Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số người phạm tội là người chưa thành niên cao. Thảo luận tại hội trường sáng 1/11, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều cơ bản đồng tình với các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án.
Theo báo cáo được Bộ trưởng Bộ Công an trình bày trước Quốc hội, năm qua, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội tuy được kìm chế, giảm 1,3%, một số loại án giảm như giết người, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng.
Chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm được nâng lên. Số vụ phạm tội phát hiện và khởi tố trên tất cả các lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội, ma túy, kinh tế, tham nhũng, môi trường, công nghệ cao đều tăng so với năm 2011, trong đó có những vụ án lớn.
Quan trọng hơn, theo các đại biểu Đặng Công Lý (đoàn Bình Định), tình hình chính trị ổn định, ninh trật tự được đảm bảo đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước, an sinh xã hội trước tình hình rất khó khăn ở cả trong nước và thế giới.
Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nhấn mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương gia tăng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, kịp thời xử lý các vụ án xảy ra trên địa bàn toàn quốc. Kết quả trên cho thấy nỗ lực cố gắng rất lớn của các lực lượng chức năng, sự chỉ đạo điều hành chủ động và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo lắng trước tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Hoạt động của tội phạm có tổ chức, đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, trộm cướp có sử dụng “vũ khí nóng”, tội phạm sử dụng công nghệ cao, chống người thi hành công vụ, giết người do mâu thuẫn trong nội bộ gia tăng. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng phức tạp nổi lên trong lĩnh vực tài chính ngân hàng gây thiệt hại lớn.
Lo lắng về tỷ lệ vị thành niên phạm tội
Bày tỏ lo ngại về tình hình phạm tội ở lứa thuổi vị thành niên, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) nhấn mạnh, công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn nhiều hạn chế và cần được đánh giá làm rõ để có hướng thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, theo đại biểu, hoạt động của các hội đồng ở nhiều địa phương còn mang tính phong trào, chưa tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Đại biểu cũng cho rằng, môi trường giáo dục ở các nhà trường vẫn còn biểu hiện quá quan tâm đến dạy chữ mà ít quan tâm dạy người. Rất nhiều em mang tư duy thực dụng, ích kỷ, dễ bị cám dỗ và có hành vi phạm tội. Do đó, đại biểu đề nghị cần quan tâm hơn tới việc giảng dạy các môn khoa học xã hội trong nhà trường, có hướng đổi mới để những môn học này thực sự thu hút học sinh và ảnh hưởng tích cực tới tính cách của các em.
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đoàn Vĩnh Long) dẫn số liệu hàng năm có từ 16.000-18.000 trẻ vị thành niên phạm pháp. Hành vi cũng rất phức tạp như buôn bán, sử dụng ma túy, chống người thi hành công vụ, mại dâm, sử dụng hung khí, vũ khí nóng… Nhìn chung, số người phạm tội là người chưa thành niên chiếm tỷ lệ ngày càng cao.
Bày tỏ bức xúc trước nhiều vụ án do người ở độ tuổi vị hành niên thực hiện với hành vi hết sức dã man, đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng không nên sửa luật hình sự theo hướng tăng nặng mức xử phạt, nhưng có thể xem xét về quy định độ tuổi vị thành niên để đảm bảo tính răn đe.
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; tăng cường lực lượng và tổ chức các đơn vị trấn áp tội phạm như lực lượng 141 tại Hà Nội./.
Theo Ngọc Thành/VOV online