Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra thông điệp về giáo dục: Giáo dục để hiểu, để biết, để làm người; Giáo dục để có một nghề, để có việc làm; Giáo dục là để biết làm cho mình và người khác hạnh phúc và để góp phần làm cho đất nước phát triển bền vững, góp phần vào sự tiến bộ của nhân loại.
Trong 2 ngày (9-10/10) tại Phiên họp lần thứ 35 Đại hội đồng UNESCO, Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng Giáo dục các nước thành viên UNESCO đã được tổ chức.
Tại Hội nghị, với chủ đề “Trong thế kỷ 21, giáo dục sẽ như thế nào?”, đại diện các nước đề cập tới các chương trình giáo dục được triển khai ngay tại quốc gia mình, đồng thời đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy việc giáo dục hiệu quả cho mọi người và đóng góp vào các chương trình của UNESCO về giáo dục... Đây là những vấn đề đang được các nước cũng như UNESCO quan tâm.
Một số ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, các nước phát triển cần hỗ trợ các nước chậm phát triển giải quyết các vấn đề căn bản, trong đó có phổ cập giáo dục phổ thông.
Thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phát biểu nêu rõ: Nói đến giáo dục trong thế kỳ 21 thì phải xem những gì cần có sự thay đổi và những gì cần phải gìn giữ. Vì vậy, trước khi trả lời câu hỏi: “Giáo dục như thế nào trong thế kỷ 21?”, chúng ta cần phải trả lời câu hỏi: “Giáo dục để làm gì?”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra thông điệp về giáo dục với 4 lý do: Giáo dục để hiểu, để biết, để làm người; Giáo dục để có một nghề, để có việc làm; Giáo dục là để biết làm cho mình và người khác hạnh phúc và để góp phần làm cho đất nước phát triển bền vững, góp phần vào sự tiến bộ của nhân loại.
Những ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị lần này đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của đại biểu các nước và đại diện UNESCO.
Hội nghị bàn tròn Bộ trưởng Giáo dục UNESCO tổ chức lần này nhằm sơ kết những ý kiến được đưa ra tại 5 hội nghị bàn tròn Bộ trưởng Giáo dục trước đó xung quanh vấn đề giáo dục: Giáo dục cho mọi người, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học.
Theo vovnews.vn.