Năm học 2009-2010 được xác định là “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.Những tiền đề cho việc thực hiện chủ đề này đã xuất hiện từ năm học 2008-2009 và đang được tích cực chuẩn bị phát huy, bằng nhiều định hướng mới, với nhiều điểm mới, nét mới.
1. Ba cuộc vận động và một phong trào thi đua
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị sẽ được triển khai với việc thí điểm thực hiện bộ tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung cuộc vận động vào giảng dạy một số môn học chính khoá và các hoạt động ngoại khoá ở các cấp học, trình độ đào tạo; lập thành tích hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010).
Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, ngoài việc thực hiện tốt Quy định về đạo đức nhà giáo, tự học về CNTT, trong năm học 2009 - 2010 mỗi GV, CBQLGD phải có 1 đổi mới trong dạy học hoặc QLGD.
Việc thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong GD thông qua cuộc vận động “Hai không” của ngành, cuối năm học 2009-2010 sẽ tổ chức tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 33/2006/CT-TTg.
Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (THTT-HSTC) sẽ có nội dung mới, cụ thể:
- Phối hợp giữa Bộ GDĐT với Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Đoàn TNCS HCM tổ chức “Tháng khuyến học” từ 02/9 đến 02/10 (Ngày khuyến học Việt Nam). Tổ chức tuyên dương các gia đình, các xã đạt danh hiệu gia đình khuyến học, xã khuyến học. Hoàn thành cuộc vận động quyên góp quần áo, sách vở cho HS vùng khó khăn do Bộ GDĐT và Công đoàn GDVN phát động. Phấn đấu đến 02/10/2009 thực hiện được yêu cầu “3 đủ” đối với HS: “đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở”. Hội Liên hiệp phụ nữ chủ trì cùng ngành Giáo dục và Lao động, Thương binh, Xã hội vận động chăm lo “đủ ăn”; Đoàn TNCS HCM chủ trì cùng ngành giáo dục vận động chăm lo “đủ mặc”; Bộ GDĐT chủ trì vận động chăm lo “đủ sách vở, đồ dùng học tập” cho HS để không còn HS bỏ học vì thiếu sách vở và đồ dùng học tập, thiếu quần áo hoặc thiếu ăn.
-“Lễ Tri ân và trưởng thành” cho HS lớp 12 sẽ được tổ chức tại các trường trên toàn quốc.
-Các địa phương (tỉnh, huyện) tuyên dương, khen thưởng một thầy giáo và một cô giáo được học sinh yêu quý nhất do HS và các tổ chức xã hội, các cựu HS tôn vinh.
- Phấn đấu đến cuối năm học,100% các trường mầm non, phổ thông có công trình vệ sinh và thường xuyên được đảm bảo sạch sẽ; 100% các công trình, di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng, các nghĩa trang liệt sĩ đều được các trường phổ thông nhận chăm sóc và phát huy.
- Tổ chức thi hát dân ca, hát về ngành GD theo cụm và tiến tới toàn quốc với sự tham gia của HS và GV.
- Phối hợp với Đoàn TNCS HCM và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam biên soạn và triển khai tài liệu hướng dẫn GD kỹ năng sống cho HS phổ thông. Sưu tầm, xây dựng tủ sách GD kỹ năng sống trong các trường phổ thông. Xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong các nhà trường.
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá, công nhận các trường đã đăng ký và phấn đấu đạt danh hiệu “THTT-HSTC” theo tiêu chí đã ban hành. Xây dựng tư liệu số về các trường đạt danh hiệu “THTT-HSTC” mức xuất sắc để các nơi tham khảo. Xây dựng tiêu chí và xét công nhận các trường đã hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá. Đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình ở địa phương.
- Tổ chức “Ngày về nguồn” (23/11) và “Tuần về nguồn” (từ 20/11 đến 26/11) ở các địa phương. Xây dựng cơ sở dữ liệu số của các Sở GDĐT về “1.000 năm Thăng Long” và “Việt Nam trong thế kỷ XX”, đưa lên trang web để làm tư liệu dùng chung cả nước, phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học.
2. Đổi mới quản lý giáo dục
Xây dựng Nghị định Chính phủ về phân cấp và phối hợp QLGD giữa các Bộ, ngành và các địa phương; tạo sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ GDĐT với các bộ ngành khác, các địa phương trong quản lý các trường ĐH, CĐ, TCCN.
