Cập nhật: 09/10/2012 17:01:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu trên biển trong năm 2012 diễn ra rất phức tạp. Trong khi đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn vì phương tiện còn hạn chế và đối tượng buôn lậu ngày cành manh động. Nhiều trường hợp khi bị lực lượng chức năng phát hiện đã chống đối hoặc vứt tang vật xuống biển hòng phi tang.

Nhiều thủ đoạn buôn lậu phức tạp

Vào đêm 1/10/2012, lực lượng trinh sát thuộc Vùng 1 (Cảnh sát biển Việt Nam) đã phát hiện và bắt giữ 1 tàu chở 2.000 tấn than cám đang di chuyển trên vùng biển Long Châu - Cát Bà - Hải Phòng. Số hàng hóa trị giá gần 1 tỷ đồng này không có giấy tờ đi kèm. Tàu chỉ có máy trưởng tên là Phạm Ngọc Tuyến, sinh năm 1976, trú tại Nam Định, không có thuyền trưởng.

 

 Tàu chở than lậu bị Cảnh sát biển Vùng 1 bắt giữ hôm 1/10.

 

Đáng nói là dù tàu ND 2558 không có giấy phép rời cảng, không có thuyền trưởng và tất cả những người trên tàu thay nhau điều khiển tàu trong điều kiện không đủ an toàn, không ai có giấy phép hành nghề nhưng vẫn liều lĩnh vận chuyển thuê hàng hóa giữa các vùng biển xa. Trước đó, ngày 12/5/2012, trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực Cửa Đối, lực lượng cảnh sát biển Vùng 1 (Cục Cảnh sát biển Việt Nam) phát hiện tàu BKS QN- 4389, do Trần Văn Thắng (SN 1977), thường trú tại xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, là chủ đại diện vận chuyển khoảng 1.400 tấn than cám không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển nhận định: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên biển ngày càng diễn biến phức tạp. Lực lượng Cảnh sát biển phải phân chia thành nhiều biên đội, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường biển trọng yếu và nguy hiểm, anh em cán bộ, chiến sĩ phải thay nhau theo dõi, quan sát suốt 24/24 giờ trên biển, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để nắm chắc tình hình trên biển cũng như trên bờ, đề ra các phương án, chủ động trong công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trên biển.

 

Chống buôn lậu trên biển như thế nào?

 

Nước ta có bờ biển dài, lại tiếp giáp với nhiều tuyến đường hàng hải sầm uất trong khu vực, chính vì thế thời gian qua, những kẻ buôn lậu đã không từ bất kỳ thủ đoạn nào để sẵn sàng buôn lậu qua đường biển. Tuyến đường biển được đánh giá là tuyến buôn lậu đang ngày càng bị đối tượng buôn lậu lợi dụng triệt để. Không những thế, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi với hồ sơ, chứng từ được chuẩn bị sẵn nhằm hợp thức hàng hóa khi bị phát hiện, bắt giữ.

 

Một số trường hợp buôn lậu xăng dầu móc nối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đưa tàu, sà lan ra vùng biển xa để chuyển tải và nhanh chóng hợp thức hóa giấy tờ khi bị phát hiện. Để đấu tranh với loại hình tội phạm này, Tổng cục Hải quan cũng như lực lượng cảnh sát biển, biên phòng... đã nhiều lần ra quân vây bắt các đối tượng buôn lậu. Đánh giá của các đơn vị cho rằng, thực tế cho thấy, phương thức thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, gian lận ngày càng tinh vi với trang thiết bị hiện đại.

 

Trong khi đó, trang thiết bị của lực lượng chức năng thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Cụ thể, điều kiện hệ thống cảng biển rộng lớn, trong khi đó, công tác nắm thông tin quản lý các loại đối tượng trên khu vực cửa khẩu còn nhiều khó khăn do hầu hết hoạt động của đối tượng buôn lậu đều trong mắt xích được nối dài từ tỉnh này đến tỉnh khác.

Để tăng cường các hoạt động trấn áp của nhiều đối tượng trên biển, nhất là thời gian cuối năm đang đến là “cao điểm” của bọn buôn lậu hoạt động, các lực lượng cần phối hợp hoạt động đồng bộ. Bên cạnh đó, cần dành kinh phí thích đáng để các đơn vị có điều kiện mua sắm trang thiết bị tuần tra trên biển.       

 

 

 

Bài, ảnh: Nguyễn Kiên

BáoSK & ĐS Online

Tệp đính kèm