Cập nhật: 20/10/2009 23:02:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

Luật giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục. Qua 3 năm thực hiện, Luật giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật đã nảy sinh một số điểm chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tiễn, một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho rõ ràng hơn, dễ hướng dẫn, dễ thực hiện. Những sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện chế độ chính sách đối với người học, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong những năm qua chủ trương đổi mới, phân cấp quản lý giáo dục đã từng bước được thực hiện. Một số quy định của Luật cần được sửa đổi phù hợp với chủ trương này như các quy định về thẩm quyền thành lập trường đại học, thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; quyền và trách nhiệm của uỷ ban nhân dân các cấp trong đó có việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục đối với tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục lần này nhằm tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

Ngày 19/6/2009, Quốc hội khoá XII kỳ họp thứ 5 thông qua Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, một số nội dung của Nghị quyết cần được thể chế trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào các quan hệ kinh tế thế giới, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục để phù hợp với các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên, quản lý tốt hơn hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Với những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục là cần thiết.

Trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, nghiên cứu Luật giáo dục của một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới, toạ đàm và nghiên cứu chuyên đề chuyên sâu như thành lập trường, thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; tổ chức điều tra xã hội học và lấy phiếu khảo sát, điều tra sâu một số lĩnh vực liên quan tới một số điều sửa đổi, bổ sung trong Luật; tổ chức kiểm tra việc thực hiện Luật giáo dục năm 2005 tại một số tỉnh, thành phố, một số cơ sở giáo dục và sở giáo dục và đào tạo; lấy ý kiến các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục; lấy ý kiến các bộ, ngành và đã 4 lần đưa Dự án Luật lên Website của Bộ GD& ĐT để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục liên quan đến 22 điều trong tổng số 120 điều của Luật, bổ sung mới 01 Mục vào Chương VII gồm 03 điều mới.

1. Về chương trình giáo dục: Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 nhằm triển khai thực hiện quy định về chương trình giáo dục với chất lượng cao hơn trong thực tế, bảo đảm chương trình giáo dục phải hợp lý và phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tạo cơ sở bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện.

2. Về phổ cập giáo dục: Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 11 như sau: “1. Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”. Để có cơ sở triển khai giải pháp tập trung cho trẻ 5 tuổi có điều kiện chuẩn bị bước vào học lớp 1, Dự án Luật đề xuất bổ sung quy định “phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi”. Đây là yêu cầu có tính pháp lý cao, cần có sự ổn định và thực hiện lâu dài, huy động nguồn lực lớn các lực lượng xã hội tham gia, cần được xác định rõ ngay trong Luật này. Quy định phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi thể hiện tính ưu việt của chế độ ta và khẳng định thành tựu Quốc gia trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ em. Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đi học bình quân cả nước là 90%, tuy nhiên, nhiều nơi mới đáp ứng được học một buổi một ngày và nhiều tỉnh có tỷ lệ thấp hơn đáng kể. Để đảm bảo tính khả thi của Luật sau khi được ban hành, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án để triển khai thực hiện quy định này. Việc sửa đổi Luật theo hướng trên tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư có hiệu quả cho nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng.

3. Về đầu tư trong lĩnh vực giáo dục: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 13 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật giáo dục với Luật đầu tư, tạo cơ sở cho việc xây dựng các văn bản dưới Luật theo hướng hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục thực hiện theo quy định của hệ thống pháp luật chuyên ngành, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật đầu tư: “Hoạt động đầu tư đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó”.

4. Về cán bộ quản lý giáo dục: Bổ sung khái niệm cán bộ quản lý giáo dục vào Điều 16 của Luật xác định nhằm xác định rõ đối tượng cán bộ quản lý giáo dục và khẳng định vị trí của đội ngũ này trong Luật.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 80. Lý do: Luật hiện hành mới quy định việc bồi dưỡng đối với nhà giáo, công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chưa được quy định trong Luật. Nhìn chung công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý chưa được chú trọng đúng mức, năng lực lãnh đạo, quản lý của một bộ phận đáng kể cán bộ quản lý giáo dục chưa  đáp ứng những yêu cầu của đổi mới giáo dục trong tình hình mới.  Việc bổ sung quy định của Luật theo hướng trên sẽ tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy hơn nữa công tác bồi dưỡng và chuẩn hoá cán bộ quản lý giáo dục, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.

