Các ý kiến đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ chiều 9/11 nhất trí việc ban hành Luật Phòng chống rửa tiền là cần thiết nhằm đảm bảo hội nhập quốc tế sâu, rộng.
Theo các đại biểu Quốc hội, Luật sẽ hạn chế, kiểm soát các hành vi chuyển “tiền bẩn”- do phạm tội mà có thành “tiền sạch”- đồng tiền có nguồn gốc rõ ràng từ nước ngoài vào Việt Nam hay việc rửa tiền ngay trong lãnh thổ nước ta.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân quan trọng khác theo cơ quan soạn thảo là do đến cuối năm 2013 thì Việt Nam phải thông qua dự Luật này để đáp ứng cam kết Quốc tế về hội nhập.
Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo (thành phố Hà Nội), ở các nước khác họ chi tiêu thông qua tài khoản ngân hàng nên kiểm soát hoạt động rửa tiền thuận lợi hơn. Còn đối với nước ta chi tiêu chủ yếu thông qua tiền mặt nên các hoạt động rửa tiền dễ dàng lọt lưới kiểm soát. “Người ta có thể cầm một đống tiền do buôn bán ma túy mà có để mua đất mà không bị ai, cơ quan nào kiểm tra" , chính vì vậy “6 năm qua cơ quan phòng chống rửa tiền không phát hiện ra một vụ nào cả”, ông Thảo nói.
Do đó theo nhiều đại biểu việc áp dụng luật này ở nước ta trước mắt sẽ chưa phát huy hết hiệu quả. Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo thì cơ quan soạn thảo cần thuyết minh rõ hơn về dự án luật này để đại biểu Quốc hội hiểu rõ tính cấp bách của việc ban hành Luật để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại biểu Đào Trọng Thi ( Hà Nội) cũng tán thành việc cần ban hành luật này để thực hiện cam kết quốc tế nhưng ông cho rằng “không vì thế mà không làm kỹ”. Một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ đối với hoàn cảnh nước ta hiện nay thì các hành vi rửa tiền diễn ra như thế nào, quy trình quản lý nhà nước để phát hiện phòng ngừa rửa tiền ra sao?
Đối với cơ quan quản lý hoạt động phòng chống rửa tiền, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều khi có đại biểu đề nghị cần để Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối thực hiện, có đại biểu thì đề nghị cơ quan Tư pháp như Bộ Công an làm hoặc cả hai cơ quan trên cùng phối hợp phòng chống rửa tiền.
Về việc có cần thiết phải ghép nội dung tài trợ chống khủng bố vào Luật Phòng chống rửa tiền hay không theo dự thảo cũng nhận được những ý kiến không ủng hộ của một số đại biểu. Theo các đại biểu này thì sắp tới có Luật Chống khủng bố sẽ quy định về việc chuyền tiền để tài trợ các hoạt động khủng bố.
Cũng trong chiều 9/11, bên cạnh việc thảo luận về dự án Luật Phòng chống rửa tiền, các đại biểu cũng thảo luận về dự án Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Các đại biểu đều tán thành ban hành Luật này.
Đi vào một số vấn đề cụ thể, đa số đại biểu đồng tình việc quy định diện tích cảnh báo tác hại của thuốc lá phải chiếm 50% diện tích hai mặt chính của bao thuốc nhằm tăng cường hiệu quả tuyên truyền và khẳng định quyết tâm đưa luật này vào cuộc sống.
Một số đại biểu bày tỏ cần lập Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá thu từ những người hút thuốc và cơ sở sản xuất thuốc lá. Tuy nhiên nhiều đại biểu lo lắng tính khả thi của quy định xử phạt việc hút thuốc lá làm ảnh hưởng tới người khác…
Ngày 16/11 tới dự án Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ được các đại biểu thảo luận tại hội trường.
Theo Thành Chung/Chinhphu.vn