Cập nhật: 09/12/2009 22:03:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, những thiết bị dạy học tự làm đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc đổi mới phương pháp giáo dục nhằm khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều, tạo ra động lực khuyến khích tư duy sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh.

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp ý rộng rãi cho Đề án "Phát triển thiết bị dạy học (TBDH) tự làm cấp học mầm non, phổ thông" đang được Bộ GD&ĐT triển khai xây dựng.

 

Mục đích của đề án nhằm xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo quản lý thực hiện và tổ chức các hoạt động nhằm đưa phong trào tự làm TBDH trở thành hoạt động sư phạm thường xuyên trong nhà trường.

 

 Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 700 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2010 - 2011 sẽ chọn ra 5 tỉnh, thành phố để tham gia thí điểm (100% các trường công lập). Giai đoạn 2012-2013 sẽ tổ chức tập huấn đại trà tự làm TBDH cho 63 tỉnh, thành phố. Giai đoạn từ năm 2014 trở đi sẽ sử dụng kinh phí thường xuyên của địa phương.

 

TBDH tự làm là loại TBDH do giáo viên chế tạo hoặc cải tiến từ một TBDH đã có. Cùng với những TBDH tối thiểu được trang bị hàng năm, nhiều thầy cô giáo đã tận dụng những vật liệu sẵn có để sử dụng và làm ra TBDH để sử dụng trong quá trình giảng dạy.

 

TBDH đầy đủ là một trong những điều kiện quyết định thành công việc đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về TBDH thì giải pháp TBDH tự làm của cán bộ, giáo viên đã góp phần khắc phục kịp thời những thiết bị còn thiếu, bổ sung các thiết bị chưa có điều kiện mua sắm, thay thế các thiết bị hư hỏng, mất mát và phù hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị.

 

Từ lâu nay, hoạt động tự làm TBDH đã trở thành một phong trào trên phạm vi cả nước. Kết quả của phong trào này đã tạo ra được số lượng lớn các TBDH góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, phong trào phát triển chưa đồng đều, chưa có cơ chế, chính sách chỉ đạo thường xuyên. Nhiều khó khăn vẫn còn tồn tại như thiếu kinh phí để mua nguyên vật liệu, độ bền của thiết bị dạy học tự làm chưa cao, khả năng làm thiết bị dạy học của giáo viên còn hạn chế; chế độ khen thưởng theo quy định hiện hành chưa xứng đáng với việc đầu tư chất xám và công sức nên chưa thực sự khuyến khích được giáo viên…

 

Đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh đến khía cạnh cần thiết của TBDH tự làm ở các cấp học chứ không chỉ tập trung ở những vùng nghèo. Những TBDH tự làm đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc đổi mới phương pháp giáo dục nhằm khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều, tạo ra động lực khuyến khích tư duy sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh. Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đưa ra yêu cầu phải làm cho hoạt động tự làm TBDH phải trở thành phong trào và trở thành việc làm thường xuyên ở các nhà trường để TBDH ngày càng phong phú hơn, tiết kiệm hơn.

 

Đề án sẽ tiếp tục được lấy ý kiến các Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước, các chuyên gia giáo dục... để hoàn thiện trong thời gian tới.

 

 

Theo  Báo điện tử VN Media

Tệp đính kèm