Các chuyên gia nhận định nếu cứ kéo dài tình trạng này cho đến thời điểm việc kinh doanh vàng miếng bị cấm, sớm muộn gì giao dịch nhà đất bằng vàng cũng sẽ bị biến mất khỏi thị trường.
Trước chủ trương kiên quyết xoá bỏ kinh doanh vàng miếng của Chính phủ, thị trường vàng đã chững hẳn lại. Nhiều ý kiến đưa ra để góp phần làm lành mạnh hoá thị trường như hạn chế, kiểm soát chứ không nên cấm hẳn kinh doanh vàng miếng, hay thành lập trung tâm giao dịch vàng quốc gia... Song, hầu hết đều cho rằng, không thể coi vàng là phương tiện thanh toán như tiền đồng.
Tại hội thảo "Thị trường vàng Việt Nam: Những vấn đề đặt ra" được tổ chức tại Hà Nội, thông điệp mà những chuyên gia kinh doanh vàng đưa ra là cần tìm cách đưa vàng trở lại thị trường nhằm tạo thêm giá trị kinh tế cho xã hội thay vì để chúng lang thang trong dân cư.
Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng - Ngân hàng Á Châu đề nghị nên thành lập trung tâm hoặc sàn giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước đóng vai trò trọng tài để quản lý, trong đó có các thành viên như ngân hàng, doanh nghiệp (DN) chuyên kinh doanh vàng, nhà đầu tư tổ chức hoặc công ty.
Ông Khanh cho rằng lạm phát là do bản chất nội tại của nền kinh tế, vàng chỉ là yếu tố thứ yếu, gián tiếp tác động đến lạm phát. "Phải thấy là vì không ổn định được giá trị đồng tiền nên mới xuất hiện tâm lý bảo toàn giá trị tài sản nơi vàng. Nếu mà đồng tiền có giá trị chẳng ai đi mua vàng hay các tài sản khác", ông Khanh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vàng Agribank cũng cho rằng giải pháp hiệu quả nhất trong thời điểm này là tiếp tục cho phép giao dịch vàng vật chất, nhưng trên cơ sở hạn chế số đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, khi cho phép mở 10 đơn vị giao dịch thì chỉ có 1 đơn vị được phép giao dịch vàng miếng, 9 đơn vị khác chỉ được mua bán vàng trang sức. Nếu thực hiện được điều này, sẽ hạn chế được những tác động không đáng có của thị trường vàng.
Trong thời gian tới, người dân sẽ không thể sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
Trong báo cáo Chính phủ, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cơ quan này đang dự thảo quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo 2 giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu, kéo dài từ 6 tháng đến một năm, Nhà nước vẫn thừa nhận quyền sở hữu vàng miếng của tổ chức, cá nhân nhưng không cho phép lưu thông trên thị trường tự do. Người nắm giữ vàng miếng chỉ được bán cho một số đầu mối thu mua mà NHNN chỉ định và không được phép mua lại. Những đầu mối thu mua nói trên là các NHTM, DN có kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Các đầu mối này sẽ thực hiện mua vàng và bán lại cho NHNN hoặc cho các đơn vị sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ làm nguyên liệu sản xuất.
Đến giai đoạn thứ 2, NHNN sẽ thu hồi giấy phép sản xuất vàng miếng đã cấp cho DN. Các đầu mối thu mua chỉ được bán vàng cho NHNN mà không được bán lại cho các DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các DN làm trang sức chỉ được dùng nguồn vàng thu mua tại chỗ để làm nguyên liệu sản xuất. Trong trường hợp làm gia công cho nước ngoài thì được xem xét cho tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu như các DN có vốn đầu tư nước ngoài...
Nhận định về vai trò của vàng trong nền kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng trước đây, xu thế tâm lý của người Việt Nam thường coi vàng là giá chuẩn cho nền kinh tế, lấy vàng làm cơ sở cho các hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, giá vàng biến động kéo theo các hoạt động kinh doanh, giao dịch, cũng như đời sống của người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi giá vàng tăng tốc, từ lúc 400 USD/ounce cho đến nay, tâm lý này đã có nhiều thay đổi, người ta không còn lấy vàng làm cơ sở để kinh doanh, mà chỉ coi vàng là một kênh đầu tư sinh lời. Một số khác lại chỉ chọn vàng như một cách giữ vốn mà thôi.
Các chuyên gia nhận định nếu cứ kéo dài tình trạng này cho đến thời điểm việc kinh doanh vàng miếng bị cấm, sớm muộn gì giao dịch nhà đất bằng vàng cũng sẽ bị biến mất khỏi thị trường. Với nền kinh tế, đây là một tín hiệu rất tốt, khi phương tiện thanh toán duy nhất được quy về thành một đầu mối.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cũng khẳng định: "Không thể coi vàng là phương tiện thanh toán. Nếu coi vàng là phương tiện thanh toán là sai. Một đất nước chỉ có một đồng tiền chung. Chúng ta cũng sẽ không nằm ngoài quy luật ấy".
Theo CAND online