Cập nhật: 07/12/2009 21:25:53 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong phiên trả lời chất vấn của ĐBQH kỳ họp thứ 6, Quốc hội XII, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời những vấn đề cơ bản về giáo dục với các cử tri Đại biểu QH như sau:

Ông Nguyễn Phụ Đông, tỉnh Bắc Ninh: Ghi nhận kết quả đạt được trong thời gian qua, song không ít cử tri, tầng lớp nhân dân băn khoăn lo lắng về thực trạng phương hướng phát triển của nền giáo dục nước ta hiện nay.

 

Xin hỏi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:

        

1. Thực trạng nền giáo dục nước ta hiện nay?

 

2. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ năm 2010 được thực hiện như thế nào?

 

3. Một trong những giải pháp mang tính đột phá trong đổi mới giáo dục nước ta năm 2010 là gì?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời:

 

1. Thực trạng nền giáo dục nước ta hiện nay

 

Trong thời gian qua giáo dục Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực:

 

 - Hệ thống giáo dục quốc dân được hoàn thiện hơn với các cấp, bậc học, trình độ đào tạo, các loại hình và phương thức giáo dục. Quy mô giáo dục tăng nhanh, nhất là ở bậc đại học và đào tạo nghề.

 

- Công bằng xã hội trong giáo dục được cải thiện, đặc biệt là tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đối với trẻ em gái, người dân tộc thiểu số và con em các gia đình nghèo, các đối tượng bị thiệt thòi trong xã hội; giáo dục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp tục phát triển.

 

- Các loại hình nhà trường ngày càng được đa dạng hóa, thu hút được nhiều người học; các trường công lập đã giữ được vai trò nòng cốt trong phổ cập giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, quy mô giáo dục ngoài công lập phát triển.

 

- Quy mô hệ thống giáo dục năm học 2008-2009:

 

+ Học sinh: Số trẻ em nhà trẻ và mẫu giáo: 3.305.391; Tiểu học: 6.745.016; Trung học cơ sở: 5.515.123; Trung học phổ thông: 2.951.889; Giáo dục thường xuyên: 418.319; Trung cấp chuyên nghiệp: 625.770; Cao đẳng: 476.721; Đại học: 1.242.778 (đạt tỉ lệ 195/1 vạn dân).

 

+ Giáo viên: Mầm non: 183.443; Tiểu học: 345.505 (Tỷ lệ 1,3 giáo viên/lớp); Trung học cơ sở: 313.536 (Tỷ lệ 2,06 giáo viên/lớp); Trung học phổ thông: 138.737 (Tỷ lệ 2,08 giáo viên/lớp); Trung cấp chuyên nghiệp: 16.214; Cao đẳng: 20.183; Đại học: 41.007.

 

+ Trường học: Mầm non: 12.190; Tiểu học: 15.051; Phổ thông cơ sở: 674; Trung học cơ sở: 9.902; Trung học: 295; Trung học phổ thông: 2.192; Trung cấp chuyên nghiệp: 273; Cao đẳng: 223; Đại học: 146.

 

+ Tính đến tháng 9/2009, có 48/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi (đạt 76,1%); 56/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn cập giáo dục THCS (đạt 88,9%).

 

- Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng nhanh (Tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo năm học 2008-2009 là 91.986 tỉ đồng). Việc huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho giáo dục thông qua chủ trương xã hội hoá đạt hiệu quả khá. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục ngày càng được kiểm soát và tăng dần hiệu quả sử dụng.

 

- Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, chương trình và giáo trình ở dạy nghề và đại học đang được tích cực thực hiện, phương pháp dạy học dần từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục.

 

Có được những kết quả trên trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn là do sự nỗ lực không ngừng của toàn Ðảng, toàn dân ta, sự đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Những thành tựu nói trên đã khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị của đất nước trong hơn 20 năm đổi mới, tạo điều kiện cho đất nước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.  

 

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém. Giáo dục và đào tạo chưa thật sự là quốc sách hàng đầu. Mặc dù được tăng đầu tư tài chính nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao; công tác tổ chức, cán bộ, chế độ, chính sách chậm đổi mới. Chất lượng giáo dục còn thấp so với nhu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập, không đồng đều giữa các vùng, miền; quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng. Việc thẩm định cho phép thành lập mới các trường cao đẳng, đại học chưa thật chặt chẽ, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhất là ở các trường ngoài công lập và các trường của địa phương. Hệ thống giáo dục thiếu đồng bộ, chưa liên thông giữa các cấp học, ngành học và trình độ đào tạo; mất cân đối về cơ cấu đào tạo theo vùng, miền, cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo. Việc giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng mong muốn của các gia đình và đòi hỏi của sự phát triển đất nước.

