Theo báo cáo của Bộ Công an, sau 4 năm thành lập (2007 - 2010), lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã phát hiện, điều tra, khám phá trên 11.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, chuyển cơ quan điều tra khởi tố gần 200 vụ, xử phạt vi phạm hành chính và truy thu phí môi trường trên 250 tỷ đồng.
Tuy nhiên việc vi phạm phám luật về môi trường trên một số lĩnh vực vẫn có chiều hướng gia tăng, phức tạp cần có các giải pháp đồng bộ, đấu tranh quyết liệt, ngăn chăn và xử lý thích đáng, kịp thời.
Vi phạm xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực
Vi phạm pháp luật về môi trường diễn ra trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước, cũng như quyền lợi của người dân. Biểu hiện của vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường hết sức đa dạng từ sản xuất công nghiệp; kinh doanh nhập khẩu; khai thác tài nguyên, săn bắn, buôn bán vận chuyển động vật hoang dã, quý hiếm; an toàn vệ sinh thực phẩm...
Hành vi vi phạm pháp luật phổ biến nhất trong sản xuất công nghiệp là việc đầu tư các nhà máy, cơ sở sản xuất nhưng không chú trọng đến việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải hoặc có hệ thống xử lý nhưng không đủ tiêu chuẩn vẫn cố tình vi phạm bằng những thủ đoạn tinh vi, lén lút để xả thải, nguỵ trang hệ thống xả thải... nên rất khó phát hiện, điển hình vụ Công ty Vedan Việt Nam... Đối với hoạt động nhập khẩu trái phép chất thải thường được tổ chức dưới hình thức phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, thiết bị công nghệ. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ đa dạng sinh học… lợi dụng chính sách chuyển đổi “rừng nghèo”, xây dựng thủy điện, phát quang biên giới để khai thác rừng bừa bãi, kèm theo tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra phổ biến tại các địa phương có nhiều tài nguyên, khoáng sản. Tại các khu vực khai thác khoáng sản, do sử dụng hoá chất như thuỷ ngân, kim loại nặng, nên nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu bị ô nhiễm, không có biện pháp hoàn nguyên môi trường, chống xói mòn, rửa trôi, làm ảnh hưởng hệ sinh thái, biến rừng thành đất trống đồi núi trọc, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét cao. Các đường dây mua bán, vận chuyển động vật hoang dã qua biên giới càng ngày càng có những thủ đoạn tinh vi, Việt Nam đang là nước trung chuyển các loại động vật hoang dã cho các nước thứ 3.
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho biết thêm, hiện nay vấn đề quản lý, xử lý chất thải nguy hại đang bị buông lỏng, mặc dù có trên 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng phần lớn trong số đó chưa được đầu tư thỏa đáng, công nghệ xử lý lạc hậu, có doanh nghiệp còn chôn hàng tấn chất thải nguy hại xuống đất nhằm giảm chi phí xử lý...
Xử lý vi phạm ngày càng khó
Từ thực tế của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm cho thấy việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường ngày một khó khăn hơn. Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ khẳng định, phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này ngày một tinh vi, đối tượng luôn có sự đối phó với các cơ quan chức năng, đòi hỏi lực lượng công an phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, kết hợp nhiều lực lượng và phương diện mới có thể phát hiện, điều tra và xử lý. Trong khi đó, hệ thống pháp luật về môi trường còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, đặc biệt chế tài chưa đủ mạnh để răn đe các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Việc phát hiện các hành vi vi phạm không hề đơn giản, nhưng để xử lý hành vi đồng thời khắc phục được những hậu quả về môi trường lại càng khó khăn. Một khó khăn mà trong công tác điều tra, xử lý là giải quyết bài toàn phát triển kinh tế - bảo vệ môi trường - tạo công ăn việc làm. Nhiều nơi do ưu tiên phát triển kinh tế nên kêu gọi đầu tư dàn trải, cấp phép kinh doanh ồ ạt, không quan tâm đến việc thẩm định, đánh giá ảnh hưởng của các dự án đối với môi trường...
Theo nhận định của Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ thì trong thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường dự báo vẫn còn nhiều diễn biến mới, phức tạp, chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Do hệ thống pháp luật đang từng bước sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, lực lượng chuyên trách làm công tác quản lý cũng như thực hiện chức năng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường cũng đang từng bước củng cố năng lực để thực thi pháp luật.
Thiết nghĩ, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường; xây dựng bàn hành quy định pháp luật về phí bảo vệ môi trường, về giải quyết bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ra phải được thực hiện đồng bộ với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Đồng thời cũng cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến, chính sách pháp luật về môi trường; tạo thành dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường.
Trong điều kiện hiện nay để bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, Chính phủ nên có giải pháp thích hợp để các doanh nghiệp, các tổ chức KT- XH, các địa phương tự đề ra giải pháp xử lý ô nhiễm ở đơn vị, doanh nghiệp, địa phương; đồng thời tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Mặt khác, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật về môi trường nhằm ngăn chặn kịp thời, cảnh báo nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân vẫn cố tình vi phạm.
Theo Báo điện tử Đại biểu Nhân Dân