10 năm qua (2001 - 2010), công tác phòng, chống ma túy đã được triển khai và tích cực thực hiện. Lực lượng chuyên trách đã phối hợp tiến hành nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và các tuyến, địa bàn trọng điểm; phối hợp đấu tranh trên các tuyến biên giới để ngăn chặn tội phạm ma túy…
Tuy nhiên, hiệu quả mới chỉ là bước đầu, thời gian tới, cần sự nỗ lực hơn nữa của các cấp chính quyền và ngành chức năng, với nhiều biện pháp quyết liệt hơn để từng bước ngăn chặn tệ nạn này.
Tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp
Thời gian qua, tệ nạn ma túy trong khu vực và trên thế giới luôn diễn biến phức tạp. Nước ta chịu tác động trực tiếp từ khu vực Tam giác vàng nên tội phạm ma túy cũng gia tăng. Hoạt động của tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào nước ta tập trung ở 3 tuyến biên giới Tây Bắc, Bắc miền Trung và Tây Nam. Các đối tượng trong nước cấu kết chặt chẽ với đối tượng người nước ngoài, đối tượng người Việt bị truy nã lẩn trốn ở nước ngoài để tàng trữ, buôn bán, vận chuyển vào trong nước với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và chống đối quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Giữa 2 bên biên giới, bọn tội phạm đã hình thành các tụ điểm tập kết ma túy, thuê người dân tộc thiểu số có trang bị vũ khí để vận chuyển qua đường mòn. Việc phát hiện, bắt giữ rất khó khăn và thường gặp sự chống trả manh động của đối tượng vi phạm.
Việc buôn bán ma túy qua đường hàng không, hoạt động của các tụ điểm buôn bán lẻ và tổ chức sử dụng ma túy nơi công cộng tại các thành phố lớn và những địa bàn trọng điểm cũng phức tạp. Số người nghiện tập trung vào nhóm đối tượng có trình độ văn hóa thấp, không có nghề nghiệp, đối tượng có tiền án, tiền sự. Đáng chú ý, số người nghiện ở khu vực nông thôn có chiều hướng gia tăng, chủ yếu do số thanh niên đi làm ăn tại các đô thị, biên giới, khu công nghiệp… mắc nghiện, khi trở lại nơi cư trú đã lôi kéo thêm nhiều người khác. Đến nay các tỉnh, thành và trên 90% quận, huyện, thị xã, hơn 56% xã, phường, thị trấn có người nghiện với thành phần đa dạng. Ngoài các chất ma túy truyền thống, đã xuất hiện một số chất ma túy mới chưa có trong danh mục các chất ma túy ở Việt Nam, gây khó khăn cho công tác phát hiện, phân tích, giám định của các lực lượng chức năng. Tỷ lệ người nghiện sử dụng ma túy bằng đường tiêm chích tăng mạnh, là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm lây lan nhanh HIV/AIDS.
Hiệu quả bước đầu
Thời gian qua, các lực lượng đấu tranh chống tội phạm ma túy được tăng cường về mọi mặt. Tỷ lệ phát hiện, bắt giữ ở các tỉnh biên giới tăng lên. Lực lượng chức năng đã xóa hàng ngàn tụ điểm ma túy phức tạp trong nội địa, hàng năm triệt phá từ 1.500 - 2.000 ổ nhóm và đường dây tội phạm ma túy lớn, xuyên quốc gia, liên quan đến quốc tế, góp phần kiềm chế số ma túy trái phép vận chuyển từ nước ngoài vào. Hiệu quả công tác điều tra, xét xử cũng cao hơn. Đặc biệt, lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ Công an đã phối hợp triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên phạm vi toàn quốc và các tuyến, địa bàn trọng điểm, phối hợp đấu tranh trên các tuyến biên giới.
