Cập nhật: 31/12/2010 15:34:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đến hẹn lại lên, cứ tới dịp Tết, các ngành chức năng lại ra quân kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng rượu, bia. Ở ĐBSCL mỗi năm có hàng trăm vụ ngộ độc rượu và đã có nhiều người tử vong. Thế nhưng, các đệ tử lưu linh vẫn không ngán. Bởi thế, rượu lậu vẫn có đất tung hoành, nhất là những ngày giáp Tết...         

 

“Điếc không sợ súng”

 

Hiện nay, đi bất cứ xóm, ấp nào ở ĐBSCL cũng thấy bày bán rượu lậu một cách công khai. Chủ quán bán tất cả các loại rượu từ rượu trắng, rượu thuốc đựng trong can nhựa được bán theo lít đến các loại rượu đóng chai… Điều dễ nhận ra là các loại rượu này phục vụ phần lớn cho tầng lớp bình dân vì giá rất rẻ, chất lượng hầu như bị thả nổi.

 

 Đoàn liên ngành kiểm tra rượu thành phẩm chuẩn bị cung cấp ra thị trường tại một cơ sở sản xuất rượu tư nhân.

 

Theo các cơ quan chức năng, tỉnh Vĩnh Long hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất rượu lậu. Qua kiểm tra 46 cơ sở sản xuất bia, rượu trên địa bàn tỉnh, ngành y tế Vĩnh Long phát hiện có đến 31 cơ sở vi phạm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Trong 48 mẫu được xét nghiệm có 35 mẫu không đạt theo quy định cho phép của Bộ Y tế.

 

Còn ở tỉnh An Giang, qua thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 1.300-1.600 cơ sở sản xuất rượu với sản lượng hơn 10 triệu lít/năm. Đáng cảnh báo là trong số này chỉ có 40 cơ sở có giấy phép sản xuất kinh doanh rượu. Bác sĩ Lê Minh Uy - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP An        Giang cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 điểm bán rượu, trong đó trên 80% sản xuất không đảm bảo VSATTP”.

 

Đây là thực trạng chung của nhiều điểm nấu rượu ở ĐBSCL, tuy nhiên, các điểm này vẫn tồn tại vì các “đệ tử lưu linh” ở trong tình trạng “điếc không sợ súng”.

 

Nhà nhà uống “thuốc độc”

 

Ngoài tác hại dễ thấy như số ca tai nạn giao thông do uống rượu, bia chiếm tỷ lệ cao, việc uống nhiều rượu không an toàn còn là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ bệnh nhân tâm thần (chiếm 7%); 11,8% bệnh nhân dạ dày và 6% bệnh nhân viêm gan...

 

Ông V.V.K ở phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên (An Giang) cho biết, ngày nào ông cũng uống rượu mua ở quán tạp hóa gần nhà. Theo ông K., dân ở quê thường uống rượu đế do các lò thủ công sản xuất nên không ai biết nó có độc hay không. Hơn nữa, do chưa tận mắt thấy ai chết nên ông và những bạn nhậu cùng xóm vẫn vô tư uống…

 

Đoàn liên ngành kiểm tra các công đoạn ngâm gạo ủ men và nấu rượu tại một cơ sở tư nhân.
 

Thời điểm này, hầu hết các địa phương ở ĐBSCL đều mở đợt kiểm tra để có những giải pháp ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán rượu kém chất lượng trong dịp cuối năm.

Tại tỉnh Hậu Giang, đoàn kiểm tra đã tổ chức kiểm tra hơn 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Bác sĩ Nguyễn Thanh Giang - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hậu Giang cho biết: “Hiện nay, các mẫu rượu đưa đi xét nghiệm vẫn chưa có kết quả. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn đều không đảm bảo VSATTP. Đoàn đã tiến hành nhắc nhở, răn đe để lập lại trật tự, tạo ý thức trong sản xuất, kinh doanh rượu”.

 

Việc rượu “độc” vẫn tràn lan trên thị trường ở các tỉnh ĐBSCL là do ý thức của người sản xuất và cả người sử dụng nên rất khó kiểm soát. Một số địa phương đã ban hành quy định để kiểm soát chất lượng rượu. Tuy nhiên, “liều thuốc” đó chưa đủ mạnh để cảnh tỉnh những “đệ tử lưu linh”.

 

Bác sĩ Kim Anh, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Sóc Trăng đưa ra giải pháp để hạn chế và quản lý chặt chẽ các hộ nấu rượu “Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP xã, phường, quận, huyện cần tiến hành thống kê lại chính xác số cơ sở sản xuất chế biến và kinh doanh rượu đóng trên địa bàn. Sau đó, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh rượu không phép (gọi là rượu lậu); Lấy mẫu kiểm tra chất lượng VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu có giấy phép cũng như các sản phẩm rượu lưu hành tại địa phương. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng giúp người dân hiểu về tác hại của rượu; nhất là các loại rượu pha chế không rõ nguồn gốc để tự bảo vệ sức khỏe của mình. Ngoài ra UBND xã, phường cũng cần vào cuộc để hạn chế các cá nhân, hộ gia đình sản xuất, tiêu thụ rượu thủ công trên địa bàn mình quản lý”.

 

 

Tệp đính kèm