Sau nhiều đợt ra quân truy quét của các cơ quan chức năng, các đối tượng sản xuất, buôn bán rượu lậu, rượu giả đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, gần dịp Tết Nguyên đán, thời điểm tiêu thụ rượu các loại tăng mạnh thì số lượng rượu giả, rượu kém chất lượng được tung ra càng nhiều.
Sản xuất quy mô lớn
Cục quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, cận Tết là thời điểm nóng của hàng giả và hàng lậu, đặc biệt là các nhóm hàng rượu và thuốc lá. Từ đầu năm đến nay đã có hàng trăm vụ rượu ngoại nhập lậu bị xử lý và hàng trăm nghìn chai rượu lậu các loại bị tịch thu. Chỉ riêng từ đầu tháng 10 đến nay có đến hàng chục vụ rượu lậu, rượu giả đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ. Điển hình nhất, mới đây Đội QLTT số 11 Hà Nội phối hợp với Cảnh sát kinh tế Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) bất ngờ kiểm tra và bắt quả tang một cơ sở làm rượu vang giả với quy mô rất lớn tại ngõ 38, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội.
Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện có hơn 10 nghìn chai rượu vang giả với các nhãn hiệu Bordeaux, Chile đã được đóng gói thành phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn thu giữ một lượng lớn rượu vang đóng trong túi không rõ nguồn gốc xuất xứ... Các đối tượng sản xuất không xuất trình được bất kỳ giấy phép hoạt động cũng như nguồn gốc xuất sứ số rượu trên.
Qua điều tra, các đối tượng khai nhận đã dùng rượu vang Đà Lạt và các loại rượu vang đóng túi không nguồn gốc để sang chiết, đóng chai, dán nhãn mác giả các thượng hiệu rượu vang bán chạy trên thị trường, để bán kiếm lời
Cũng thời điểm này, tại Đà Nẵng, lực lượng chức năng cũng phát hiện kho chứa hàng của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thanh Ngân (đường Văn Cao, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chứa nhiều tem và rượu ngoại: khoảng 2.590 tem nhập khẩu rượu giả và 168 chai rượu ngoại giả cao cấp các loại đã đóng gói, dán tem giả bên ngoài.
Điều đáng nói ở các điểm bị bắt giữ này là vẫn còn trữ một lượng lớn bao bì, nhãn mác các loại rượu vang ngoại đắt tiền và hàng ngàn chiếc tem chống hàng giả… được làm một cách tinh vi mà đến cơ quan chức năng cũng khó phát hiện chứ không nói đến người tiêu dùng. Nếu không bị phanh phui thì hàng chục hàng chai rượu giả tiếp tục được tung ra thị trường.
Khó phân biệt
Hiệp Hội Rượu, Bia, Nước giải khát và Hiệp Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết: Tỷ lệ rượu giả, rượu nhập lậu (rượu có thương hiệu) tại Việt Nam đã giảm đáng kể, từ 9,1% năm 2009 xuống còn 6,6% năm 2010 và chỉ còn 4.4% năm 2012.
Mặc dù đã giảm nhưng trên thực tế việc kinh doanh rượu lậu vẫn đang diễn ra rất phức tạp và về quy mô lẫn tổ chức tiêu thụ mà cơ quan chức năng chưa kiểm soát được. Chẳng hạn như rượu giả được trộn lẫn cùng với rượu ngoại nhập lậu hoặc các loại hàng hóa khác. Phương thức điển hình của gian lận thương mại là khai hải quan tạm nhập tái xuất vào các cửa hàng miễn thuế trong khu vực kinh tế cửa khẩu, khu vực thương mại tự do hoặc tái xuất sang nước thứ 3 nhưng phần lớn lại tuồn vào thị trường nội địa trên đường vận chuyển.
Các lực lượng chức năng đánh giá, hiện nay 60-70% lượng rượu ngoại trên thị trường là rượu lậu được nhập khẩu bất hợp pháp qua biên giới Tây Nam, miền Trung và gian lận thương mại khi làm thủ tục thông quan và tạm nhập tái xuất.
Tuy nhiên, phức tạp nhất hiện nay là vấn đề tem giả được sản xuất cực kỳ tinh vi có nguồn gốc xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch, rất khó phân biệt bằng mắt thường. Chính vì vậy, khi lượng rượu giả được tung ra thị trường thì khó có thể kiểm soát được. Ông Vương Chí Dũng - Phó chi cục trưởng chi cục QLTT (Hà Nội)- cho rằng, ngay cả với các cơ quan chức năng, muốn phân biệt được đâu là thật, giả phải thông qua giám định vì vậy, người tiêu dùng rất khó phát hiện.
Trước tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu tăng mạnh vào thời điểm này, Ban chỉ đạo 127 Trung ương đã có văn bản chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong đó tập trung vào các điểm nóng như các cửa khẩu, hai bên cánh gà cửa khẩu, đường mòn, lối mở tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang; các chợ cửa khẩu, chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; vùng biển Đông Bắc, miền Trung. Đối với thị trường nội địa, tập trung kiểm tra tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ; các thị xã, các trung tâm thương mại, siêu thị, nơi phát luồng hàng hóa, các cơ sở sản xuất, chế biến. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các chợ tại các địa phương dọc quốc lộ từ biên giới vào TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú chỉ đạo: Tất cả các hành vi vi phạm phải xử lý triệt để theo đúng quy định của pháp luật; nghiêm cấm việc bao che, tiếp tay cho buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; xử lý ngay các biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong các lực lượng chức năng .
Bên cạnh sự "vào cuộc" tích cực của các lực lượng chức năng, ông Lê Thế Bảo- Hiệp hội chống hàng giả Việt Nam- cho rằng, cần sự phối hợp thông tin của các doanh nghiệp sản xuất, nhất là việc thẩm định đâu là rượu chính hãng, đâu là rượu giả. Bên cạnh đó, để giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả, các doanh nghiệp các doanh nghiệp cũng phải cung cấp thông tin cho người tiêu dùng để họ có thể nhận biết chính xác.
Theo Thanh Hải/Báo Công Thương Điện Tử