Cập nhật: 10/06/2009 22:57:06 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trước Quốc hội: Sắp tới mầm non 5 tuổi ở miền núi hầu hết được giảm hoặc miễn học phí.

Chiều 9/6, sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã có phần giải trình trước Quốc hội về “Đề án đổi mới cơ chế tài chính ngành Giáo dục giai đoạn 2009-2010”.

 

Bốn “tăng” trong một đề án

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Đây không phải là đề án của Bộ Giáo dục-Đào tạo mà là của Chính phủ trình Quốc hội. Làm thế nào trong điều kiện nguồn lực đất nước còn hạn chế, chúng ta càng có nhiều người đi học càng tốt và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao”.

 

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, kết quả đề án này sẽ có bốn điểm đáng chú ý: Tăng hiệu quả đầu tư cho giáo dục, đào tạo; tăng số người đi học, đặc biệt là người nghèo đi học; tăng chất lượng về giáo dục; tính bền vững của hệ thống giáo dục. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư lâu dài, để thoát khỏi “vòng luẩn quẩn”. Khi kinh tế phát triển chậm thì đầu tư GDP còn nhỏ, do vậy đầu tư Nhà nước cho giáo dục còn ít. Kinh tế phát triển chậm, thu nhập nhân dân thấp, đầu tư gia đình cho giáo dục được cũng còn ít. Từ hai vấn đề này dẫn đến điều kiện vật chất cho chất lượng giáo dục hạn chế, mà chất lượng hạn chế thì hiệu quả kinh tế thấp, từ đó kinh tế lại tăng trưởng chậm. 

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Đề án này của Chính phủ góp phần tìm hai khâu đột phá để phá vòng luẩn quẩn này. Thứ nhất là làm sao sử dụng kinh phí hiệu quả hơn. Chừng nào không điều chỉnh được việc sử dụng kinh phí thì không có cơ sở để đòi hỏi tăng nguồn lực. Thứ hai, làm thế nào tăng được nguồn lực của Nhà nước và nhân dân cho giáo dục bằng tăng chi ngân sách (tăng chi từ 12% lên 20%).

 

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, muốn tăng nguồn lực của dân thì phải tuân thủ nguyên tắc là sự đóng góp đó không gây quá tải cho người dân, chỉ đóng góp theo khả năng.

 

Vừa qua có hơn 20 địa phương hàng năm không chi hết ngân sách giáo dục theo quy định của Nhà nước thì Bộ Giáo dục-Đào tạo đã làm văn bản nhắc nhở. “Vẫn chỉ là nhắc nhở vì cuối cùng các địa phương này cũng “không sao”. Chúng ta không có chế tài về việc không chi hết ngân sách cho giáo dục. Sắp tới phải có cơ chế làm đúng luật pháp vấn đề này”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần thay đổi toàn diện phương thức xây dựng và giao kế hoạch quản lý ngân sách. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính phối hợp để làm rõ vấn đề này.

 

Có miễn học phí mầm non?

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Trước hết phải khẳng định Nhà nước phải chịu trách nhiệm chủ yếu cho giáo dục phổ thông và mầm non. Bởi vì nếu đem chi phí bình quân một người học mầm non phổ thông khoảng 2,5-3 triệu đồng/năm/học sinh và yêu cầu gia đình trả thì không bao giờ trả được. Hiện nay, chi phí đào tạo phổ thông do Nhà nước chịu trách nhiệm chi trả là chính.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giải trình về cách tính học phí hiện nay là: Chi phí đào tạo cho mỗi học sinh là 2,9 triệu đồng/năm/học sinh, trong đó một phần do gia đình đóng theo khả năng, phần còn lại là do Nhà nước lo. Cách tính này của Chính phủ là để học phí không bao giờ là gánh nặng cho gia đình. Nếu học sinh ở vùng miền núi khó khăn thì hầu như được miễn học phí.