Công tác cai nghiện, phục hồi được các cấp, ngành, địa phương chú trọng, hình thức được đa dạng hóa và xã hội hóa một bước. Nhiều địa phương đã đầu tư nâng cấp, cải tạo và mở rộng các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội để tổ chức cai nghiện tập trung cho những người nghiện nặng. Mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được thực hiện có hiệu quả ở một số địa bàn. Một số mô hình, phương pháp cai nghiện mới phù hợp với từng địa bàn, vùng miền, đối tượng cũng bước đầu được triển khai thực hiện. Nhiều địa phương ưu tiên ngân sách và huy động đóng góp của xã hội đầu tư cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai. 10 năm qua, cả nước đã tiếp nhận và cai nghiện phục hồi cho 364.385 lượt người. Hàng chục nghìn người nghiện đã từ bỏ được ma túy. Số người nghiện có dấu hiệu chững lại và giảm dần.
Công tác phòng chống tái trồng cây thuốc phiện, cây cần sa bằng nhiều biện pháp cũng được chú trọng. Diện tích tái trồng cây cần sa đã liên tục giảm, từ 360,2ha năm 2001 xuống còn 22,5ha năm 2010. Tình trạng tái trồng cây thuốc phiện ở một số địa phương, chủ yếu ở vùng núi Tây Bắc cơ bản được ngăn chặn. Công tác hợp tác quốc tế cũng được mở rộng, nội dung phối hợp ngày càng sâu và toàn diện hơn. Nhiều đối tượng đặc biệt nguy hiểm là người Việt Nam, trốn truy nã, cầm đầu các tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy từ bên ngoài vào đã bị bắt giữ. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác ngăn chặn, giảm lượng ma túy thẩm lậu vào Việt Nam và bóc dỡ nhiều đường dây mua bán có yếu tố nước ngoài, thu giữ số lượng lớn ma túy.
Cần quyết liệt hơn
Những kết quả bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm, công tác phòng, chống ma túy cũng còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy chưa được tổ chức sâu rộng và tập trung vào những đối tượng, địa bàn trọng điểm và chưa gắn kết được với công tác tư vấn phòng tránh, phát hiện, chữa trị cai nghiện. Vì vậy, chưa tạo chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội, nhất là thanh, thiếu niên và nhóm đối tượng có nguy cơ cao, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Lực lượng chức năng cũng chưa ngăn chặn hiệu quả việc vận chuyển trái phép các loại ma túy từ nước ngoài vào. Tình trạng thẩm lậu ma túy qua biên giới, cửa khẩu vào nước ta còn lớn, tiềm ẩn các loại ma túy trong nội địa còn nhiều. Nhiều mục tiêu như: kiềm chế tốc độ gia tăng người nghiện mới; giảm tỷ lệ tái nghiện và tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy, số người được cai nghiện tập trung… chưa đạt được. Công tác cai nghiện vẫn là khâu khó khăn và hiệu quả thấp, tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện tập trung còn cao. Hiệu quả cai nghiện tại cộng đồng và gia đình thấp. Công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng những bài thuốc hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện các biện pháp y tế để cai nghiện còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Thực tế trên cho thấy, phải có nhiều biện pháp quyết liệt hơn để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý. Trước hết là tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức truyền thông phù hợp, tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao, đồng bào vùng sâu, vùng xa; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế theo hướng: tập trung phối hợp điều tra các vụ án ma túy quốc tế, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tài trợ quốc tế cho công tác này; đặc biệt lực lượng chức năng cần tiếp tục tổ chức tấn công trấn áp tội phạm về ma túy tại các tuyến, địa bàn trọng điểm; bắt giữ, xử lý triệt để các đường dây, tổ chức buôn bán ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam; tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, nhất là hoạt động xuất, nhập khẩu, buôn bán, sử dụng các tiền chất, thuốc tân dược, thuốc hướng thần. Cũng cần nhiều biện pháp mạnh ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp và tái trồng cây thuốc phiện, cây cần sa. Bên cạnh đó, ưu tiên kinh phí và có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện tại cơ sở. Cũng cần tổng kết việc thí điểm điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, chuẩn bị kỹ lưỡng để cho triển khai sử dụng trên diện rộng.
Theo Báo điện tử đại biểu ND