Hoàn thiện hệ thống luật pháp quốc gia là một công việc thường xuyên và hàng đầu của mọi nghị viện. Ở nước ta, nhiệm vụ này càng quan trọng và bức thiết vì hệ thống còn thiếu nhiều, lại đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, tình hình thế giới rất nhiều biến động.
1. Hệ thống luật pháp của mỗi quốc gia, trước tiên là Hiến pháp, là biểu thị sự độc lập tự chủ, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, và thể hiện cương lĩnh xây dựng đất nước của quốc gia đó. Đối với nước ta cũng vậy.
Một chính sách có liên quan đến nhiều luật, văn bản pháp quy dưới luật. Tính khả thi của một chính sách phụ thuộc vào sự đồng bộ, sự nhất quán và sự phù hợp với Hiến pháp của các văn bản pháp quy liên quan đến chính sách đó.
Các cuộc giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội các khóa X và XI về việc thực hiện luật pháp về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), về viện trợ chính thức nước ngoài (ODA), cũng như các báo cáo thẩm tra các hiệp định đã ký kết cho thấy nét nổi bật và chung nhất là các văn bản pháp luật thiếu ổn định, các văn bản dưới luật được ban hành chậm, các luật còn chưa đủ cụ thể, nhiều điều khoản có nhiều cách diễn giải, rất nhiều nội dung chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn nhau.
Sự thiếu cụ thể của luật và có nhiều cách diễn giải đã tạo ra trên thực tế sự thiếu thống nhất giữa các ngành, các địa phương, là khe hở đồng thời gây ra nhiều lúng túng khi xử lý.
Tình hình trên đây đã được khắc phục khá nhiều, nhưng chắc không phải đã chấm dứt.
Do vậy thách thức đầu tiên của việc hoàn thiện luật pháp liên quan đến một chính sách, về đầu tư chẳng hạn, là bảo đảm sự đồng bộ, sự nhất quán và sự phù hợp với Hiến pháp của các văn bản pháp quy liên quan đến các chính sách đó.
Để vượt qua thách thức này, khi xây dựng một dự thảo luật, cơ quan soạn thảo cần đứng trên quan điểm liên ngành, không cục bộ. Mặt khác, cần tăng cường mạnh mẽ và sát sao công tác giám sát việc ban hành các văn bản pháp quy phạm dưới luật tại Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội (2). Đây là hai khâu quan trọng để bảo đảm ba yêu cầu đồng bộ, nhất quán và phù hợp với Hiến pháp.
2. Trên lĩnh vực kinh tế, Luật Đầu tư (2005) mở ra bên cạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài, kênh đầu tư gián tiếp nước ngoài. Đây là một vấn đề hết sức hệ trọng mà Quốc hội Khóa XI đã thảo luận nhiều.
Đầu tư trực tiếp là đầu tư thực, trong khi đầu tư gián tiếp có thể là đầu tư bong bóng.
Chứng khoán trong ý định nguyên thủy là một kênh huy động vốn nhàn rỗi để phục vụ phát triển sản xuất. Dần dần thị trường chứng khoán đã trở thành nơi thuần túy tìm kiếm lợi nhuận, đồng vốn được kinh doanh nhiều tầng và nhiều vòng và cứ thế được thổi phồng lên.
Không biết đã có bao nhiêu phần trăm lượng tiền chu chuyển ở các thị trường chứng khoán đi vào mở rộng dây chuyền, đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu cho sản xuất. Hay các nhà đầu tư chỉ chăm chú theo dõi “phong vũ biểu” chứng khoán, và thi nhau “lướt sóng” tại thị trường này?
Các cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới hầu hết đều bắt nguồn từ bong bóng tài chính vỡ. Mỗi khi bong bóng vỡ, hàng loạt nhà máy ngưng hoạt động, sản xuất bị đình trệ, hàng vạn người lao động mất việc làm. Giá trị của các nhà máy tụt giảm đi nhiều lần, đôi khi chỉ còn là một tờ giấy, trong một khoảnh khắc ngắn, mặc dù máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ và người lao động vẫn còn nguyên đó!
Mong rằng Luật chứng khoán của Việt Nam có những quy định cần thiết để “đầu tư chứng khoán” không phải là “chơi casino chứng khoán”. Nên chăng “Thà ít mà tốt”, “ăn chắc mặc bền” như sự khôn ngoan mang tính tổng kết mách bảo?
3. Khi gia nhập một định chế quốc tế, các quốc gia buộc phải “phù hợp hóa” luật pháp quốc gia với các hiệp định và quy định của tổ chức này.
Trước khi ký kết gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết chấp nhận tất cả các cam kết về chính sách thương mại #(3). Cam kết có hiệu lực ngay sau khi gia nhập.
“Phù hợp hóa” luật pháp quốc gia, thực hiện các cam kết đồng thời bảo đảm lợi ích quốc gia là một thách thức lớn đối với nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp trong thời gian tới.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đầu tư (2005), lúc đó đã tính đến các quy định và hiệp định của WTO mà Việt Nam sẽ gia nhập, một danh sách khá dài các quy định và các văn bản pháp quy hiện hành đã được các cơ quan chức năng liệt kê để được sửa đổi.
Thách thức lớn bởi vì danh sách này “mở”, không phải chỉ phù hợp hóa một lần là xong bởi lẽ các quy định của WTO sẽ còn thay đổi và không phải chỉ có WTO mà còn nhiều mối quan hệ song phương, đa phương và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.
