Cập nhật: 24/08/2011 16:20:48 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng qua, 23.8, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật tố cáo. Một số vấn đề còn ý kiến khác nhau đó là phạm vi điều chỉnh; người có quyền tố cáo; hình thức tố cáo; tố cáo đông người và bảo vệ người tố cáo.

 

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Hình thức tố cáo qua điện thoại hoặc tài liệu nghe được, thấy được có khả thi không?

 

Tôi cũng cơ bản thống nhất với Báo cáo của Ủy ban pháp luật. Tuy nhiên, về hình thức tố cáo qua điện thoại, hoặc bằng những tài liệu nghe được, thấy được, nếu ta chấp nhận hình thức này và quy định trong vòng 15 ngày, sau cú điện thoại đó phải đi xác minh cho được, nếu tình tiết phức tạp thì là 45 ngày liệu có khả thi hay không? Không khả thi. Làm sao có đủ con người và quỹ thời gian để đi làm. Nếu trong luật quy định cho hình thức tố cáo bằng điện thoại, rồi ghi âm, rồi đi xác minh thì tôi thấy đưa ra như thế sẽ không làm được, không thực tế.

 

Một ý nữa, tôi đồng ý sẽ tiếp tục không giải quyết xử lý đơn thư tố cáo không tên, không rõ địa chỉ. Tuy nhiên, ở đây nếu là trách nhiệm của người lãnh đạo thì khi những đơn nặc danh hoặc địa chỉ không rõ ràng nhưng có nội dung rất cụ thể trong ngành mình, trong Bộ mình, trong địa phương mình thì cần nghiêm túc nắm tình hình, bằng biện pháp quản lý của mình để rồi nếu có thì chấn chỉnh, xử lý bằng công việc quản lý và trách nhiệm của mình chứ không phải xử lý đơn nặc danh đó. Tôi cho điều đó là rất đúng, không phải cứ thư nặc danh là bỏ ra, bản thân tôi nếu thấy đơn nặc danh tôi cũng đọc rất kỹ, nếu có nội dung rõ ràng thì tôi chỉ đạo theo kiểu khác. Tôi không xử lý đơn đó mà bằng biện pháp yêu cầu đơn vị đó, địa phương đó nắm tình hình xem có vấn đề gì hay không...

 

Một ý nữa về tố cáo đông người, theo tôi việc này khác với khiếu nại, trong thực tế sẽ không có những cuộc tố cáo đông người như là khiếu nại. Theo tôi không nên quy định trong luật này có tố cáo đông người nhưng quy định trong trình tự, thủ tục giải quyết có một điều là đối với một nội dung mà nhiều người tố cáo thì như thế nào.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Việc bổ sung một chương về bảo vệ người tố cáo là rất tốt, nhưng...

 

Việc bổ sung một chương về bảo vệ người tố cáo là rất tốt. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những quy định trong chương này cần phải được rà soát lại và tính toán thêm. Ví dụ ngay từ đầu Điều 48 cũng quy định việc phải giữ bí mật và vì quy định nguyên tắc này, tôi nghĩ việc bảo vệ người tố cáo cực kỳ khó khăn và những điều liên quan tiếp theo, tính khả thi của nó cũng sẽ rất khó khăn. Chúng ta còn quy định thêm một việc là trong trường hợp người tố cáo không có yêu cầu nhưng thấy rằng phải bảo đảm bí mật thì vẫn phải giữ bí mật. Trong khi đó ở Điều 49, các điều tiếp theo thì là bảo vệ họ để không phân biệt đối xử việc làm, thu nhập, không bị trả thù, đe dọa. Có được công khai đâu mà bảo vệ. Rồi ngay cả bảo vệ nơi cư trú cũng quy định rất cụ thể là Ủy ban nhân dân trong phạm vi của mình phải có trách nhiệm bảo vệ, Ủy ban nhân dân có biết người tố cáo đâu mà bảo vệ, phải giữ bí mật cho người ta mà anh bảo vệ kiểu gì? Tôi thấy rằng bảo vệ là một quan điểm tốt và cần phải đưa vào luật, nhưng vì nguyên tắc bí mật nên một bộ phận người tố cáo phải được giữ bí mật. Còn một bộ phận cũng có thể được công khai, và khi đã công khai thì bảo vệ là được rồi... Tôi rất muốn Ủy ban Pháp luật nghiên cứu kỹ lại làm sao bảo đảm tính khả thi khi đưa ra nguyên tắc giữ bí mật, nhưng lại đòi hỏi bảo vệ người tố cáo tới cùng. Giải quyết mâu thuẫn như thế nào?

 

Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương: Tôi băn khoăn về tiếp nhận thông tin tố cáo qua fax, email và điện thoại

 

Tôi rất hoan nghênh Ủy ban Pháp luật khẳng định chỉ xem xét và giải quyết đối với các tố cáo rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo.

