Cập nhật: 27/08/2011 10:23:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư liên tịch số 01/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên.

Phải có người bào chữa

 

Theo đánh giá của các cơ quan tư pháp, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án, do đó tùy theo lứa tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu cá nhân mà họ cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng hình sự.

 

Thông tư nêu rõ, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng cần phân công Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên hoặc người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến người chưa thành niên.

 

Trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên, bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng. Mọi trường hợp không có người bào chữa tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trừ trường hợp họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa. Người bào chữa có thể là luật sư, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bào chữa viên nhân dân….  

 

Quá trình tố tụng, phải bảo đảm giữ bí mật thông tin cá nhân của người chưa thành niên. Mọi hoạt động tố tụng liên quan đến người chưa thành niên phải được tiến hành trong môi trường thuận tiện cho việc bảo đảm bí mật đời tư và danh dự, nhân phẩm của người chưa thành niên. Hạn chế đến mức thấp nhất số lần tiếp xúc giữa người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên với bị can, bị cáo.

 

Không còng tay trong quá trình xét xử

 

Để đảm bảo sự an toàn cho người chưa thành niên, đối tượng này phải được tạm giữ, tạm giam riêng, không được giam giữ chung với người đã thành niên. Khi xét thấy người chưa thành niên phạm tội có biểu tượng hoang mang, lo lắng có thể manh động dẫn đến hành vi tiêu cực thì cơ quan điều tra yêu cầu cơ sở giam giữ áp dụng các biện pháp phù hợp để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.

 

Đối với người chưa thành niên đã áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra và khi xét thấy không còn cần thiết áp dụng biện pháp ngăn chặn đó thì kịp thời hủy bỏ hoặc thay thế bằng các biện pháp ngăn chặn khác không hạn chế tự do đối với họ.

 

Thông tư cũng lưu ý, việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người chưa thành niên có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Nơi lấy lời khai hoặc hỏi cung cần được bố trí theo cách thức phù hợp để làm giảm bớt sự căng thẳng, sợ hãi của người chưa thành niên.

 

Thời gian lấy lời khai, hỏi cung cần được xác định dựa trên độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe cũng như khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành, phát triển của người chưa thành niên và yêu cầu điều tra; việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải được tạm dừng ngay khi người chưa thành niên có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.

 

Đáng chú ý, Tòa án không được xét xử lưu động vụ án do người chưa thành niên gây ra, trừ trường hợp cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm. Không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác trong quá trình xét xử tại Tòa án, trừ trường hợp họ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý hoặc có việc làm tiêu cực hoặc có biểu hiện chống đối, gây mất trật tự tại phiên toà…

 

 

Theo Đông/QuangBáo Pháp luật VN điện tử.

Tệp đính kèm