Cập nhật: 21/01/2011 15:20:26 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vào các dịp giáp Tết, lực lượng Hải quan phối hợp với các lực lượng liên ngành tăng cường đồng bộ nhiều biện pháp chốt chặn, kiểm soát buôn lậu. Tuy nhiên, nạn buôn lậu ở Lạng Sơn vẫn “nóng”, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”

Khoảng gần 4 giờ chiều một ngày cuối tháng 12/2010, chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Trong lúc ngồi đợi làm việc với lãnh đạo Chi cục Hải quan Tân Thanh, chúng tôi quan sát thấy phía cánh gà bên trái cửa khẩu, thấp thoáng từng đoàn 5-7 người lê từng bước nặng nề trên vách núi cheo leo.

 

Một cán bộ hải quan ở đây cho biết, vào giờ này, chẳng ai dại gì mà mang vác hàng buôn lậu một cách công khai như vậy. Đây chỉ là những “cửu vạn” đang đi “thám thính” địa hình để chờ vào giờ tan tầm hoặc đêm xuống, họ sẽ vận chuyển hàng lậu qua đường này. Hàng lậu được vận chuyển bằng cách khuân, vác, gùi, thậm chí buộc quanh người để che mắt lực lượng kiểm tra, kiểm soát.

 

Đây chỉ là số một trong nhiều thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu sử dụng trong các dịp Tết. Thường thì các đối tượng này trà trộn vào khách du lịch để vận chuyển hàng hoặc thuê khách du lịch xách tay hàng đã được phân tán nhỏ để đem qua cửa khẩu. Sau đó, chúng vận chuyển hàng lậu bằng xe ô tô, xe con cóc, xe máy phân khối lớn vào sâu trong nội địa.

 

Bên cạnh đó, còn có một loại đối tượng khác cũng sử dụng hành vi hết sức tinh vi là gom hàng ở biên giới, dùng các hóa đơn chứng từ lưu thông trên đường để qua mắt cơ quan hải quan….Dọc tuyến đường từ thành phố Lạng Sơn lên cửa khẩu Tân Thanh, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những xe tải, xe container ì ạch chở những thân cây có đường kính đến cả mét còn nguyên gốc. Một cán bộ hải quan ở Lạng Sơn ngồi cùng xe với chúng tôi cho biết, khi qua cửa khẩu, những cây đại thụ với lượng gỗ ước tính lên đến cả chục m3 này được xuất cảnh với hóa đơn hợp lệ là “cây cảnh”. Gặp trường hợp như thế này, cán bộ hải quan cũng đành phải “bó tay” nhìn gỗ tuồn qua biên giới.

Theo ông Phùng Quang Hội, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, trong dịp Tết, các đối tượng buôn lậu thường tăng cường nhập lậu các mặt hàng pháo, gia súc gia cầm, nội tạng gia súc gia cầm, lịch, thuốc tân dược, các mặt hàng không được phép nhập vào Việt Nam như dao, kiếm, đồ chơi bạo lực…

 

Ông Bế Văn Tiến, Đội phó Đội Kiểm soát chống buôn lậu Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, tại Tân Thanh hiện nay có 5 trung tâm thương mại, hai bên cánh gà cửa khẩu có nhiều đường mòn, lối tắt, do vậy công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Sau một thời gian tạm lắng, trong năm 2010, ở tại Tân Thanh lại nổi cộm lên việc buôn bán pháo các loại, thịt gia súc, nội tạng động vật, đặc biệt là các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ như dao, kiếm, súng bắn hơi, dùi cui điện…

 

Chúng tôi được ông Tiến dẫn đi xem kho chứa hàng lậu chưa đầy các hàng hóa như: đồ chơi bạo lực, dùi cui điện, pháo, bình xịt hơi cay, dao kiếm các loại… Nhìn những thanh kiếm, đao các loại dài khoảng 1m, sáng loáng, sắc lẹm, chúng tôi không khỏi rùng mình. Và lo lắng của chúng tôi càng có cơ sở khi ông Tiến cho biết, trên địa bàn Lạng Sơn mới trong tháng 11 vừa qua đã xảy ra một số vụ thanh toán đẫm máu bằng các loại đao kiếm này.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một thanh kiếm Nhật dài gần 1m được buôn bán lén lút ra thị trường với giá 700.000 đồng, thanh đao có phi tiêu có giá gần 1 triệu đồng/thanh, súng bắn đạn bằng những viên bi có giá 1-3 triệu đồng/khẩu, bình xịt vừa làm đèn pin, vừa để xịt hơi cay có giá vài trăm ngàn đồng… Hầu như các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ này đều có giá cả khá phải chăng. Có lẽ vì thế, nạn buôn bán trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời gian gần đây trở nên khá nhộn nhịp.

 

Ông Phùng Quang Hội cho biết, trong năm 2010, tại cửa khẩu Tân Thanh, lực lượng hải quan cũng bắt giữ được hơn 100 vụ buôn bán hàng giả hàng lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, lực lượng hải quan đã bắt quả tang hàng chục vụ buôn bán vũ khí nóng, pháo nổ, thu hàng trăm súng, dao kiếm, bình xịt hơi cay và hàng tạ pháo nổ…

 

Mới trong tháng 12/2010 vừa qua, đội Kiểm soát chống buôn lậu Chi cục Hải quan Tân Thanh bắt giữ một vụ buôn bán vũ khí trái phép với số lượng lớn tại Trung tâm thương mại Việt- Trung. Hải quan Tân Thanh đã phối hợp với cơ quan chức năng điều tra mở rộng và thu giữ thêm một lượng lớn hàng cấm, gồm: 60 chiếc dao kiếm, trên 100 dùi cui điện, súng điện, đạn, đồ chơi bạo lực, đặc biệt có các loại súng có khả năng sát thương cao như súng bắn hơi cay, súng điện, súng bắn đạn bi…

