Nghị định 91/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vừa được Chính phủ ban hành.
Tổ chức, cá nhân có hành vi từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em theo quy định hoặc trong trường hợp cấp cứu; thu tiền khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em duới 6 tuổi trái quy định… sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng, goài ra sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 3 – 6 tháng”. Đây là quy định tại Nghị định 91/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vừa được Chính phủ ban hành. Quy định mới áp dụng từ ngày 2/12/2011 và có nhiều mức phạt được nâng lên so với quy định hiện hành tại Nghị định 114/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em ban hành ngày 3/10/2006.
Cụ thể, mức phạt cao nhất từ 20 – 40 triệu đồng sẽ áp dụng đối với hành vi sử dụng trẻ em để mua, bán, vận chuyển hàng giả, hàng trốn thuế, hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới (Theo Nghị định 114 là từ 10 – 30 triệu đồng). Theo Nghị định, sẽ phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi bắt trẻ em đi lang thang kiếm sống; phạt từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi.
Sẽ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; đối xử tồi tệ với trẻ em như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét…; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần./.
Theo Chinhphu.vn