 

Chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chưa chú trọng phát huy tính sáng tạo, năng lực thực hành của học sinh, sinh viên; áp lực thi cử còn nặng.

 

Công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém, cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp sự đổi mới của đất nước. Hệ thống luật pháp và các chính sách về giáo dục chưa hoàn chỉnh. Việc chia cắt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ ngành khác đã làm cho công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục còn chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất.

 

Những hạn chế nêu trên là do thiếu sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của các cấp quản lý, chậm cụ thể hóa những quan điểm của Ðảng thành cơ chế, chính sách của Nhà nước; thiếu những quyết sách đồng bộ, hợp lý ở tầm vĩ mô. Tư duy giáo dục chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước, trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Những tác động mặt trái của cơ chế thị trường và những khó khăn của đất nước đã ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp phát triển giáo dục. Tâm lý khoa cử, bằng cấp vẫn chi phối nặng nề việc học và thi cử. Chậm đổi mới cơ chế, chính sách tài chính giáo dục để động viên hợp lý các nguồn lực xã hội phát triển giáo dục và sử dụng các nguồn lực cho giáo dục hiệu quả cao.

 

2. Nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ trong năm 2010 nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân

 

Để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, năm 2010 Chính phủ tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp căn bản sau đây:

 

-  Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh (Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”) và sinh viên, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý.

 

-  Đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo - nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2009 - 2010. Triển khai đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010. Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020. Triển khai thực hiện các đề án phát triển giáo dục, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng Nghị định Chính phủ về phân cấp và phối hợp quản lý giáo dục giữa các Bộ, ngành và các địa phương; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác thông tin cho xã hội và tiếp thu ý kiến xã hội thông qua Báo điện tử Giáo dục và Thời đại và trang thông tin điện tử của Bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục.

 

-  Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên ở các trường, khoa sư phạm. Đầu tư nâng cấp các trường, các khoa sư phạm. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường và khoa sư phạm, đặc biệt là đào tạo giáo viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Chuẩn hóa trong đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và sử dụng cán bộ quản lý giáo dục. Triển khai đánh giá hiệu trưởng trường phổ thông thông qua ý kiến giáo viên. Đảm bảo chính sách, chế độ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên 2010-2020, đảm bảo tỷ lệ giảng viên là tiến sỹ ngày càng tăng. Xây dựng kế hoạch phổ cập ngoại ngữ cho giảng viên.

   

- Tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục. Chuẩn bị các điều kiện xây dựng chương trình phổ thông mới áp dụng sau 2015. Triển khai xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn đổi mới phương pháp giảng dạy. Tiếp tục xây dựng thư viện câu hỏi kiểm tra, bài tập các môn học để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng trong dạy và học, tự kiểm tra, đánh giá. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy và học ở từng cấp học. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở giáo dục.

 

- Nâng cao năng lực các phòng khảo thí và quản lý chất lượng ở các Sở GDĐT. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn về công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục. Triển khai công tác đánh giá chất lượng giáo dục các trường phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có các trường ngoài công lập, các trường do nước ngoài đầu tư hoặc đào tạo theo chương trình nước ngoài; xây dựng chuẩn và chuẩn bị các điều kiện để đánh giá các trường mầm non. Triển khai các bước chuẩn bị cho Việt Nam tham gia chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh quốc tế (PISA).

 

- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu xã hội ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thực hiện nghiêm túc 3 công khai. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình khung. Ban hành danh mục ngành đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học. Thực hiện liên thông các trình độ dạy nghề với giáo dục trung cấp chuyên nghiệp.

 

- Tăng cường nguồn lực cho giáo dục. Điều chỉnh từng bước cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho các cấp học theo hướng ưu tiên ngân sách để thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, hỗ trợ phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi, đảm bảo chi cho giáo dục ở các xã đặc biệt khó khăn, đảm bảo tiền lương cho đội ngũ nhà giáo và kinh phí hỗ trợ cho đối tượng học sinh chính sách, học sinh nghèo. Căn cứ vào khung học phí đã được Thủ tướng Chính phủ quy đinh đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, các trường quy định mức thu học phí cụ thể đối với từng đối tuowngj, từng cấp học và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành đào tạo, hình thức đào tạo và hoàn cảnh của học sinh, sinh viên.