Hoàn thành việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 35/2008/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14/7/2008 của Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GDĐT và Phòng GDĐT đối với tất cả 63/63 tỉnh, thành phố.
Tập trung triển khai Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 15/4/2009 về hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập GD và ĐT để thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.
Triển khai áp dụng chuẩn nghề nghiệp GV mầm non và tiểu học theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BGDĐT ngày 22/01/2008 và số 14/2007/QĐ-BGDĐT ngày 04/5/2007. Ban hành và áp dụng chuẩn GV, chuẩn hiệu trưởng trường THCS và THPT, chuẩn giám đốc trung tâm GDTX, chuẩn nghiệp vụ giáo viên trung cấp chuyên nghiệp. Thực hiện Quy định về tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở GDĐT.
Hoàn thành chuyển đổi tất cả các trường mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang công lập, tư thục theo Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT ngày 08/5/2009.
Triển khai Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 về Quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở GD của hệ thống GD quốc dân.
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD và ĐT từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế tài chính GD và ĐT 2009 – 2014, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức trần học phí cho khối đào tạo. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, các Sở GDĐT xây dựng mức học phí và trình HĐND tỉnh, thành phố để quyết định.
Điều chỉnh từng bước cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho các cấp học theo hướng ưu tiên ngân sách để thực hiện PCGDTH-CMC, hỗ trợ phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, đảm bảo chi cho GD ở các xã đặc biệt khó khăn, đảm bảo tiền lương cho đội ngũ nhà giáo và kinh phí hỗ trợ cho đối tượng học sinh chính sách, học sinh nghèo.
Tiếp tục hoàn thiện việc đánh giá GV và cán bộ trong ngành, triển khai năm học đầu tiên các Sở GDĐT đánh giá công tác chỉ đạo của các Vụ, Cục và công tác lãnh đạo của Lãnh đạo Bộ (theo hướng dẫn của Bộ).
Trong năm 2010, các Sở GDĐT tham mưu xây dựng “Quy hoạch phát triển giáo dục của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến 2020” để HĐND và UBND các tỉnh phê duyệt.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác thông tin cho xã hội, lắng nghe ý kiến xã hội thông qua trang thông tin điện tử của Bộ (www.moet.gov.vn; www.moet.edu.vn), Báo điện tử Giáo dục và Thời đại của ngành (www.giaoducthoidai.vn hoặc www.gdtd.vn; www.edunews.vn) và các phương tiện thông tin đại chúng. Các Sở GDĐT chủ động tổ chức báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND về tình hình GD của địa phương và xin ý kiến chỉ đạo về hoạt động GD của ngành trước các kỳ họp của Quốc hội và HĐND địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong QLGD. Thống nhất quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT trong GD và ĐT. Tuyển chọn, cung cấp miễn phí các phần mềm quản lý học tập của học sinh, quản lý giáo viên, hỗ trợ sắp xếp thời khoá biểu, quản lý thư viện trường học và hướng dẫn mua hoặc cung cấp phần mềm ứng dụng.
3. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã được đẩy mạnh nhiều năm nay nhưng năm học này sẽ phấn đấu xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn đổi mới phương pháp giảng dạy. Thư viện câu hỏi kiểm tra, bài tập các môn học sẽ được bổ sung cập nhật để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng trong dạy và học, tự kiểm tra, đánh giá.
Bằng việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong GD, nguồn học liệu mở hỗ trợ giảng dạy và học tập các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân sẽ được xây dựng và đưa lên website của các Sở và Bộ GDĐT để giáo viên, học sinh cả nước tham khảo (mỗi địa phương xây dựng tư liệu về văn hoá, lịch sử, địa lý, danh nhân của địa phương mình). Một cuộc thi làm bài giảng điện tử sẽ được tổ chức vào năm học này. Năm học này cũng là năm đầu tiên quyết liệt dạy và học tích cực để đến năm học 2010-2011 là chấm dứt tình trạng dạy học chủ yếu qua “đọc – chép” ở THCS và THPT. Mỗi GV, CBQLGD thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tỉnh có 1 chương trình đổi mới phương pháp dạy học.
Triển khai công tác đánh giá chất lượng GD các trường phổ thông và TCCN, trong đó có các trường ngoài công lập, các trường do nước ngoài đầu tư hoặc đào tạo theo chương trình nước ngoài; chuẩn bị chuẩn đánh giá các trường mầm non. Triển khai các bước chuẩn bị cho Việt Nam tham gia chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh quốc tế (PISA).