 

Còn lắm gian nan

Trong thời gian vừa qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các cửa khẩu trong toàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Để kiểm soát tình trạng buôn lậu gia tăng vào những dịp cuối năm, ngay từ đầu tháng 12/2010, các lực lượng Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường và các địa phương đã có nhiều hoạt động kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn các đối tượng vượt biên qua biên giới, vận chuyển hàng trái phép, nhất là các mặt hàng: pháo, gia súc gia cầm, nội tạng gia súc gia cầm, lịch, thuốc tân dược… Trong năm qua, hải quan Lạng Sơn đã phát hiện gần 500 vụ buôn lậu. Số hàng lậu bị tịch thu và xử lý trị giá gần 5 tỷ đồng.

 

Thep ông Nguyễn Công Trưởng, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, hiện ở Lạng Sơn đã hình thành 3 cấp tuyến kiểm tra tình hình buôn lậu và gian lận thương mại. Tuyến biên giới gồm có các lực lượng hải quan, biên phòng; tuyến nội địa gồm các lực lượng trong nội địa, các lực lượng liên ngành; tuyến thứ ba là lực lượng công an cùng với lực lượng 127 của tỉnh. Các cấp tuyến này như là các chốt chặn, không để lọt các đối tượng buôn lậu. Nếu đối tượng đã qua cửa khẩu rồi thì vẫn còn những người ở tuyến trong nội địa có thể chốt chặn bắt giữ.

 

Ông Phùng Quang Hội cũng cho biết, Chi cục luôn xác định trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán là thời gian trọng điểm trong năm về hoạt động thương mại qua cửa khẩu. Từ 2 tháng trước Tết, Chi cục đã bố trí tăng cường các lực lượng trực, kiểm soát chặt chẽ ở khu vực cửa khẩu và các điểm chốt chặn để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hoá xuất nhập khẩu, đặc biệt là tập trung vào các mặt hàng cấm, như: ma tuý, tiền giả, tài liệu an ninh quốc gia…

 

Mặc dù vậy, tình hình buôn lậu chỉ tạm thời lắng xuống và đợi thời cơ như các dịp trước và sau Tết lại bắt đầu bùng phát. Theo ông Nguyễn Công Trưởng, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, khó khăn nhất hiện nay vẫn là địa bàn biên giới ở Lạng Sơn khá rộng, có nhiều đường mòn, lối tắt cho cư dân dễ dàng sang nước bạn Trung Quốc. Bọn buôn lậu thường lợi dụng đường mòn biên giới, nơi có ít cư dân sinh sống để vận chuyển hàng lậu như: hai bên cánh gà cửa khẩu Tân Thanh, khu vực Khơ Đa, Cốc Nam thuộc xã Tân Mỹ (Văn Lãng), Bãi Gianh, thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc), Chi Ma (Lộc Bình)...

 

Ông Trần Văn Nghĩa, Chi cục phó Chi cục Hải quan Tân Thanh rất trăn trở về việc nhiều khi nhìn thấy các đối tượng buôn lậu vận chuyển hoặc tập kết hàng tại khu vực biên giới giáp ranh, nhưng lực lượng hải quan không làm gì được bởi khu vực đó không thuộc lãnh thổ Việt Nam. Hoặc khi có thông tin về đối tượng buôn lậu qua cửa khẩu, lực lượng chức năng truy bắt cũng hết sức vất vả, do địa hình khó khăn, bọn buôn lậu thường manh động, bằng mọi giá phải tẩu thoát nên chúng rất liều lĩnh...

 

Một khó khăn nữa là bọn buôn lậu thường lợi dụng tuyến đường sắt để vận chuyển hàng với khối lượng lớn. Lợi dụng việc kiểm tra hàng với khối lượng lớn khá khó khăn, cộng với việc khi hàng đã xếp lên toa là được kẹp chì niêm phong, nên các đối tượng này thường giấu hàng lậu vào lẫn trong hàng có hóa đơn để qua mắt hải quan.

Theo ông Nguyễn Công Trưởng, công tác phòng chống buôn lậu thực sự vẫn là vấn đề khá nan giải. Bởi ngay cả ở các tuyến biên giới mặc dù thường xuyên có các lực lượng liên ngành, thuế, hải quan… tổ chức triển khai kiểm tra nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Nếu để bảo đảm cho việc xuất nhập khẩu không bị gián đoạn thì lại là thách thức đối với lực lượng hải quan trong kiểm tra, kiểm soát hàng hóa.

 

Chúng tôi rời cửa khẩu Tân Thanh cũng là lúc trời bắt đầu về khuya. Trên đường trở về Hà Nội, nhìn những đoàn xe lớn, nhỏ chở những chuyến hàng chất đầy ầm ì tiến sâu vào nội địa, không ai dám chắc rằng, trong đó hoàn toàn không có hàng lậu. Và tôi bỗng nhớ lại trăn trở của ông Nguyễn Công Trưởng trước lúc chia tay: “Nếu các lực lượng phía trong nội địa làm tốt công tác chốt chặn cũng như kiểm soát được thị trường tiêu thụ hàng lậu, đặc biệt là các mặt hàng “nóng”, pháo nổ… thì nạn buôn lậu sẽ giảm đáng kể, bởi không có cầu thì cung cũng không còn nữa. Được như vậy thì áp lực làm việc của chúng tôi sẽ giảm đi rất nhiều”./.

 

 

 

Theo vovnews.vn

 

Tệp đính kèm