Cập nhật: 08/10/2011 14:44:43 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tỷ lệ tái phạm từ những đối tượng đã chấp hành án phạt tù trở về ở Việt Nam hiện nay là tương đối cao,

khoảng 28-30%. Mỗi năm có đến vài ba chục nghìn vụ phạm tội do tái phạm gây ra.

 

Chia sẻ với phóng viên báo ĐS&PL, trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, việc thực thi Nghị định 80/2011/NĐ-CP quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án tù (có hiệu lực từ 16/11 tới), sẽ giải quyết được đáng kể tình trạng nhức nhối này.

 

 

 

Bước đột phá lớn về mặt pháp lý

 

Con số tội phạm tái phạm cao trong thời gian qua đang khiến dư luận tỏ ra lo ngại. Theo ông thì đâu là nguyên nhân chính của tình trạng này?

 

Con số tái phạm bình quân ở nhiều nước trong khu vực hiện duy trì ở mức 15-20%, trong khi đó ở Việt Nam đang là khá cao, gần 30%. Những tội phạm ma túy, trộm cắp, lừa đảo, cướp giật nguy cơ tái phạm rất cao. Tái nghiện ma túy cũng gần kề tái tội phạm ma túy. Còn các loại tội phạm khác như kinh tế thì thường tái phạm ít hơn do họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng tốt. Tuy nhiên, đối với nhóm tội phạm kinh tế, chúng ta cũng không nên chủ quan đối với các loại tội lừa đảo, buôn bán tiền giả, hiện đang có tỷ lệ tái phạm khá cao.

 

Đại bộ phận những người chấp hành án tù trở về thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn cho nên cần phải có chính sách quan tâm hơn của địa phương. Và một vấn đề quan trọng nữa là trách nhiệm của cơ quan thi hành án hình sự mà trước hết là các trại giam.

 

Điểm khác biệt nào của Nghị định 80/2011/NĐ-CP(có hiệu lực từ 16/11) mà theo ông, có thể giúp giảm được tỷ lệ tái phạm tội, cũng như ngăn ngừa việc gia tăng tội phạm trong toàn xã hội?

 

Tôi cho rằng, từ trước đến nay, chúng ta thường chỉ giải quyết vấn đề đi theo chiều rộng, những vấn đề chung mà chưa đi vào từng vấn đề thực tiễn nổi cộm. Vì vậy, Nghị định 80 lần này được xây dựng dựa trên thực tiễn, với mục đích tăng cường phòng ngừa, ngăn ngừa tái phạm của tội phạm mãn hạn tù. Theo tôi, không có phòng ngừa nào tốt bằng phòng ngừa từ chính các đối tượng có tiền án, tiền sự, bởi tỉ lệ tái phạm của các đối tượng này khá cao. Nếu phòng ngừa được số này sẽ làm giảm đáng kể số lượng cũng như tính chất của tội phạm trong toàn xã hội.

 

Khó khăn lớn nhất của người chấp hành án phạt tù xong trở về địa phương đó chính là việc tìm kiếm việc làm, bị người khác kỳ thị đối xử; thậm chí nhiều người còn rơi vào tình cảnh không có nơi nào để nương thân. Nghị định 80 giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

 

Nghị định 80 có hiệu lực, phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam sẽ được tư vấn, trợ giúp về tâm lý nhằm định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc của bản thân khi chấp hành xong án phạt tù. Đối với người chưa thành niên, chấp hành xong án phạt tù được ưu tiên học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn để học tập, tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống. Nghị định cũng đặt ra yêu cầu với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng tuyên truyền và giáo dục cộng đồng để có sự quan tâm cụ thể đối với các đối tượng này nhất là về thái độ đối xử phải bình đẳng, gần gũi... tránh tình trạng người chấp hành án trở về bị bỏ rơi, bị lãng quên, bị liệt vào thành phần bất hảo. Mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong án phạt tù đều bị nghiêm cấm.

 

Nghị định 80 có thể coi là một bước đột phá lớn về mặt pháp lý, song cũng chỉ là bước đệm. Làm làm được tốt hay không, đòi hỏi các ngành, các cấp phải có sự đồng lòng để đi đến kết quả cuối cùng. Chúng ta đã có kinh nghiệm tích lũy từ hàng chục năm trong làm công tác quần chúng, tuy nhiên lại chưa thật tập trung, quyết tâm, chưa gắn trách nhiệm với từng người, từng cấp. Vì vậy, Nghị định lần này chính là sự tổng kết và gắn trách nhiệm pháp lý cho từng người, từng vị trí.

 

Ý tưởng “nhà tù mở”

 

Ông đã có lần nhắc đến ý tưởng về việc xây dựng "nhà tù mở", để giúp các phạm nhân sắp ra tù có nhiều cơ hội hơn trong tiếp xúc, tìm hiểu về cuộc sống bên ngoài. Nghị định này có ý nghĩa thế nào đối với việc thực hiện ý tưởng này?

 

Các văn bản luật như Luật THAHS và giờ đây là Nghị định 80 đều rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, cải tạo người thi hành án phạt tù trở thành công dân có ích sau khi mãn hạn tù. Trước đây, Tổng Cục cũng đã cố gắng nghiên cứu và thử nghiệm nhiều đề án để giúp người chấp hành án trở về có thể dễ dàng hơn trong tái hòa nhập cộng đồng. Như việc thay đổi nhận thức về một "nhà tù mở", trong đó tăng cường giáo dục nhân văn, đạo đức, kỹ năng sống, tạo ra những cơ chế thuận lợi hơn để họ có được tiếp xúc với cộng đồng ở một mức độ nhất định trong thời gian cuối trước khi ra tù. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp, các doanh nhân với vị trí mạnh thường quân để tuyển dụng, sử dụng số lượng lao động có chứng chỉ nghề.

 

Một số trại giam còn hình thành các cơ sở sản xuất ngay cạnh trại giam, để dung nạp các đối tượng chưa thể có khả năng tái hòa nhập, ổn định cuộc sống ngay. Có những đối tượng đi tù 10 -15 năm về, vợ không, con không, gia tài, điền sản không, quan hệ không. Nói chung là họ không còn chỗ nào bấu víu. Và cuối cùng lại phải đi phạm tội. Nếu chúng ta cho họ một công việc, một nơi để ở thì mọi việc hoàn toàn có thể thay đổi.

 

Một số mô hình hay như việc hình thành các Quỹ hoàn lương ở Thanh HóaM, TP. Hồ Chí Minh theo tôi cũng cần được nhân rộng. Như việc Liên Khui Thìn (ở TP. Hồ Chí Minh), một người mãn hạn tù trở về đã tổ chức sản xuất, gây quỹ hoàn lương để quy tụ một số anh em mãn hạn tù còn thất nghiệp, tạo công ăn việc làm cho họ.

 

Khi chưa có Nghị định 80, trên thực tế cũng có một số phong trào, sáng kiến của một số địa phương; một số mô hình... làm ăn có hiệu quả nhưng chúng ta chưa có một căn cứ pháp lý mang tính thống nhất. Vì vậy, Nghị định 80 có hiệu lực, sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng cho các hoạt động này đi vào quy củ, phát huy được hiệu quả tốt.

 

Xin cảm ơn ông!

                                                                                                                                      Theo  Minh Lý/ ĐS&PL

Tệp đính kèm