Cập nhật: 17/12/2010 16:18:33 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch (NQLT) số 01/1999/NQLT-TP-VHTT-NNPTNT-DTMN-ND về việc phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, thực chất, công tác PBGDPL vẫn chưa thực sự đến được với người dân, nhiều tỉnh triển khai chậm và chưa thực sự hiệu quả...

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 01/1999 đến nay, đã có gần 100% Sở Tư pháp tỉnh, thành phố đã ký kế hoạch liên tịch song phương, đa phương với các Sở, ban, ngành liên quan nhằm triển khai việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện cả nước có 18.906 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện; 97.255 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; các hình thức tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật đã được tổ chức đa dạng; 140 chi nhánh cấp huyện, 4.000 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cấp xã đã được thành lập. Ở các bộ, ngành đều có kế hoạch triển khai Nghị quyết 01 với nhiều đề án được triển khai; điển hình Bộ Tư pháp đã triển khai đề án 4 Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 - 2010; Bộ NN và PTNT đã tổ chức 320 hội nghị, 11.520 buổi sinh hoạt, tuyên truyền cho cán bộ nhân dân với khoảng 93.000 lượt người tham dự… Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế  Bộ NN và PTNT Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, được sự hỗ trợ của Dự án Cải cách hành chính, Bộ đã tổ chức các khóa chuyên đề về PBGDPL dành cho các cán bộ, công chức làm nhiệm vụ PBGDPL; biên soạn và phát hành 12.000 cuốn sách pháp luật; 300 bản tin, hơn 100.000 tờ gấp pháp luật, 2.000 băng đĩa hình, tiếng…phổ biến pháp luật cho người dân 

 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đánh giá, nhìn chung nội dung pháp luật mà các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến đều liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân như Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật Phòng chống ma túy; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; pháp luật về đăng ký hộ tịch; quy chế biên giới, lãnh thổ. Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật do TƯ ban hành, các tỉnh, thành phố căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ chính trị để phổ biến các văn bản do địa phương ban hành.

 

Đại diện Sở Tư pháp Sóc Trăng chia sẻ, vẫn còn một số nơi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức hết ý nghĩa, tầm quan trọng và tính đặc thù của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khmer do đó trong chỉ đạo, triển khai thực hiện chưa sâu sát, dàn đều, chung chung. Hơn nữa, hình thức tổ chức PBGDPL chỉ mới thực hiện ở bình diện chung. Chẳng hạn, trong một cuộc họp tuyên truyền PBGDPL gồm cả người Kinh và người dân tộc Khmer, thì người Kinh hiểu và tiếp thu được còn người dân tộc Khmer do trình độ dân trí, khả năng nghe và hiểu tiếng phổ thông còn hạn chế nên việc tiếp thu rất khó. Bên cạnh đó việc dịch và in ấn tài liệu tuyên truyền chưa thống nhất, một số nơi cho rằng việc dịch và in tài liệu sang tiếng dân tộc là không cần thiết...

 

Không thể phủ nhận kết quả đạt được sau 10 năm triển khai đưa pháp luật đến cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số song trên thực tế cho thấy công tác PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng nông thôn, miền núi vẫn mang nặng tính hình thức; nhiều địa phương việc  PBGDPL mới chỉ thực hiện ở cấp tỉnh, huyện. Ở nhiều vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số việc triển khai PBGDPL vẫn nằm trên giấy, pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống, đến với đông đảo người dân mà chủ yếu chỉ dừng lại ở cán bộ xã, một số trưởng thôn, bản.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triển khai Nghị quyết 01 chưa thực sự hiệu quả, song nguyên nhân cơ bản nhất sự kết hợp thiếu nhuần nhuyễn, kết nối giữa các ngành tư pháp, văn hóa, nông nghiệp và nông thôn, Ủy ban Dân tộc... trong việc triển khai Nghị quyết số 01. Tuy đã ký kết các kế hoạch song phương, đa phương song việc triển khai chưa thường xuyên, chặt chẽ, thiếu sự ràng buộc giữa các ngành trong sự ký kết. Mỗi ngành, mỗi địa phương đều có tổ công tác thực hiện Kế hoạch liên tịch song kế hoạch này còn nặng tính hình thức, chưa chủ động, quan tâm đến việc tổ chức chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để triển khai. Bên cạnh đó một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác PBGDPL, coi công tác này là của một ngành, của cơ quan đơn vị; vẫn nặng tâm lý cơ quan, ngành nào chủ trì thì cơ quan, ngành đó chịu trách nhiệm; kế hoạch của bộ, ngành nào bộ, ngành đó triển khai. Chẳng hạn trong việc biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền pháp luật, mỗi ngành làm một phách, nội dung trùng lặp, nhiều khi là không phải lĩnh vực thiết thực với người dân. Điều đáng nói là việc PBGDPL hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc phổ biến giáo những văn bản mà cơ quan nhà nước cho rằng là cần thiết; chưa có một cuộc điều tra xã hội học nào về vấn đề này, để từ đó thấy được những văn bản nào, những lĩnh vực nào đang là mối quan tâm của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. 

 

 

 

Theo Báo điện tử đại biểu nhân dân

Tệp đính kèm