Mới đây, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức buổi Tọa đàm Góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 – Chủ đề về đất đai và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến phân tích, làm rõ vấn đề được dư luận, xã hội đặc biệt quan tâm, đó là vấn đề về quyền sử dụng đất đai được Nhà nước bảo hộ.
Theo ông Lê Thanh Khuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai, Dự thảo Luật Đất đai đang được lấy ý kiến rộng rãi, nhằm tập trung giải quyết các vướng mắc của việc thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua. Luật Đất đai mới sẽ là bước đi xử lý hết sức linh hoạt, khoa học xung quanh vấn đề sở hữu đất đai. Bên cạnh đó, có sự phân biệt chủ sở hữu với đất đai và quyền quản lý của Nhà nước; nhưng bảo đảm, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp.
Về vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người dân về vấn đề đất đai, ông Lê Thanh Khuyến cho biết, ngoài việc giao đất, nhà nước cũng bảo hộ các quyền sử dụng đất của người dân bằng pháp luật như: Chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường khi trưng thu đất. Trong việc thu hồi và trưng thu và thu mua đất đai đảm bảo việc bồi thường tương xứng cho người dân, đặc biệt khi giải phóng mặt bằng.
Theo GS. TS Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, trong Hiến pháp và Luật Đất đai của Việt Nam chưa quy định quyền chiếm hữu ruộng đất. Do lẫn lộn giữa quyền sở hữu với quyền chiếm hữu, dẫn đến có ý kiến đòi đa sở hữu. Do đó, Hiến pháp và Luật Đất đai cần quy định ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nhưng vẫn thừa nhận đa chiếm hữu, gồm cả chiếm hữu tư nhân và chiếm hữu công cộng dưới nhiều hình thức. Nếu không quy định quyền chiếm hữu sẽ dẫn đến tình trạng vô chủ. Người được quyền chiếm hữu và sử dụng ruộng đất có trách nhiệm khai thác hợp lý, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Quyền chiếm hữu ruộng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.
Về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, sở hữu tư nhân không phải là “đôi đũa thần kỳ” bởi với đất đai thì sở hữu chỉ mang tính chất tương đối, ngay cả những nước có sở hữu tư nhân về đất đai, nhà nước vẫn hạn chế quyền đó. Vì lợi ích quốc phòng – an ninh, lợi ích công cộng, nhà nước có quyền mua đất của chủ sở hữu tư nhân, các tổ chức, cá nhân khác không được mua và trong trường hợp chủ sở hữu tư nhân không bán, luật pháp cho phép nhà nước có quyền trưng thu có bồi thường.
Ông Tuyến cũng cho biết, tại Việt Nam, việc khiến người dân quan tâm và bức xúc hiện nay không phải là thay đổi hình thức sở hữu, tư nhân hóa đất đai mà là vấn đề giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng, vấn đề tham nhũng trong quản lý đất đai, giao quyền sử dụng đất vì lợi ích nhóm… Do đó, Luật Đất đai cần phải được xem xét để khắc phục vấn đề này.
Về vấn đề trưng thu đất, ông Tuyến cũng khuyến nghị, để đảm bảo quyền lợi của người dân và tính kế thừa phát triển của Luật Đất đai mới nên thành lập một cơ quan định giá đất tồn tại độc lập với cơ quan thu hồi đất, tránh việc người cấp cũng là người định giá như hiện tại. Cơ quan định giá đó nên trực thuộc Quốc hội với kết cấu ngành dọc. Việc định giá đất sẽ do các tổ chức chuyên biệt thực hiện và cơ quan này sẽ chủ động chọn phương án tối ưu, đặc biệt là đất đai ở các vùng giáp ranh các thành phố trực thuộc trung ương.
Theo BL/ Báo dangcongsan.vn