Sơ đồ dưới đây chỉ ra các mối quan hệ tương tác và mức độ phức tạp cần được công tác lập pháp giải quyết tốt vì lợi ích và chủ quyền quốc gia trong hội nhập.
4. Thách thức lớn còn vì chúng ta bước vào một thời kỳ vừa hợp tác vừa đấu tranh trong tương quan về kinh tế và công nghệ không cân sức và chúng ta cần có luật pháp để tự bảo vệ mình.
Nhiều quốc gia, đã có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ mạnh lại còn có một hệ thống văn bản pháp luật khá dày để bảo vệ nền kinh tế của họ. Hoa Kỳ chẳng hạn có bốn loại luật pháp để bảo hộ mậu dịch(4).
Các nước này vẫn thuyết giáo về sự cần thiết tự do hóa thương mại nhưng lại thực hiện bảo hộ mậu dịch mạnh mẽ nhất khi khủng hoảng xảy ra.
Hệ thống luật pháp để bảo vệ mình của Việt Nam hiện nay rất mỏng nếu không nói là chưa có. Các lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật… hầu như không có hàng rào. Việt Nam chưa có luật chống bán phá giá, chỉ mới ban hành Pháp lệnh về tự vệ, nhưng còn chờ nghị định và tổ chức thực hiện.
Luật để thích nghi với quá trình hội nhập đang được hoàn thiện dần dần nhưng xây dựng luật bảo vệ mình là còn là một lỗ hổng rất lớn.
Chính vì vậy, lấp lỗ hổíng này phải là một nhiệm vụ quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế trong thời gian tới.
5. Trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế, tôi thiết nghĩ hệ thống nội luật của các nước không chỉ tuân theo một chiều các quy định của các điều ước quốc tế, bởi lẽ tôi tin rằng các quy định này không phải là bất biến.
Thách thức lớn chính là ở chỗ nhận thức cho được sự không bất biến tất yếu này, nhận rõ được các mâu thuẫn, và có được đối sách đúng và đúng lúc.
Nếu đã có Đồng thuận Washington(5) thì Hậu Đồng thuận Washington cũng đã được nói đến ngày càng nhiều sau các cuộc khủng hoảng xảy ra ngày càng nhặt, mà gần đây nhất là cuộc khủng hoảng đang diễn ra từ cuối năm 2007(6).
Đồng thuận Washington chủ trương Nhà nước không nên can dự quá nhiều vào hoạt động của các doanh nghiệp mà nên tập trung vào tạo dựng một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động. Thế nhưng đến khi xảy ra khủng hoảng thì Nhà nước phải có trách nhiệm cứu vãn nền kinh tế, tài trợ cho các doanh nghiệp, trong đó có cả những tác nhân đã gây nên khủng hoảng.
Thách thức cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, của việc hoàn thiện hệ thống luật pháp là thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước của dân, do dân và vì dân và thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại là tất yếu nhằm giải phóng lực lượng sản xuất của nhân loại dưới tác động của tiến bộ khoa học và công nghệ. Thế nhưng có không ít nhầm lẫn, vô tình hay cố ý, đồng hóa sự tất yếu đó với một trật tự áp đặt.
Chỉ mấy sự việc mà bài này đề cập trên đây thôi đã cho thấy có quá nhiều mâu thuẫn mà cội nguồn phát sinh rất cần được phân tích.
Chính điều này cho phép chúng ta tin rằng các quy định của các điều ước quốc tế không thể là bất biến, nếu và nhất là khi chúng không thật sự nhận được sự đồng thuận của tất cả các quốc gia mà nặng tính áp đặt.
Thách thức ở đó mà thời cơ cũng từ đó.
1. Bài viết nhân bầu cử Quốc hội khóa XIII, phần cuối có hiệu chỉnh bổ sung của tham luận “Thu hút đầu tư nước ngoài, thực trạng và yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới” trình bày tại hội thảo “Quốc hội với yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế ở Việt Nam hiện nay” do Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức tại Đà Nẵng ngày 18-19.4.2011.
2. Nhiệm vụ này trước đây thuộc về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hiện nay, công tác này do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đảm nhiệm. Cần có đánh giá tổng kết việc thuyên chuyển này.
3. Quan trọng nhất là Cam kết không phân biệt đối xử, Cam kết về thương mại và dịch vụ, Cam kết thực hiện Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMS), Cam kết thực hiện Hiệp định về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS), Cam kết thực hiện các quy định về trợ cấp đối với sản phẩm nông nghiệp (AoA) và về trợ cấp đối với sản phẩm phi nông nghiệp (SCM)
4. Hội thảo “Nhìn lại năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ”, Báo cáo tổng hợp trang 25-27, Ủy Ban Đối ngoại Quốc hội, Hà Nội, 22.03.2003.
5. Năm 1989, từ cuộc họp giữa Washington, WB, IMF Đồng thuận Washington ra đời. Nội dung của Đồng thuận này bao gồm mười điểm: kỷ luật tài chính, các ưu tiên chi tiêu công, cải cách thuế, lãi suất, ngoại hối, tự do hóa thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tư hữu hóa, giảm bớt sự can thiệp của Chính phủ vào hoạt động của các doanh nghiệp, và quyền sở hữu. Xem “What Washington Means by Policy Reform”, John WILLIAMSON, 1989.
6. Xem bài gần đây nhất của Nancy Birdsall and Francis Fukuyama, The Post-Washington Consensus. Development After the Crisis, Foreign Affairs, March/April 2011.
Theo Báo điện tử ĐBND