 

Thứ hai là việc bảo vệ người tố cáo, nếu có thể được thì nên quy định, vì trước sau gì cũng phải có một chương để bảo vệ người tố cáo, dù rằng chưa đưa vào luật, nhưng cũng phải có nghị định hay văn bản hướng dẫn về việc bảo vệ người tố cáo. Không quy định thì không thể triển khai được và như vậy dù có luật nhưng không có hướng dẫn thì khi ra đời, tính khả thi của luật này cũng thấp.

 

Thứ ba, thực tế đã có rồi là luật nêu rất rõ xem xét những người tố cáo có tên, có địa chỉ, khi giải quyết công việc xong, tức là nếu tố cáo đúng, tố cáo đúng một phần chúng ta giải quyết. Còn tố cáo sai hoàn toàn thì chúng ta cũng coi như là cũng có dạng tố cáo sai hoàn toàn, nhưng đây là vì người ta không biết, không đủ thông tin nên người ta tố cáo sai. Nhưng những trường hợp tố cáo sai hoàn toàn là do có động cơ, tức là vu khống, vu cáo thì trong luật ghi rất rõ sẽ xử lý những đối tượng này. Nhưng trong thực tế hiện nay có những vụ việc giải quyết, có những vụ việc xem xét xong không có cái gì đúng cả, sai hoàn toàn nhưng không giải quyết được người vu khống, vu cáo bởi theo cơ quan xem xét giải quyết tố cáo thì có biết ai tố cáo đâu mà xử lý lại?

 

Một vấn đề nữa là việc tiếp nhận thông tin tố cáo này qua fax, email và điện thoại tôi cũng rất băn khoăn. Băn khoăn ở chỗ là fax và thư điện tử hoặc gọi điện thoại đến có thể ghi âm được, nhưng vẫn phải đi xác minh người gọi đến đấy ở đâu, có đúng người đó không và người ta nói như thế có đúng không. Ta công nhận người đó gọi đến, đi xác minh, mời người đó đến hoặc gửi thư đến tố cáo thì hay hơn là công nhận nội dung mà họ tố cáo trên điện thoại hoặc bằng email, fax.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Phải ra quy chế rõ ràng

 

Về hình thức tố cáo, nếu quy định cụ thể cũng cực kỳ khó khăn, đặc biệt là hình thức tố cáo qua điện thoại. Tôi hình dung việc tố cáo này là ông A đang điện thoại nói rằng xóm tôi có ông B làm chuyện gì đó và ông ấy đang đi sân bay đi nước ngoài. Người ta tố cáo như vậy thì cơ quan có thẩm quyền có làm kịp không? Tôi nghĩ việc tố cáo bằng điện thoại rất khó. Về tố cáo phải ra quy chế rõ ràng, chứ biết điện cho ai, ai ghi lại. Đối với hình thức thư điện tử, fax thì có thể chúng ta làm từng bước được, nhưng qua điện thoại là hình thức rất khó.

 

Vấn đề nữa chúng ta rất ủng hộ phát huy dân chủ trong việc tố cáo, nên quy định rõ tên, địa chỉ. Tôi nghĩ những người đòi hỏi quyền lợi chính đáng thì thường người ta ký danh, chứ không bao giờ người ta nặc danh hoặc mạo danh.

Về bảo vệ người tố cáo, nên có một quy định để người ta tự tin hơn.

 

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Không thể lợi dụng dân chủ để tố cáo tràn lan

 

Tôi đồng tình với việc chỉ xem xét giải quyết đối với các đối tượng có đơn, địa chỉ cụ thể, nếu không sẽ rất tràn lan và phức tạp, mất thời gian cho cơ quan xử lý.

 

Tuy nhiên, tại trang 4 có ghi: Không ít người lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, tố cáo tràn lan, vô căn cứ gây phức tạp mất đoàn kết nội bộ làm tốn kém cả thời gian và công sức cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét giải quyết. Như vậy thì giải quyết thế nào, người tố cáo toàn lợi dụng thời điểm nhạy cảm... để tố cáo, mà là tố cáo vô cớ, tố cáo sai sự thật. Nếu như thế sẽ rất mất rất thời gian, giải quyết quy trình tố cáo hết sức vất vả, kể cả cơ quan Trung ương nhưng xong thì chẳng sao cả. Theo tôi phải có chế tài, tôi đồng tình việc bảo vệ người tố cáo nhưng đồng thời phải có một chế tài để không thể lợi dụng dân chủ tố cáo tràn lan. Qua thực tiễn cuộc sống chưa xử trường hợp nào cả mà ngày càng diễn ra rất phức tạp.

 

Về việc bảo vệ thông tin người tố cáo, vấn đề này rất khó và mâu thuẫn với quy trình. Quy trình thì không thể bí mật được. Bí mật người cung cấp thông tin nhưng quy trình lại lộ thông tin, bởi vì khi giải quyết việc tố cáo thì phải gặp gỡ người tố cáo, đối thoại, xử lý, cung cấp thông tin ra sao, gặp cơ quan ra sao thì lộ ngay, không thể không lộ được. Vấn đề này rất mâu thuẫn.

 

 

Theo Minh Vân lược ghi/ Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm