Cập nhật: 08/04/2013 15:14:31 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm nay là năm đầu tiên, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có hiệu lực thi hành và cũng là năm đầu tiên, Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam trở thành ngày để cả nước tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Từ cách làm mới trở thành mô hình điểm nhân rộng

 

Trong thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, coi là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Tuy nhiên, dù khẩu hiệu “Sống, làm việc theo Hiếp pháp và pháp luật” nhưng kết quả của công tác PBGDPL vẫn còn rất hạn chế.

 

Trước thực trạng này, Luật PBGDPL được xây dựng, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác PBGDPL, tạo chuyển biến căn bản, bền vững về hiệu quả của hoạt động PBGDPL. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, Luật PBGDPL sẽ góp phần bảo đảm sự công khai, minh bạch của các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 

Thông qua hoạt động PBGDPL mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đều có quyền và được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thông tin về pháp luật, qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật.

 

Điều đặc biệt, Luật đã dành hẳn 1 Điều (Điều 8) để quy định về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

 

Ngày 9/11 là ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước ta. Trước khi được Luật hóa, mô hình Ngày pháp luật là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức PBGDPL hiện có.

 

Từ sáng kiến trước đây của một số tỉnh, trong năm 2010 Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ đã hướng dẫn việc nhân rộng Ngày Pháp luật trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hầu hết các Bộ, ngành đã triển khai thực hiện mô hình này. Đánh giá bước đầu của Bộ Tư pháp cho thấy, việc thực hiện Ngày Pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương đã đem lại hiệu quả thiết thực.

 

Để việc thực hiện Ngày Pháp luật được thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước, ngày 4/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ 27/5/2013.

 

Ngày pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức như Mít tinh, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật.

 

Hàng năm, Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày pháp luật trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan  ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật; UBTW MTTQ Việt Nam hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cho các tổ chức thành viên.

 

Cả xã hội chung tay, sẽ xoay chuyển ý thức chấp hành pháp luật

 

Ở nước ta hiện nay, đội ngũ cán bộ tham gia công tác PBGDPL khá đa dạng. Trước khi có Luật PBGDPL, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu do Nhà nước thực hiện với nguồn lực của Nhà nước như kinh phí, cơ sở vật chất, cán bộ dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật rất lớn.

 

Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này trong thực tiễn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn còn hiểu biết hạn chế về các quy định pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 

Một cuộc khảo sát của Bộ Tư pháp đối với đối tượng là cán bộ đoàn thể, công chức Tư pháp các cấp ở các tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai cho thấy có tới 62,9% người được khảo sát tán thành việc Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện, tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật nhưng khuyến khích, tạo điều kiện để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức và cá nhân tham gia, hỗ trợ, đóng góp cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

Từ những cuộc khảo sát về vấn đề này, Bộ Tư pháp nhận định: xã hội hóa là một trong các giải pháp tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước, đồng thời phát huy được sức dân đầu tư cho các lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết phải độc quyền, trong đó có công tác PBGDPL.

 

Thực tế, quy định xã hội hóa công tác PBGDPL tại Luật PBGDPL nhận được sự ủng hộ rất tích cực của dư luận.

 

Cùng với việc quy định bảo đảm kinh phí PBGDPL, để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động PBGDPL, Nghị định 28 quy định rõ các chính sách hỗ trợ đối với các cá nhân, tổ chức tham gia công tác này.

 

Nghị định 28 cũng quy định cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được hưởng các chính sách hỗ trợ về thù lao hoặc trợ cấp ưu đãi. Đồng thời, Nhà nước khuyến khích Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các hội công chứng, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp khác về pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, công chứng tham gia thực hiện PBGDPL miễn phí cho nhân dân; tạo điều kiện cho thành viên của tổ chức mình tham gia PBGDPL miễn phí cho nhân dân thông qua hoạt động chuyên môn hoặc theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức...

 

Tin rằng, khi cả xã hội chung tay cùng công tác PBGDPL, khi Hiến pháp, pháp luật được tôn vinh thì pháp luật sẽ được thượng tôn trong ý thức mỗi người. Khi đó, việc “Sống, làm việc theo Hiếp pháp và pháp luật” sẽ luôn được tuân thủ.

 

 

 

Theo Lan Phương/phapluatvn.vn

 

Tệp đính kèm