Theo điều tra năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, tỷ lệ nam giới trưởng thành (điều tra GATS) tại Việt Nam cho thấy có đến 47,7%, nam giới trưởng thành hút thuốc lá (cứ 2 nam giới thì có một người hút thuốc).
Việt Nam có khoảng 15 triệu nam giới trưởng thành hút thuốc và thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, do đó nếu không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào các năm tới.
Tại bệnh viện, trong khi xu hướng mắc các bệnh lây nhiễm giảm thì các bệnh không lây nhiễm trong đó có các bệnh liên quan đến thuốc lá gia tăng nhanh chóng. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cho thấy thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới Việt Nam, với gần 11% tổng số ca tử vong ở nam là do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Các bệnh có nguyên nhân trực tiếp và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ do thuốc lá: ung thư phổi, đột quỵ, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)...
Việc tiếp xúc với khói thuốc lá của người khác (còn gọi là hút thuốc lá thụ động) cũng đã được khoa học chứng minh là gây ra các bệnh nguy hiểm. Tại Việt Nam 2/3 số phụ nữ và 70% số trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc, 33 triệu người trưởng thành thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc...
Trước những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, để nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, tại Điều 7 của dự án Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 khóa XIII đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm là: Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, sản phẩm mô phỏng thuốc lá; Sản xuất, mua bán, nhập khẩu thuốc lá hoặc buôn bán, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá không có giấy phép; sản xuất thuốc lá vượt quá sản lượng ghi trong giấy phép.
Không in cảnh báo sức khỏe hoặc in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá không theo đúng các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật khác có liên quan; Quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức; Sử dụng tên, nhãn hiệu và biểu tượng thuốc lá với các sản phẩm, dịch vụ khác; Sử dụng hoặc bán thuốc lá khi người đó chưa đủ 18 tuổi; thuê hoặc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động hoặc bán tại các địa điểm có quy định cấm; Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; Khuyến khích, vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; Buôn bán, chuyển nhượng trái phép tem thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá.
Theo Thanh Xuân/SK & ĐS Online