đồng và đình chỉ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 6 tháng đối với Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) do đã đưa 16 lao động đi làm việc tại Đài Loan khi chưa đăng ký hợp đồng cung ứng lao động, chưa thực hiện đầy đủ việc đào tạo - bồi dưỡng kiến thức cần thiết và cấp chứng chỉ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định, ký hợp đồng không có các nội dung về công việc phải làm, tiền lương, tiền môi giới với người lao động đi làm việc tại Đài Loan...

 

Thực tế, thời gian qua, hoạt động XKLĐ ở nước ta còn nhiều bất cập chưa được khắc phục, nhiều doanh nghiệp XKLĐ hoạt động còn kém hiệu quả. Bên cạnh đó, việc xử lý các vi phạm về XKLĐ chưa mạnh tay, chưa nghiêm. Không ít doanh nghiệp sai phạm nếu chiếu theo luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải bị xử phạt nặng, thậm chí có thể bị thu hồi giấy phép nhưng họ vẫn hoạt động bình thường và chưa bị các cơ quan chức năng xử lý?

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng, trong số hơn 167 doanh nghiệp XKLĐ trên cả nước có rất ít doanh nghiệp có năng lực hoạt động hiệu quả. Những vi phạm lừa đảo XKLĐ trong thời gian qua cho thấy thường xảy ra ở các doanh nghiệp XKLĐ không có năng lực, hoặc năng lực kém. Nhưng thực tế khi doanh nghiệp XKLĐ vi phạm lại chưa được cơ quan quản lý xử lý một cách nghiêm minh mà chủ yếu chỉ yêu cầu doanh nghiệp sai phạm sửa sai rồi cho qua, điều này khiến cho các doanh nghiệp sai phạm dễ coi thường và tái phạm trở lại.

 

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cũng cho biết, việc người lao động bị lừa đảo XKLĐ ngày càng nhiều còn xuất phát từ nguyên nhân cấp giấy phép cho các tập đoàn và tổng công ty. Theo ông Lợi, hầu hết khi cấp giấy phép hoạt động XKLĐ là cấp phép cho các tập đoàn, các  tổng công ty đến khi chuyển xuống làm việc thì tập đoàn hoặc tổng công ty lại giao cho một giám đốc độc lập. Do vậy, khi các doanh nghiệp XKLĐ ra đời rồi thành lập các chi nhánh, mà các chi nhánh lại kém xa về năng lực nên có nhiều sai phạm như chuyển nhượng lao động của các chi nhánh giữa công ty này với công ty khác, thậm chí là mượn giấy phép...

 

Trước thực trạng trên, để ngăn chặn tình trạng lừa đảo trong XKLĐ đã có một số giải pháp được đưa ra như cần có sự phối kết hợp giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động, địa phương và Bộ LĐ-TB và XH. Trong đó, doanh nghiệp cần thông báo công khai, cụ thể nội dung các hợp đồng xuất khẩu lao động đã được Bộ LĐ-TB và XH duyệt và phải trực tiếp tuyển chọn lao động không sử dụng các đầu mối trung gian để tuyển lao động ở các địa phương. Về phía Bộ LĐ-TB và XH nên thường xuyên thông báo công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động XKLĐ, các doanh nghiệp có hợp đồng XKLĐ đã được Bộ duyệt đưa lao động đi làm việc ở từng thị trường, nhất là các thị trường có thu nhập cao, ổn định, có sức hấp dẫn lớn như thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường các nước châu Âu...

 

 

 

Theo Báo điện tử Đại biểu nhân dân

Tệp đính kèm