Để thống nhất với các điều khác trong Mục 3 và việc sửa đổi, bổ sung Điều 80 thì cần sửa đổi, bổ sung tên Mục 3 Chương IV thành "Chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục".

 

5. Về sách giáo khoa: Đề nghị bổ sung tiếp theo khoản 3 Điều 29 một đoạn như sau:“...Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn sách giáo khoa, việc biên soạn sách giáo khoa; việc chọn sách để dạy thí điểm, tổ chức dạy thí điểm, lấy ý kiến đóng góp của nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, hội nghề nghiệp, học sinh; việc thẩm định, duyệt và quyết định chọn sách để sử dụng làm sách giáo khoa, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt”. Bổ sung quy định trên nhằm góp phần bảo đảm chất lượng của sách giáo khoa và quản lý tốt hơn việc biên soạn, ban hành sách giáo khoa. Nhiệm vụ của các trường chuyên biệt như trường năng khiếu, trường giáo dưỡng, trường dành cho người tàn tật, khuyết tật, trường dự bị đại học có điểm khác so với cơ sở giáo dục phổ thông nói chung, do đó sách giáo khoa dùng để giảng dạy trong các trường chuyên biệt cần có quy định phù hợp với người học tại các cơ sở giáo dục này.

6. Về giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo trình giáo dục đại học: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 35 và khoản 2 Điều 41 Luật giáo dục theo hướng: bên cạnh việc tổ chức biên soạn giáo trình, thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có quyền tổ chức lựa chọn giáo trình để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức; bổ sung trách nhiệm phải “bảo đảm có đủ giáo trình để giảng dạy, học tập” của thủ trưởng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bổ sung quy định về việc tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình sử dụng chung cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại khoản 2 Điều 35 và khoản 2 Điều 41. Việc sửa đổi Luật theo hướng trên tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể lựa chọn giáo trình của cơ sở giáo dục khác để sử dụng tại cơ sở giáo dục mình; các cơ sở giáo dục cùng đào tạo một chuyên ngành với trình độ giống nhau có thể cùng phối hợp biên soạn giáo trình, tránh lãng phí thời gian, tiền của; khắc phục tình trạng thiếu giáo trình trong giảng dạy, học tập.

7. Về thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ: Để bảo đảm chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, Dự án Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ tại khoản 4 Điều 38 theo hướng: quy định thời gian đào tạo tiến sĩ đối với người có bằng thạc sĩ được thực hiện trong “ba năm học” thay vì “từ hai đến ba năm học” như quy định hiện hành; bổ sung quy định cụ thể về thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ có thể được “kéo dài không quá bốn năm”, “rút ngắn không quá sáu tháng” trong trường hợp đặc biệt và giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể các trường hợp được kéo dài hoặc rút ngắn thời gian đào tạo.  Quy định này ràng buộc trách nhiệm không chỉ nghiên cứu sinh mà giảng viên hướng dẫn và cơ sở đào tạo phải đầu tư thích đáng về thời gian, công sức, trí tuệ cho việc học tập và nghiên cứu, tham gia các hoạt động khoa học cần thiết trong và ngoài nước để đạt tới trình độ tiến sĩ. Đa số cơ sở giáo dục đại học được hỏi ý kiến về thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ quy định tại khoản 4 Điều 38 đều đồng ý với việc sửa đổi, bổ sung thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ như Dự án Luật.

8. Về đào tạo và cấp văn bằng trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt và học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người đã tốt nghiệp đại học:  Khoản 4 Điều 38 Luật giáo dục quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ trong đó có quy định đào tạo trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt; khoản 6 Điều 43 Luật giáo dục quy định về văn bằng giáo dục đại học trong đó có quy định văn bằng trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt. Các nội dung này được giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể.  Qua trao đổi các Bộ, ngành đều cho rằng không có đào tạo, cấp văn bằng tốt nghiệp nào tương đương trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ và đều thống nhất đề nghị không có “đào tạo trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt”. Yêu cầu quản lý nhà nước về giáo dục là phải đảm bảo sự thống nhất về mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục, quy chế thi cử, hệ thống văn bằng, chứng chỉ được quy định tại Điều 14 Luật giáo dục hiện hành. Thực hiện Điều 14 của Luật thì không thể có “văn bằng tương đương”. Trong Luật giáo dục của một số nước trên thế giới đã được tham khảo thì không có nước nào quy định việc đào tạo trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Tại phiên họp Chính phủ ngày 05/8/2009, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về nội dung này và thống nhất cao không có văn bằng tương đương với bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Với những lý do nêu trên, Chính phủ đề nghị bãi bỏ quy định về văn bằng tương đương tại khoản 6 Điều 43 Luật giáo dục.

