Cập nhật: 27/09/2012 16:09:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin - viễn thông, đã kéo theo tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng và diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

 

Hoạt động xuyên quốc gia

 

“Địa bàn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao không chỉ xảy ra ở trong nước mà còn liên quan đến nước ngoài, xảy ra trên nhiều lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là lĩnh vực an toàn hệ thống máy tính, tài chính - ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử” - Đại tá Nguyễn Đức Chung, quyền Giám đốc CATP Hà Nội nhận xét.

 

Tính chất hoạt động xuyên quốc gia của tội phạm sử dụng công nghệ cao thể hiện rất rõ ở vụ một nhóm người Malaysia sản xuất thẻ tín dụng giả. Theo tài liệu của cơ quan điều tra cung cấp, dưới sự chỉ đạo của một đối tượng mang Quốc tịch Malaysia tên là A Phong, Looi HawShyan (Looi), quốc tịch Malaysia đã nhập cảnh vào Việt Nam mang theo một số thiết bị dùng để sản xuất thẻ tín dụng giả. Trước đó, A Phong đã thiết lập một “chân rết” ở Việt Nam là Nun, có trách nhiệm cung cấp phôi thẻ tín dụng giả cho Looi. Sau khi Looi và Nun gặp nhau, A Phong đã thông qua điện thoại hoặc thư điện tử để hướng dẫn Looi sản xuất các thẻ tín dụng giả loại thẻ ATM, Visa, Master.

 

Những tấm thẻ tín dụng giả này được A Phong chỉ đạo Looi giao cho đồng bọn ở thành phố Hồ Chí Minh sử dụng để rút tiền tại các cây rút tiền tự động, hoặc mua hàng hóa dưới dạng thanh toán bằng thẻ tín dụng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Looi được A Phong chỉ đạo làm gần 200 thẻ tín dụng giả các loại và nhận số tiền thù lao 120 triệu đồng, được trả thẳng vào tài khoản của đối tượng này tại Malaysia.

 

Trong vụ án này, các đối tượng hoạt động phạm tội là người nước ngoài đã cấu kết với một số tội phạm trong nước gây ra các vụ vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Tuy nhiên, các đối tượng bị bắt đều là tay sai cho một số kẻ cầm đầu ở nước ngoài, được “điều khiển từ xa” qua hệ thống thư điện tử, hoặc mạng điện thoại di động trên internet. Thông qua các giao dịch điện tử, qua các trang web quảng cáo, bán hàng trực tuyến, đa cấp trên mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mà điển hình là vụ Công ty Muaban24 đã gây ra trên khắp 32 tỉnh, thành phố với số lượng người bị hại lên đến con số hàng nghìn.

 

Ngoài những thủ đoạn phổ biến nêu trên, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn trộm cắp tiền từ thẻ tín dụng và tài khoản bằng thủ đoạn làm giả thẻ tín dụng để rút tiền từ máy ATM. Mua bán ma túy qua mạng internet và sử dụng internet để tổ chức hoạt động mại dâm, khiêu dâm, cá độ bóng đá và đánh bạc dưới nhiều hình thức khác. Tinh vi hơn, nhiều đối tượng đã sử dụng công nghệ cao để lập trạm thu phát tín hiệu trái phép, sử dụng mạng internet để chuyển các cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi nội hạt thu tiền trái phép.

 

Chủ động phòng ngừa

 

Trước những diễn biến hoạt động phức tạp của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng công an tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Theo đó, công an các cấp rà soát, kiến nghị với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin.

 

Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về công nghệ thông tin và truyền thông, các tổ chức ứng cứu sự cố máy tính tăng cường cảnh báo các thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, an toàn mạng.

 

Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là trong các trường phổ thông và các trường cao đẳng, đại học để sớm trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, qua đó hiểu được những hành vi vi phạm pháp luật, mức độ nguy hại, chế tài xử lý và học tập ý thức tuân thủ pháp luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

 

Một vấn đề quan trọng trong công tác phòng ngừa xã hội, được công an thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện là rà soát, phát hiện, tập hợp, kiến nghị khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót về ANTT trong lĩnh vực này như: Kiến nghị biện pháp, hình thức xử lý khả thi, có sức răn đe, ngăn chặn hiệu quả đối với những vi phạm trên lĩnh vực công nghệ cao; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tăng cường đầu tư đảm bảo an ninh mạng khi xây dựng, vận hành các website của các cơ quan, doanh nghiệp.

 

Đối với công tác phòng ngừa nghiệp vụ, cơ quan chức năng chú trọng đến công tác điều tra cơ bản các địa bàn, lĩnh vực liên quan đến hoạt động công nghệ cao. Đẩy mạnh các biện pháp trinh sát, kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện các ổ nhóm, đối tượng sử dụng công nghệ cao hoạt động phạm tội. Tập trung xây dựng, sử dụng đội ngũ cộng tác viên phục vụ công tác đấu tranh và giúp đỡ lực lượng công an nâng cao năng lực về công tác này. Bên cạnh đó, sử dụng các công cụ kỹ thuật để ngăn chặn, phòng ngừa, bảo vệ các server, website, cơ sở dữ liệu, các thiết bị phần cứng, phần mềm và tăng cường bảo vệ nội bộ, nhất là phòng, chống lộ bí mật qua hệ thống viễn thông, tin học.

 

 

Theo báo điện tử  ANTĐ

 

Tệp đính kèm