Nghị định số 32 của Chính phủ quy định: Tạm giữ phương tiện 90 ngày không phân biệt sở hữu đối với trường hợp học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe điều khiển môtô, xe gắn máy. Ngày 1-9-2007 quyết định cấm học sinh đi xe gắn máy đến trường có hiệu lực. Sau hơn hai năm thực hiện quyết định trên, nhìn chung tình trạng học sinh đi xe gắn máy đến trường vẫn còn phổ biến, nhất là với các trường ở thành phố, thị xã - nơi các gia đình có điều kiện kinh tế hơn so với vùng nông thôn.
Thực trạng báo động…
Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh 50cm3 trở lên”. Như vậy, chỉ những học sinh đủ 18 tuổi trở lên (thường ở cuối học kỳ 2 lớp 12) có đủ điều kiện sức khỏe, có Giấy phép lái xe... theo quy định hiện hành mới được điều khiển xe mô tô có dung tích xi-lanh trên 50cm3. Trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ, Sở GD-ĐT tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các trường THPT ban hành quy chế, hướng dẫn học sinh thực hiện; những nội dung quan trọng được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong hội nghị giữa gia đình và nhà trường. Nhưng nhiều phụ huynh học sinh nhận thức chưa đầy đủ, viện dẫn nhiều lý do bao biện cho con em mình. Không ít người thương con học hành vất vả, để con đi xe buýt thì không an tâm, không đáp ứng yêu cầu về thời gian, bị lỡ lịch học thêm, đi xe đạp lại sợ con mệt nên đã mua cho con mình những chiếc xe phân khối lớn, hợp thời trang. Đã vậy, với nhiều học sinh, thời trang là phải "sành điệu", đi xe không gương, không đội mũ bảo hiểm, đèo 3, đèo 4 và… vượt đèn đỏ đó là những nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông cho bản thân và người khác.
Hầu hết các trường học đều có quy chế, quy định cấm học sinh không được phép đi xe máy tới trường, nhưng ngoài giờ học, việc học sinh sử dụng xe gắn máy khó có thể kiểm soát. Tất nhiên, những học sinh đó không dại gì mang xe máy vào trường, các em “lách luật” bằng cách gửi xe ở nhà bạn bè gần trường hoặc tại những nơi gửi xe chui. Cô giáo Trần Thị Thục, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú và thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng trường THPT Bán công Nguyễn Thái Học có chung nhận định: “Phạm vi quản lý của nhà trường hết sức hạn chế, chúng tôi chỉ có thể quản lý khi học sinh ở trong trường, khó có khả năng kiểm soát bên ngoài, giáo viên không có quyền vào nhà dân kiểm tra để biết xe nào là của học sinh gửi".
Việc học sinh đi xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ chưa được quản lý và xử lý chặt chẽ khiến tình trạng này còn phổ biến, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Khảo sát thực tế tại một số địa phương, chúng tôi thấy tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra hàng ngày ở một số trường THPT tại thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch… Để đi xe máy không bị nhà trường, Cảnh sát giao thông phát hiện, học sinh đã tạo ra cho mình những kiểu “ngụy trang” an toàn. Phần lớn học sinh nữ dùng áo chống nắng khoác ngoài, đeo khẩu trang gần kín mặt, học sinh nam mặc áo có in lôgô của các trường CĐ, ĐH, thậm chí có học sinh mặc áo công nhân để che mắt công an. Thầy Phan Hồng Hiệp, Hiệu phó trường THPT Bình Xuyên cho biết: "Đối với học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ có thể bị phê bình từ hình thức nhắc nhở, đánh giá xếp loại đạo đức hoặc cảnh cáo, vi phạm nghiêm trọng sẽ buộc thôi học. Học sinh ra khỏi cổng trường chúng tôi rất khó quản lý, lúc đó trách nhiệm phụ thuộc vào gia đình, xã hội". Thật đáng thất vọng khi chúng tôi cầm bản danh sách 12 đối tượng học sinh vi phạm quy chế của trường THPT Bán công Nguyễn Thái Học (năm 2008) thì có tới 8 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Giải pháp nào?
Để ngăn chặn việc học sinh đi xe máy đến trường cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất giữa nhà trường, gia đình, các cơ quan chức năng, trong đó gia đình đóng vai trò quyết định. Theo thầy Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT bán công Nguyễn Thái Học: việc làm đầu tiên là phải làm thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh, đồng thời tăng cường quản lý các điểm gửi xe xung quanh nhà trường và nên có những buổi kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm. Các bậc phụ huynh cần giáo dục con em mình chấp hành nghiêm luật pháp, không đi xe máy đến trường, hình thành thói quen cho các em trong việc chấp hành luật, tuyệt đối không bao biện, dung túng, tiếp tay cho các em vi phạm. Về phía nhà trường, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn; phát động thi đua, đăng ký và quyết tâm thực hiện quy định không đi xe máy đến trường đối với mỗi học sinh. Mặt khác phát huy tốt vai trò của Đoàn thanh niên, đội ngũ giáo viên để nhắc nhở, xử lý nghiêm học sinh sai phạm. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương nêu cao vai trò giám sát, kiểm tra, xử phạt những điểm trông giữ xe không đúng quy định, tiếp tay cho học sinh vi phạm, góp phần hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông.
Bài, ảnh Triệu Ngọc Toàn