Về việc có miễn học phí cho cấp Trung học phổ thông hay không? Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay ngân sách còn hạn chế nên chưa miễn được cho học sinh cấp học này. Hiện nay bình quân học phí là khoảng 120.000 đồng/tháng cho vùng đô thị, nếu theo cách tính mới; khoảng 40.000 đồng/tháng cho vùng nông thôn. Nếu chúng ta miễn cho 2 học sinh ở vùng thành phố sẽ tương đương chi phí cho một em khác đi học ở nông thôn, thì nhà nước phải bù thêm học phí cho 1 em. Như vậy, nếu nhà nước không bù thì em đó không có điều kiện đi học. “Cho nên trong ngắn hạn để có nhiều trẻ đi học thì nhà nước phải chi tối đa ngân sách, đồng thời ai có khả năng góp thêm thì mỗi đóng góp thêm đó là thêm các cháu đi học” – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.

 

Về học phí mầm non, năm 2000, trẻ đi học mầm non đạt 48%, đến nay tỷ lệ đi học là 70%. Kinh phí cho mầm non năm 2000 chiếm 6,88% ngân sách giáo dục và năm 2008 chiếm 8,5%.

 

Phó Thủ tướng cũng đưa ra con số so sánh, ở Trung Quốc trẻ từ 3 đến 6 tuổi đi học là 36% (bằng khoảng 1/2 số trẻ đi học ở Việt Nam); Cuba đi học 100% nhưng chỉ có 30% đến trường tập trung, còn 70% ở nhà, được nhà nước hỗ trợ hướng dẫn thêm ở nhà. Ở Hàn Quốc, trẻ chỉ đi học khi 5 tuổi và tỷ lệ là 77%.

 

Trong điều kiện ngân sách hiện nay và sắp tới của nước ta, ngành Giáo dục đang xây dựng đề án tập trung cho mầm non 5 tuổi để tất cả các cháu có thể học mầm non, đặc biệt là vùng miền núi. “Sắp tới, mầm non 5 tuổi ở miền núi hầu hết được giảm hoặc miễn học phí” – Phó Thủ tướng khẳng định.

 

Mức 6% không quá tải

 

Hàng năm, các địa phương hoặc Tổng cục Thống kê đều thống kê chi phí học tập của các hộ gia đình. Bình quân: năm 2002 chi 6,1%, năm 2004 chi 6,3%, năm 2006 chi 6,4%, năm 2008 là 6,6%.

 

“Như vậy, thực tế nước ta bình quân chi cho giáo dục đã trên 6%, nhưng đề án vẫn đưa ra mức không quá 6% để không gây quá tải” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đề nghị một số tỉnh tính thử với nguyên tắc mới thì học phí như thế nào. Hiện nay có khoảng 20 tỉnh gửi bản học phí dự kiến nếu làm theo phương pháp này”.

 

Thứ nhất là tỉnh Lạng Sơn, nếu áp dụng phương pháp này thì khu vực thành phố sẽ đóng góp nhiều hơn, từ 2.000-25.000 đồng, còn ở các vùng thị trấn, miền núi thì giảm từ khoảng 10.000-14.000 đồng. Tác dụng của đề án là vùng khó khăn được hỗ trợ nhiều hơn.

 

Hay với Thanh Hóa, tỉnh chia ra thành 5 vùng để tính học phí: nội thành, ngoại thành, xã miền núi, xã vùng thấp và miền núi cao. Nếu áp dụng phương pháp này thì thành phố và ngoại thành thị trấn, vùng đồng bằng đóng cao hơn hoặc bằng như cũ, 3 vùng còn lại thì không phải đóng mà được hỗ trợ thêm.

 

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007 với đa số phiếu tán thành./.

 

Ngày mai (10/6), Quốc hội làm việc tại Hội trường.

 

Dự kiến chiều mai, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp phiên làm việc này./.

 

 

Theo VOV

 

Tệp đính kèm