Cập nhật: 08/12/2009 23:09:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, hỗ trợ học sinh khó khăn...là một số nội dung quan trọng được đề cập trong Hội nghị Giao ban các Sở GD&ĐT 6 tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ nhất năm học 2009-2010 vừa tổ chức tại Hà Tĩnh.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ đã trực tiếp giải đáp kiến nghị của các Sở GD&ĐT địa phương.

 

Học sinh bỏ học: Chưa có giải pháp hữu hiệu

 

Theo thống kê, từ năm học 2008-2009 đến nay, tại 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã có tới 9.372 học sinh bỏ học. Đứng đầu là tỉnh Thanh Hoá với tổng số 5.941 học sinh bỏ học, trong đó khối Tiểu học chiếm 82 em, THCS chiếm 2.585 em, THPT chiếm 3.274 em. Tiếp theo là Nghệ An với 1.124 học sinh bỏ học, Quảng Bình có 936 học sinh bỏ học, Quảng Trị 899 học sinh, Hà Tĩnh 249 học sinh và ít nhất là Thừa Thiên-Huế với 223 học sinh bỏ học. Lượng học sinh bỏ học tập trung tại các khu vực miền núi, miền biển có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông chia cắt, trong đó cấp học THCS chiếm phần lớn. Nhiều giải pháp khắc phục đã được ngành GD&ĐT các tỉnh áp dụng như nắm danh sách và phân loại theo nguyên nhân học sinh có nguy cơ bỏ học ngay từ đầu năm học; tăng cường công tác phụ đạo, dạy tăng tiết đối với  học sinh yếu kém, giúp các em bổ sung kiến thức, tự tin trở lại lớp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương hỗ trợ về vật chất, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em  có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục trở lại trường học tập; thông qua việc tuyên truyền vận động để học sinh khắc phục những khó khăn tiếp tục trở lại trường học tập. Nhờ các biện pháp này, theo đánh giá từ Bộ GD&ĐT, lượng học sinh bỏ học khu vực Bắc Trung Bộ năm học này cũng giảm so với các năm học trước song lượng học sinh bỏ học vẫn được coi là đáng kể. Điều đáng nói là các biện pháp được áp dụng xem ra vẫn không có thay đổi nhiều so với các năm trước, không có các giải pháp đột phá và hữu hiệu để giải quyết triệt để hoặc ít ra cũng hạn chế tới mức thấp nhất số học sinh bỏ học. Dường như ngành GD khu vực này nói riêng và các khu vực khác nói chung chưa nghiên cứu kỹ các nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh bỏ học, chẳng hạn vì sao cấp học có số học sinh bỏ học nhiều nhất là THCS... để có những biện pháp giải quyết thích hợp.

 

Vẫn còn các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo

 

Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” vẫn đang được toàn ngành GD tiếp tục thực hiện hiệu quả, thiết thực và đã có tác động rất lớn đến tình cảm, đạo đức, lối sống của cán bộ giáo viên. Nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy hết mình vì học sinh được biểu dương kịp thời qua hội nghị sơ kết thực hiện cuộc vận động do các  Sở và công đoàn ngành phối hợp. Tuy nhiên, tại khu vực Bắc miền Trung vẫn còn có nhiều trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo từ mức độ nhẹ tới nghiêm trọng. Sở GD&ĐT  tỉnh Thanh Hoá đã xử lý kỷ luật đối với 1 cán bộ quản lý và 8 giáo viên ở các trường THPT đã vi phạm kỷ luật lao động, trong công tác quản lý và vi phạm đạo đức lối sống. Ngành GD&ĐT Nghệ An cũng phải xử lí 7 cán bộ, giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, trong đó có trường hợp không chấp hành các quy định của pháp luật. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cá biệt vừa qua tại trường tiểu học Kỳ Sơn huyện Kỳ Anh- Hà Tĩnh  đã xẩy ra sự việc đau lòng, làm tổn thất đến phẩm giá và đạo đức nhà giáo: 1 giáo viên đã hãm hiếp 1 học sinh lớp 4 trong trường. Giáo viên này đã bị đình chỉ việc giảng dạy và bị khởi tố. Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có công văn thông báo vụ việc trên đến cán bộ, giáo viên trong toàn ngành, đồng thời yêu cầu các nhà trường, các cơ sở giáo dục rà soát lại chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên về  đạo đức lối sống, về chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường công tác quản lý, thường xuyên nhắc nhở và kịp thời ngăn chặn những hành vi tiêu cực có thể xẩy ra trong cán bộ, giáo viên.

 

Nhiều băn khoăn trong đổi mới phương pháp giáo dục

 

Phát biểu tại hội nghị về các giải pháp đổi mới giáo dục trong thời gian tới, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Lê Văn Ngọ nêu lên điều đáng lo ngại nhất về chất lượng là lượng học sinh THCS bị hổng kiến thức khá nhiều. Nếu cấp THCS làm tốt công tác trang bị kiến thức chuẩn cho học sinh bao nhiêu thì lên cấp THPT sẽ đỡ bất ổn đi rất nhiều. Ông Ngọ cho rằng, việc hổng kiến thức thường bắt đầu ngay từ các lớp đầu cấp. Nếu không xác định nghiêm túc vấn đề này, khó có thể trông chờ tỉ lệ tốt nghiệp đã đề ra. Không chỉ riêng Nghệ An, nhiều tỉnh khác cũng đang nằm trong tình trạng chung này. Còn NGND Nguyễn Trí Hiệp, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh lại có cách nhìn toàn diện hơn về việc mở rộng hình thức thi trắc nghiệm. Theo ông, việc thi trắc nghiệm tại một số cấp học đã không đánh giá toàn diện được tư duy và sáng tạo của học sinh, áp dụng tràn lan hình thức này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới “văn hóa viết”, nghĩa là nếu chỉ điền dấu vào ô trống thì văn hoá viết sẽ bị mai một. Một số trường tại Hà Tĩnh đã làm phép thử, 300-400 học sinh có học lực yếu tham gia thi trắc nghiệm đều đạt điểm cao...

 

Một số ý kiến khác từ các Sở GD&ĐT cũng phản ánh chung một thực trạng còn nhiều bất cập từ phương pháp dạy học, chất lượng trình độ giáo viên ít nhiều hạn chế, chế độ lương, phụ cấp chưa tương xứng với công việc, cơ sở vật chất thiếu hụt đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Ghi nhận những đề xuất, đóng góp ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, ngoài việc thực hiện chủ trương chung mang tầm vĩ mô của Bộ GD&ĐT, các tỉnh cần linh hoạt vận dụng sáng tạo chủ trương, quy chế phù hợp theo điều kiện đặc thù từng địa phương mình. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, xem xét và áp dụng nhiều quy định, chế tài căn cứ theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Điển hình là đẩy mạnh thực hiện kiên cố hoá trường học, áp dụng phụ cấp thâm niên cho giáo viên, phổ cập giáo dục Mầm non 5 tuổi, rà soát lại các quy định để tránh chồng chéo khi thực hiện.

 

 

Theo Vanhoa Online

Tệp đính kèm