 

- Đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục. Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh ở vùng dân tộc; củng cố, phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú, đảm bảo học sinh có chỗ ở an toàn, đủ ăn, đủ mặc và đủ sách học. Phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú theo quy hoạch thống nhất, nâng cao chất lượng dạy học của trường phổ thông dân tộc nội trú. Tiếp tục các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc ở mầm non, tiểu học; dạy tiếng dân tộc trong các trường phổ thông và sư phạm; bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên vùng dân tộc. Tiếp tục thực hiện đầy đủ chính sách miễn giảm học phí, chính sách tín dụng sinh viên nhằm đảm bảo cho học sinh, sinh viên thuộc chính sách, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong học tập đều được đi học.

 

-  Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Tăng cường quan hệ hợp tác với các nước láng giềng và các nước ASEAN. Tiếp tục đàm phán ký kết các thỏa thuận công nhận tương đương bằng cấp giữa Việt Nam và các nước. Tăng cường hợp tác quốc tế về công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng. Tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo tiên tiến với chất lương cao, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Triển khai xây dựng các đại học xuất sắc với sự tham gia của Chính phủ và các trường đại học của các nước tiên tiến.

 

3. Một trong những giải pháp mang tính đột phá trong đổi mới giáo dục nước ta năm 2010

 

Đổi mới quản lý giáo dục là một trong những giải pháp mang tính đột phá trong đổi mới giáo dục nước ta năm 2010, được cụ thể hóa như sau:

 

- Hoàn thiện môi trường pháp lý và chính sách giáo dục cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; xây dựng chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục, điều tiết cơ cấu và quy mô giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và nhân lực của đất nước trong từng giai đoạn; triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giáo dục. 

 

- Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục theo hướng phối hợp với các Bộ, ban ngành và địa phương trong quản lý các cơ sở giáo dục. Thực hiện phân cấp quản lý mạnh đối với các địa phương và các cơ sở giáo dục, nhất là đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo về nội dung đào tạo, tài chính, nhân sự; hoàn thiện mô hình, cơ chế hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của đơn vị. Triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 35/2008/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14/7/2008 của Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GDĐT và Phòng GDĐT đối với tất cả 63/63 tỉnh, thành phố và Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 15/4/2009 về hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo;

 

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa trong toàn bộ hệ thống quản lý giáo dục, từ cơ quan trung ương tới các địa phương, các cơ sở giáo dục nhằm tạo ra một cơ chế quản lý gọn nhẹ, hiệu quả và thuận lợi cho người dân. Thực hiện công khai hoá về chất lượng giáo dục, nguồn lực cho giáo dục và tài chính của các cơ sở giáo dục, thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục. Triển khai Quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục;  

 

- Thực hiện chuẩn hoá trong giáo dục thông qua việc triển khai áp dụng chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học, chuẩn giáo viên trung học và chuẩn hiệu trưởng trường THCS và THPT; ban hành và triển khai áp dụng chuẩn giám đốc trung tâm GDTX, chuẩn nghiệp vụ giáo viên trung cấp chuyên nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện việc đánh giá giáo viên và cán bộ trong ngành.

 

- Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 nhằm đảm bảo mọi người đều được học hành, huy động ngày càng nhiều hơn và sử dụng hiệu quả  hơn nguồn lực của nhà nước và xã hội để tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo 2009-2014, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức trần học phí cho khối đào tạo. Điều chỉnh từng bước cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho các cấp học theo hướng ưu tiên ngân sách để thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, hỗ trợ phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi, đảm bảo chi cho giáo dục ở các xã đặc biệt khó khăn, đảm bảo tiền lương cho đội ngũ nhà giáo và kinh phí hỗ trợ cho đối tượng học sinh chính sách, học sinh nghèo.

 

- Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác thanh tra. Tăng cường các hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành ở các cấp học, ngành học; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động "Hai không". Xây dựng cơ chế phố hợp với các bộ, ngành và địa phương trong việc kiểm tra, quản lý các cơ sở giáo dục và đào tạo nói chung, đặc biệt là các cơ sở giáo dục ngoài công lập và có đầu tư nước ngoài.

 

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông nhằm “tin học hóa” quản lý giáo dục ở các cấp. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác thông tin cho xã hội, lắng nghe ý kiến xã hội thông qua Báo điện tử Giáo dục và Thời đại, trang thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng. Các Sở GDĐT chủ động tổ chức báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố về tình hình giáo dục của địa phương và xin ý kiến chỉ đạo về hoạt động giáo dục của ngành trước các kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân địa phương. 

 

 

Theo  GD&ĐT Online

Tệp đính kèm