Để đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người đã tốt nghiệp đại học làm việc ở một số ngành đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu đặc thù đối với một số vị trí công việc nhất định, Chính phủ đề nghị sửa đổi quy định “Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể việc đào tạo trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt” tại khoản 4 Điều 38 thành “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người đã tốt nghiệp đại học, với sự tham gia đào tạo của cơ sở giáo dục đại học”.

9. Về cơ sở giáo dục đại học: Đề nghị bổ sung vào điểm b khoản 1 Điều 42 một đoạn như sau: “Các loại trường đại học gồm: đại học, trường đại học, học viện”.  Thực tế hiện nay trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ngoài các cơ sở giáo dục được quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật giáo dục hiện hành còn có một số học viện; hai Đại học Quốc gia và Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng (gọi chung là đại học), đây là các đại học có thành viên là các trường đại học. Để Luật hóa thực tế tồn tại các cơ sở giáo dục đại học này, Dự án Luật đề nghị bổ sung các loại trường đại học gồm: đại học, trường đại học, học viện vào điểm b khoản 1 Điều 42.

10. Thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và điều kiện để trường đại học, viện nghiên cứu khoa học được đào tạo trình độ tiến sĩ: Để thống nhất với nội dung sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 42 về thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; quy định tại điểm c khoản 1 Điều 69 được sửa đổi thành “Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp với trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ”; khoản 2 Điều 69  được sửa đổi thành "Viện nghiên cứu khoa học, khi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép phối hợp với trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ có trách nhiệm ký hợp đồng với trường đại học để tổ chức đào tạo". Đồng thời để nhấn mạnh việc đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của trường đại học, viện nghiên cứu khoa học phải đáp ứng các điều kiện theo quy định, Dự án Luật sửa đổi từ “giao” thành từ “cho phép” tại các quy định nêu trên.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật giáo dục hiện hành chỉ trường đại học, viện nghiên cứu khoa học mới có thể được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Do đó, tên khoản 2 Điều 42 Luật đề nghị được sửa đổi thành: "Điều kiện để trường đại học, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ:”.

Trong thực tế, các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học không chỉ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thuộc đề tài khoa học trong các chương trình khoa học cấp nhà nước mà còn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thuộc đề tài nghiên cứu khoa học khác, do đó Dự án Luật bổ sung quy định “thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có chất lượng cao được công bố trong nước và ngoài nước” là một trong điều kiện để trường đại học, viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ. 

11. Về các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân: Để phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tế, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 49 theo hướng các trường của cơ quan nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, của lực lượng vũ trang nhân dân là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân nếu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật giáo dục và Điều lệ nhà trường ở mỗi cấp học và trình độ đào tạo, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục để cấp văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

12. Về thành lập nhà trường: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 50 nhằm đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chặt chẽ hơn trong việc thành lập trường, giải quyết được những vướng mắc trong thành lập trường hiện nay, tạo hành lang pháp lý chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, khắc phục tình trạng thành lập mới ở những nơi, những lĩnh vực không có nhu cầu, cơ sở giáo dục vẫn thực hiện hoạt động giáo dục khi không đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị,…

13. Về thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học: Sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học công lập, cho phép thành lập trường đại học tư thục từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là phù hợp với quy định về “phân công, phân cấp quản lý giáo dục” tại Điều 14 và quy định về thẩm quyền “cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục” tại Điều 100 của Luật giáo dục. Trên cơ sở các quy định về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và điều kiện, thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cụ thể việc thành lập, cho phép thành lập trường đại học. Việc giao thẩm quyền này xác định rõ hơn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quản lý nhà nước về giáo dục. Thủ tướng Chính phủ tập trung vào việc quản lý, điều hành vĩ mô, quy định về việc thành lập trường đại học nói chung, còn việc quyết định thành lập và giao nhiệm vụ đối với từng trường thì thẩm quyền này được giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ trong trường hợp đặc biệt, việc thành lập những trường đại học có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trước khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập. Những trường hợp đặc biệt Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập sẽ được quy định cụ thể tại văn bản quy định về điều kiện và thủ tục thành lập trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

