Các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác phòng ngừa, chủ động tấn công trấn áp tội phạm, đồng thời huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân trong phòng chống tội phạm trên biển.
Ngày 19/4, tại TP HCM, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) phối hợp với Học viện Biên phòng, Học viện Hải quân, Học viện Ngoại giao tổ chức hội thảo khoa học về “Phòng, chống tội phạm bảo vệ ANTT trên biển Việt Nam-Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo cán bộ trong tình hình hiện nay”.
Dự hội thảo có: Trung tướng GS.TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND; Đại tá PGS.TS Trần Hữu Phúc, Giám đốc Học viện Biên phòng; Đại tá PGS.TS Trần Đình Việt, Phó Giám đốc Học viện Hải quân; PGS.TS Nguyễn Thái Uyên Hương, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng…
Tội phạm trên biển đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng, trở thành mối đe dọa tất cả các nước ở khu vực Biển Đông cũng như tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định về ANTT, chính trị và TTATXH.
Nhằm đảm bảo ANTT trên tuyến Biển Đông tiếp giáp với Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác đa phương, Việt Nam đã tham gia Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ; tham gia ký Công ước chống tội phạm có tổ chức năm 2000 của LHQ; Hiệp định tương trợ tư pháp đa phương giữa các nước ASEAN; các Công ước về chống ma túy, chống tội phạm xuyên quốc gia; Hiệp định chống hải tặc và cướp có vũ trang nhằm vào tàu thuyền ở châu Á…
Về khuôn khổ hợp tác song phương, ở cấp chính phủ, Việt Nam đã ký 17 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự và dẫn độ tội phạm với 16 quốc gia trên thế giới để tăng cường khung pháp lý cho hoạt động phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm trên biển.
Bộ Công an đã ký hơn 40 Hiệp định, Bản ghi nhớ, Thỏa thuận hợp tác với các Bộ Công an, Bộ Nội vụ cũng như cảnh sát các nước trên thế giới và khu vực…
Từ năm 2000 đến nay, đã tiếp nhận, xử lý 197 lượt thông tin, vụ việc liên quan đến tội phạm trên biển Việt Nam có yếu tố nước ngoài; tiến hành xác minh giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ các đối tượng vị phạm theo lệnh của Tòa án các quốc gia, trao trả người và tài sản cho phía nước ngoài…
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Đại Quang đánh giá cao các Học viện đã phối hợp tổ chức hội thảo, đồng thời nhấn mạnh những năm qua, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quân và Cảnh sát biển đã đấu tranh có hiệu quả phòng chống các loại vi phạm và tội phạm trên biển. Qua đó từng bước tạo được sự chuyển biến về TTATXH, giữ vững kỷ cương pháp luật, phát huy được nguồn lực to lớn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biển.
Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo ANTT trên biển, Thứ trưởng Trần Đại Quang đề nghị các lực lượng làm tốt hơn nữa vai trò hoạt động ngoại giao trong công tác phòng chống tội phạm trên biển, xây dựng đường lối đối ngoại hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống tội phạm trên vùng biển Việt Nam.
Tập trung phân tích làm rõ thực trạng pháp luật về hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm trên biển Việt Nam cũng như những điểm còn hạn chế về hệ thống pháp luật trong nước để từ đó, xây dựng luận điểm, đưa ra kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và luận giải chiến lược cho sự phát triển theo hướng nghiên cứu rà soát các điều ước quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật về biển của Việt Nam để sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, Luật Biển quốc tế và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên…
Thứ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh các lực lượng phải làm tốt công tác phòng ngừa, chủ động tấn công trấn áp tội phạm. Huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân, của cơ quan, tổ chức xã hội trong phòng chống tội phạm trên biển, xã hội hóa họat động phòng chống tội phạm trên biển.
Xây dựng các lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Hải quân chính quy, tinh nhuệ, đủ mạnh về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về mọi mặt trên biển. Đồng thời phải tăng cường quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong phòng chống tội phạm, đặc biệt giữa các đơn vị nghiệp vụ Công an các tỉnh ven biển với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ Ngoại giao, quan hệ hợp tác qua kênh Interpol, ASEANPOL để trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra kiểm soát trên biển, ngăn chặn, truy bắt tội phạm.
Theo Chinhphu.vn