Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn vào các trường ĐH-CĐ 2009, nhiều trường đã chính thức công bố điểm chuẩn.
Một số trường ĐH có mức điểm chuẩn cao không xét tuyển nguyện vọng 2 như Học viện Ngoại giao, Học viện Tài chính, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội...Mặc dù theo tính toán đã có khoảng 800.000 thí sinh không đạt điểm sàn ĐH nhưng cơ hội học CĐ và các trường TCCN còn rất nhiều đối với các thí sinh này.
Nhiều trường ĐH có điểm chuẩn khá cao
Trái với dự đoán của dư luận là năm nay nhiều trường sẽ có mức điểm chuẩn thấp hơn năm ngoái, đa số các trường ĐH trong tốp đầu vẫn có mức điểm chuẩn rất cao, điển hình là các trường ĐH thuộc ngành Y như ĐH Y Hà Nội, Y Thái Bình...Học viện Ngoại giao công bố điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là 21,5 và thấp nhất 18 điểm. Riêng ngành tiếng Anh và tiếng Pháp (ngoại ngữ hệ số 2) có điểm 27 và 25,5. Học viện Tài chính có điểm chuẩn khối A là 22, khối D là 23 (tiếng Anh nhân hệ số 2). Điểm chuẩn vào trường cao nên trường này không tuyển NV2, NV3.
Tại ĐH Luật Hà Nội, điểm chuẩn vào khối A của trường là 18 điểm, khối C 21 điểm và khối D1 lấy 17,5 điểm. Tổng số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển là 1.830, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh năm 2009 của trường này là 1.800 sinh viên. Còn ĐH Thương mại có điểm chuẩn NV1 khối A cao nhất là 22 và thấp nhất là 16, riêng ngành tiếng Anh thương mại lấy 24,5 điểm (tiếng Anh nhân đôi). Trường này cũng tuyển NV2 cho 3 ngành mới và tuyển hệ cao đẳng cho ngành Kinh doanh Khách sạn, Du lịch (100 sinh viên) và Marketing (100 sinh viên). Thí sinh có điểm thi ĐH khối A có điểm thi không thấp hơn điểm sàn hệ cao đẳng có thể nộp hồ sơ xét tuyển. Ở mức độ điểm chuẩn trung bình, ĐH Mỏ Địa chất lấy điểm chuẩn 16-17,5 điểm. Trường này còn tuyển 570 chỉ tiêu NV2 với điều kiện nhận hồ sơ là điểm thi phải cao hơn điểm chuẩn của ngành xin xét tuyển tương ứng từ 1 điểm trở lên. Cùng nhóm này có ĐH Xây dựng Hà Nội với mức điểm chuẩn khối A là 17, khối V (ngành Kiến trúc có nhân hệ số môn chuyên biệt) 26,5 điểm và khối V (ngành Quy hoạch đô thị không có hệ số) là 14 điểm. Trường này cũng không xét tuyển NV2. Trong khi đó, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn NV1 từ 18 đến 22,5 và xét hơn 200 chỉ tiêu NV2. Còn ĐH Thương mại lấy 16-22 điểm và xét 300 chỉ tiêu NV2...
Rất khó chuyển ngành học ĐH...
Có khá nhiều thí sinh không đạt điểm vào ngành học đã đăng kí nhưng lại nuôi hy vọng được trúng tuyển nguyện vọng 1 vào học ngành học khác cùng trường có điểm chuẩn thấp hơn. Tuy nhiên đa số trường ĐH quy định lấy điểm chuẩn theo ngành. Thí sinh đăng ký vào ngành nào chỉ xét tuyển vào ngành đó. Nếu không đủ điểm vào ngành đăng ký thì đồng nghĩa là trượt NV1 và không thể chuyển sang các khoa khác cùng trường có điểm thấp hơn. Chỉ có khối các trường lấy điểm chuẩn theo khối thi kết hợp với điểm chuẩn ngành thì thí sinh trượt ngành đăng ký dự thi có thể sẽ được chuyển sang các ngành khác cùng khối thi, có điểm chuẩn thấp hơn và còn chỉ tiêu. Đồng thời, một số trường có điểm chuẩn cao và một số trường có hệ đào tạo ngoài ngân sách vẫn có chủ trương tuyển một số thí sinh có điểm cao sát với điểm chuẩn của từng ngành học mà thí sinh đã đăng kí để học hệ tự túc. Ngoài việc đóng học phí khá cao theo quy định, các thí sinh này có quyền lợi như các thí sinh theo học hệ chính quy thông thường (bằng cấp giống nhau). Chẳng hạn Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lấy điểm chuẩn NV1 từ 22-24,5 điểm cho cơ sở phía Bắc và 18-21 điểm cho cơ sở phía Nam nhưng hệ tự túc kinh phí chỉ có điểm xét tuyển là 15 (phía Nam) và 18 (phía Bắc). Đối với hệ Đại học và Cao đẳng mỗi ngành tại mỗi cơ sở đào tạo của Học viện có 50 chỉ tiêu được cấp kinh phí đào tạo cho số thí sinh có điểm thi cao theo thứ tự từ trên xuống của mỗi ngành (số sinh viên ĐH đóng học phí theo quy định của Nhà nước đối với sinh viên trường công lập, sinh viên hệ CĐ tự túc học phí theo quy định của Học viện). Số chỉ tiêu còn lại sẽ được xét các thí sinh có điểm cao tiếp theo cho mỗi ngành đào tạo theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Gần 800 chỉ tiêu học tập ĐH ngoài ngân sách, sinh viên tự túc học phí theo quy định của Học viện khoảng trên 7 triệu đồng/1năm học.
... nhưng lại có nhiều cơ hội học CĐ và TCCN
Những thí sinh có số điểm cao trên sàn trượt NV1 ngoài các cơ hội đăng kí xét tuyển theo NV2 và NV3 còn hy vọng trúng tuyển vào các trường CĐ và TCCN. Với điểm sàn từ 10-11 điểm cho TS khu vực 3, rất nhiều thí sinh có tổng điểm thi ở khoảng này cũng có vô số cơ hội học CĐ và các trường TCCN. Nhưng để học hệ CĐ tại các trường ĐH lớn cũng không hề dễ, cá biệt có trường lấy điểm chuẩn vào hệ CĐ còn cao hơn điểm chuẩn vào một số trường ĐH. Chẳng hạn hệ CĐ của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Thương mại, ĐH Công nghiệp Hà Nội và một số trường ĐH khác có điểm chuẩn khá cao, một số trường chỉ xét tuyển số thí sinh thi vào hệ ĐH của trường mình...Trái lại rất nhiều trường CĐ và hầu như tất cả các trường TCCN chỉ xét tuyển với những điều kiện quá dễ dàng cho học viên. Theo thống kê hiện tại cả nước có 258 trường TCCN, gồm 171 trường công lập và các trường ngoài công lập, đón nhận trên 600.000 học sinh. Đồng thời đa số các trường TCCN và CĐ đều có chương trình đào tạo liên thông hoặc liên kết đào tạo lên các bậc học cao hơn nên học viên hoàn toàn có thể hoàn thành chương trình học từ TCCN lên ĐH nếu có nhu cầu.
Theo Vanhoa Online