14. Về thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục: Để thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Điều 50 thành lập trường theo hướng quy định thành 02 loại điều kiện: điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện để được phép hoạt động giáo dục, Dự án Luật bổ sung quy định về thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục và thẩm quyền đình chỉ hoạt động giáo dục. Thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đã được bổ sung tại khoản 3 Điều 50 với nội dung: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học; quy định cụ thể điều kiện, thời hạn và thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 51 như sau: “2. Người có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường thì có thẩm quyền quyết định việc sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường. Người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục thì có thẩm quyền quyết định việc đình chỉ hoạt động giáo dục. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề theo thẩm quyền quy định thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường khác ở các cấp học”.

15. Về công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục: Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 58 . Việc sửa đổi, bổ sung quy định này là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước, người học và gia đình giám sát việc thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục, tài chính, chất lượng đào tạo và hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường, phục vụ cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục; có tác dụng định hướng nghề nghiệp cho người học; là cơ sở để người học lựa chọn trường ngay từ khi nộp hồ sơ thi tuyển và để thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật giáo dục hiện hành “Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai để xã hội biết và giám sát.”.

16. Về nhà giáo: Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 70 nhằm thống nhất về tên gọi giữa nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy trong các trường cao đẳng và trường cao đẳng nghề.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 74, trong đó quy định rõ khái niệm thỉnh giảng, tên gọi của người được cơ sở giáo dục mời giảng dạy nhằm xác định vị trí của nhà giáo thỉnh giảng trong Luật, đồng thời khuyến khích người đủ tiêu chuẩn trở thành nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của Việt Nam.

17. Về cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 78 . Chính phủ đề nghị công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cần được quy định trong Luật, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

18. Về phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục: Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 100. Chính phủ đề nghị bổ sung quy định giao UBND các cấp có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn vào khoản 4 Điều 100 nhằm khẳng định rõ hơn trách nhiệm của uỷ ban nhân dân các cấp kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Việc giao quyền cụ thể đối với từng cấp uỷ ban nhân dân phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo sẽ được quy định tại văn bản của Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện những nội dung quản lý thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ, đặc biệt là xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển giáo dục, ban hành chính sách phát triển giáo dục, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giáo dục. Uỷ ban nhân dân các cấp kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật của tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn, quản lý các cơ sở giáo dục theo sự phân cấp của Chính phủ.

19. Về kiểm định chất lượng giáo dục: Để thống nhất về thẩm quyền quy định lĩnh vực dịch vụ có điều kiện, tạo cơ sở cho việc xây dựng văn bản quy định điều kiện thành lập, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập theo hướng xã hội hoá hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, Dự án Luật bổ sung một Mục vào Chương VII gồm các quy định về nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục, nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập.

20. Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục: Dự án Luật đề xuất bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định cụ thể trách nhiệm và nghĩa vụ của người Việt Nam, cơ sở giáo dục Việt Nam hoạt động giảng dạy, giáo dục ở nước ngoài, cụ thể bổ sung một khoản vào Điều 108 như sau: "4. Thủ tướng Chính phủ quy địh việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật; việc hợp tác về giáo dục với tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài".

Đồng thời Luật cần có quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục có đầu tư của nước ngoài trong việc thực hiện chương trình giáo dục, do đó Dự án Luật sửa đổi, bổ sung thêm một khoản tại Điều 109, như sau:  “Điều 109. Hợp tác về giáo dục với Việt Nam

... 2. Cơ sở giáo dục có sự tham gia đầu tư của nước ngoài phải bảo đảm giáo dục người học về nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, thực hiện  mục tiêu giáo dục, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với mỗi cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân......”.

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 109 thành “3. Chính phủ quy định việc hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục”.

 

Theo GD & TĐ Online

Tệp đính kèm