Cập nhật: 08/01/2011 09:55:37 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, năm 2010, tình trạng vi  phạm pháp luật về môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trong các hoạt động thương mại, xuất, nhập khẩu, xây dựng cơ bản, xử lý chất thải…

 

Vi phạm trên diện rộng

 

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống ngầm dẫn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các bãi xử lý rác thải đô thị quá tải và công nghệ xử lý lạc hậu, nhất là tại các khu vực ngoại thành, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, “điểm nóng” về môi trường và gây mất ANTT.

 

Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong năm 2010 đã phát hiện và đề xuất xử lý vụ việc một công ty nhập khẩu 40 tấn rùa tai đỏ (là 1 trong số 100 loài động vật xâm hại nguy hiểm nhất) phát tán ra môi trường, đe dọa nghiêm trọng môi trường sinh thái. Tình trạng huỷ hoại rừng tiếp tục xảy ra nghiêm trọng, nhất là đối với các khu rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên.

 

Tình trạng nhập rác thải công nghiệp vào nước ta đang diễn biến phức tạp. Tính riêng tại Cảng Hải Phòng trong năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm container rác nhập khẩu, trong đó có chất thải nguy hại cã chất dioxin, chất phóng xạ, các thiết bị công nghệ lạc hậu sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước.

 

Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý trái phép các loại chất thải nguy hại như dầu máy thải, ắc quy chì cũ, bùn thải và bã quặng kim loại diễn ra tại nhiều địa phương. Tình trạng cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi, thiếu quy hoạch tổng thể và quản lý chưa chặt chẽ gây thất thoát tài nguyên. Nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ khai thác khoáng sản đang hiện hữu ở nhiều địa phương cần được chủ động ngăn chặn ngay từ đầu như nguy cơ bùn đỏ trong khai thác bô xit ở Tây Nguyên, vụ tràn bùn gây lũ bùn ở Cao Bằng... Việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ một cách ồ ạt thiếu quy hoạch khoa học, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường trong các dự án  này đã và đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, nhất là tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

 

Một kênh nước bị ô nhiễm trầm trọng

 

Tình hình vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề bức xúc trong nhân dân. Một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đã đưa ra thị trường nhiều loại thực phẩm kém chất lượng, có chứa hóa chất độc hại, có dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm, quá hạn sử dụng. Song nhờ sự vào cuộc quyết liệt của công an và các cơ quan chức năng nên tình trạng này thời gian qua có dấu hiệu lắng xuống. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch theo đường tiểu ngạch vẫn diễn ra phức tạp, nhất là từ khu vực biên giới phía Bắc.

 

Công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn chậm được cải thiện. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng chưa tuân thủ đúng kỹ thuật, tình trạng phát triển nuôi trồng thủy sản tự phát, thiếu quy hoạch dẫn tới ô nhiễm môi trường xảy ra nghiêm trọng ở một số nơi.

 

Nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như lợn tai xanh, H5N1, dịch tả bùng phát trở lại do vi phạm của một bộ phận người dân, đáng lo ngại tại một số địa phương thuộc Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Tĩnh... không xử lý gia súc chết do tai xanh, gây ô nhiễm, thậm chí có nơi còn bán ra thị trường, làm phát tán dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng có nguyên nhân sâu xa do môi trường bị suy thoái, hủy hoại.

 

Ghi nhận kết quả xử lý vi phạm, tội phạm về môi trường

 

Mặc dù là lực lượng mới thành lập được vài ba năm nhưng có thể nói lực luợng Cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý được nhiều vụ vi phạm pháp luật về môi trường, gây tiếng vang. Đồng thời đó cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những tổ chức, cá nhân coi thường công tác bảo vệ môi trường, vi phạm pháp luật. Qua đó góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về môi trường cho toàn xã hội.

 

Nỗi lo rùa tai đỏ

 

Do tội phạm về môi trường hiện nay rất đa dạng nên Cục Cảnh sát môi trường đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành liên quan ký quy chế phối hợp trong phòng ngừa tội phạm môi trường có yếu tố nước ngoài, xây dựng thông tư liên tịch giữa Bộ Công an với một số bộ, ngành và một số tổ chức kinh tế... nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý những vi phạm, tội phạm về môi trường trên một số lĩnh vực trọng điểm.

 

Thông qua thể chế hóa quan hệ phối hợp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, một mặt nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành này trong phòng ngừa, xử lý vi phạm, mặt khác đã phát huy vai trò của cảnh sát môi trường trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

 

Kết quả năm 2010, lực lượng Cảnh sát môi trường các cấp đã phát hiện trên 6.500 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, so với năm 2009 tăng 43 %. Trong đó có tới gần 22% số vụ là các hành vi xả nước thải, khí thải độc hại chưa qua xử lý ra ngoài gây ô nhiễm môi trường; 19% số vụ vi phạm xâm phạm nguồn tài nguyên, khoáng sản; 27% số vụ vi phạm không thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường... Lực lượng công an các cấp đã khởi tố 88 vụ, 106 đối tượng, xử lý hành chính 2.288 vụ...

 

Bên cạnh những thuận lợi, theo một lãnh đạo Cục Cảnh sát môi trường, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường còn gặp nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này ngày một tinh vi, có sự đối phó với các cơ quan chức năng. Nhiều nơi, nhiều lúc việc xử lý còn gặp cản trở, áp lực từ phía các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ... Thậm chí, việc xử lý vi phạm pháp luật về môi trường chưa có sự đồng đều, chưa thực sự nghiêm minh, có nguyên nhân là do quan điểm xử lý giữa các địa phương, một số bộ, ngành chưa thống nhất. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, còn nhiều lỗ hổng để các đối tượng “lách luật”.

 

 

 

Theo GD & T Đ Online

Tệp đính kèm