Tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT vừa tổ chức hội thảo “Phát triển giáo dục cho các dân tộc rất ít người” với sự tham gia của đại diện Uỷ ban Dân tộc, các đơn vị liên quan, lãnh đạo các Sở GD&ĐT các tỉnh có dân tộc ít người, các trường dân tộc và đại diện một số tổ chức nước ngoài.
Những khó khăn chồng chéo
Chín dân tộc rất ít người (DTRIN) gồm Cơ Lao, Bố Y, Cống, Mảng, Brâu, Si La, Pu Péo, Rơ Măm và Ơ Đu. Trong đó, dân tộc Mảng có dân số hơn 3.000 người; dân tộc Cơ Lao và Bố Y có dân số hơn 2.000 người; Cống có hơn 1.000 người, 5 dân tộc còn lại đều có dân số dưới 1.000 người. Những dân tộc trên chủ yếu cư trú trên địa bàn các tỉnh miền núi biên giới như Hà Giang, Lào Cai, Kon Tum, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Đắk Lắk. Cả chín DTRIN trên đều cư trú ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới của các tỉnh miền núi, nơi có điều kiện địa lí đặc biệt khó khăn, sản xuất còn nặng tính tự cấp tự túc và chưa biết sản xuất hàng hoá. Các dân tộc này hầu hết chỉ có tiếng nói, không có chữ viết. Bản sắc văn hóa dân tộc đang bị mai một dần. Tỷ lệ đói nghèo của các DTRIN cao nhất nước. Nhiều dân tộc cư trú ở các vùng sâu còn chưa có điện sinh hoạt, trong đó có dân tộc Mảng chưa từng được dùng điện. Theo báo cáo của Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD&ĐT, mỗi DTRIN chỉ có khoảng 60 đến 900 trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 14- độ tuổi đến trường. Tỷ lệ trẻ em đi học các cấp đúng độ tuổi của các dân tộc trên là rất thấp và tính đến năm 2007 mới chỉ có 29 em theo học đến bậc cao đẳng, đại học, cá biệt có dân tộc từ trước tới nay mới có 1 học sinh học tới bậc cao đẳng. Về giáo dục, mặc dù mạng lưới giáo dục phổ thông các cấp đến nay đã phủ kín đến các xã, nhưng đối với học sinh các DTRIN, các phương án giáo dục thông thường không đạt hiệu quả cao. Khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức của học sinh DTRIN khá hạn chế, một phần do kỹ năng tiếng Việt chưa cao. Cá biệt, có em vào lớp 1 chưa biết tiếng Việt. Trong quá trình học tập các em thụ động và hay quên. Đội ngũ giáo viên, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT là có nhiệt tình, tâm huyết nhưng trình độ chuyên môn còn hạn chế, thiếu hiểu biết về tâm lý học sinh dân tộc. Thầy trò khó giao tiếp do có rào cản về ngôn ngữ. Qua khảo sát thực tế tại các tỉnh có DTRIN sinh sống, mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tại Mường Tè, Lai Châu, trong tổng số 20 bản dân tộc Mảng sinh sống vẫn còn 13/20 bản sử dụng phòng học tạm. Phần lớn các điểm trường tại nơi cư trú của đồng bào các dân tộc Bố Y, Cơ Lao, Pu Péo chưa có điều kiện tách riêng cơ sở vật chất và thiết bị trường học của trường mầm non và tiểu học...
Một số sách xuất bản bằng các thứ tiếng dân tộc
Sẽ có chính sách giáo dục đặc thù
Chúng ta đã có nhiều đề án cho dân tộc thiểu số nói chung nhưng chưa có đề án nào dành riêng cho DTRIN. Trong khi đó, những dân tộc này đều có đời sống rất khó khăn, trình độ văn hoá thấp. Vì thế, cần có chính sách đặc biệt để phát triển giáo dục đối với các dân tộc này.(Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển)
Tháng 9.2008, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT xây dựng đề án Phát triển giáo dục cho các DTRIN nhằm đưa ra những chính sách đặc biệt để phát triển giáo dục đào tạo đối với các dân tộc này. Đề án đã được Bộ GD&ĐT soạn thảo và đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp. Bản đề án này cũng được công bố ngay trong hội thảo để lấy thêm ý kiến của các đại biểu. Mục tiêu đề ra của đề án là tất cả trẻ em, học sinh, sinh viên các DTRIN được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt, được giáo dục, rèn luyện tốt để có trình độ văn hóa, trình độ nghề, góp phần phát triển bền vững mục tiêu bảo tồn và phát triển cho cộng đồng. Mục tiêu cụ thể của Đề án là 100% trẻ em các DTRIN trong độ tuổi 3 - 5 tuổi được hỗ trợ tiền ăn, quần áo, được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trường mầm non, 100% học sinh cấp tiểu học được học tại các trường PTDT bán trú, được hỗ trợ học bổng, quần áo... và bữa cơm trưa. Đảm bảo 100% học sinh các DTRIN hoàn thành chương trình cấp tiểu học, 100% học sinh sau khi hoàn thành chương trình cấp tiểu học được vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện hoặc trường PTDTNT tỉnh. Mục tiêu của đề án cũng đặt ra 100% học sinh DTRIN tốt nghiệp cấp THCS, 100% học sinh DTRIN tốt nghiệp THCS được vào học tại trường PTDTNT tỉnh. Học sinh DTRIN được nuôi, dạy và có chính sách hỗ trợ tại trường PTDTNT cấp huyện, cấp tỉnh. Ngoài ra, đề án còn có mục tiêu đảm bảo cơ sở vật chất, cung cấp thiết bị, đồ dùng dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc nội trú đủ điều kiện nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, học sinh của 9 DTRIN... Đồng thời đề án cũng nêu các giải pháp đặc biệt để thực hiện những mục tiêu đề ra như Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phù hợp để hình thành các điểm trường lớp bán trú dành riêng cho con em đồng bào rất ít người, đào tạo đội ngũ giáo viên có chuẩn kiến thức và biết tiếng dân tộc nơi mình công tác, có chính sách ưu tiên thu hút đội ngũ giáo viên đến giảng dạy cho đồng bào rất ít người. Một kế hoạch lớn biên soạn giáo trình, xây dựng các chương trình sinh hoạt ngoại khóa phù hợp với truyền thống văn hóa của đồng bào cũng được khởi động. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD&ĐT cố gắng lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện bản đề án để trình Chính phủ vào cuối năm nay.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm, tập trung đánh giá và kiến nghị nhiều giải pháp nhằm phát triển giáo dục cho các DTRIN như giúp trẻ tiếp cận tiếng Việt ngay từ nhỏ, tăng cường cơ sở vật chất thiết bị trường học, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho vùng DTRIN, biên soạn tài liệu đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh DTRIN, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và trẻ em, học sinh, sinh viên trong vùng...
Theo Vanhoa Online