Các trường TCCN phải triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu xã hội, thực hiện nghiêm túc 3 công khai; tăng cường công tác quản lý của các Sở GDĐT đối với các trường TCCN.
Cũng trong nhóm giải pháp nâng cao chất lượng GD, ngoài việc tiếp tục tăng cường cải thiện CSVC và thiết bị GD cả về số lượng và chất lượng, năm học 2009-2010 sẽ thực hiện tổng kiểm tra, đánh giá toàn quốc về chất lượng và khai thác sử dụng thiết bị dạy học, hoàn thiện cơ chế và chính sách liên quan đến cung cấp và khai thác các thiết bị dạy học. Với chất lượng GD vùng khó, sẽ triển khai Đề án của ngành GD về phát triển GD ở 61 huyện khó khăn nhất. Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2015 cũng sẽ được triển khai trong năm học mới này. Hoàn thành cơ bản việc triển khai kết nối Internet băng thông rộng tới tất cả các trường học ở những khu vực có điện lưới vào tháng 6/2010.
4. Chăm lo và đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Năm học 2009-2010, lần đầu tiên, ngành GD tổ chức hội thảo quốc gia về “Công nghệ giáo dục phổ thông đầu thế kỉ XXI”. Với các trường và khoa sư phạm, các kiến nghị tại Hội nghị toàn quốc các trường-khoa sư phạm lần thứ nhất sẽ được rà soát lại và tổ chức hội nghị lần thứ hai vào cuối năm nay nhằm thực hiện việc đào tạo sư phạm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Kiên quyết khắc phục tình trạng thiếu GV, nâng cao chất lượng đội ngũ GV được tuyển dụng bằng việc tất cả các Sở GDĐT xác định nhu cầu GV các cấp học, các môn học giai đoạn 2009 – 2015, lập kế hoạch đào tạo GV theo nhu cầu của tỉnh, đặt hàng các ĐH, CĐSP trong và ngoài tỉnh đào tạo, kết hợp các chính sách khuyến khích GV công tác tại địa phương, đảm bảo từ sau năm 2012 không còn tình trạng thiếu GV có chất lượng ở tất các các bậc học và môn học.
Trên cơ sở các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GDĐT, tất các Sở GDĐT rà soát quy trình và thực tế tuyển dụng GV mới các cấp học, sửa đổi các quy định cần thiết để đảm bảo tuyển dụng được các GV có đạo đức và trình độ chuyên môn phù hợp cho nhu cầu phát triển GD ở mỗi trường, mỗi huyện, mỗi tỉnh. Công khai các tiêu chí, quy trình và kết quả tuyển dụng GV ở các trường, các Phòng và Sở GDĐT.
Chuẩn hóa trong đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và sử dụng CBQLGD. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho các hiệu trưởng trường tiểu học nội dung “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (Kế hoạch số 307/KH-BGDĐT ngày 22/7/2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT).
Triển khai đánh giá hiệu trưởng trường phổ thông thông qua ý kiến GV. Xây dựng, công bố tiêu chuẩn GV đạt danh hiệu GV giỏi các cấp.
Tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định về phụ cấp thâm niên cho nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; thực hiện chế độ bảo lưu phụ cấp đứng lớp có thời hạn cho nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục khi được điều động về công tác tại cơ quan quản lý nhà nước về GD.
5.Triển khai một số đề án quan trọng
Năm học 2009-2010, ngành GD sẽ tổ chức triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển GD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân 2008 – 2020 (QĐ số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch tổng thể phát triển nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (QĐ số 698/QĐ-TTg ngày 01/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ). Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai: Chương trình phổ cập mẫu giáo 5 tuổi và triển khai thực hiện Quyết định 149/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đề án phát triển và hiện đại hoá hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2015; Đề án củng cố và phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) giai đoạn 2010-2015; Đề án xây dựng nhà ở học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú để thực hiện phổ cập tiểu học và THCS có chất lượng giai đoạn 2010 – 2015.
Một khối lượng công việc bộn bề của năm học mới đang chờ đợi quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành, toàn xã hội để ngày này năm sau sẽ có một mùa GD bội thu.
Báo Giáo dục & Thời đại