Gộp các khoản thu vào học phí để không còn tình trạng phụ huynh phải nộp các khoản thu ngoài quy định là mục tiêu của dự thảo Đề án học phí mới mà Sở GD-ĐT Hà Nội đang xây dựng.
Do thu nhập của hộ dân ở các khu vực trong thành phố khác nhau, nên để thu học phí đủ mà vẫn bảo đảm nguyên tắc phù hợp với khả năng chi trả của các hộ dân ở mọi địa bàn (không quá 5% thu nhập hộ gia đình), Đề án đã chia thành 4 nhóm đối tượng đóng học phí: nhóm 1 là học sinh (HS) có gia đình sống ở các quận, thị xã; nhóm 2 là HS có gia đình sống ở các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức; nhóm 3 là HS có gia đình sống ở các huyện còn lại; nhóm 4 là HS có gia đình sống ở các xã miền núi và 3 xã giữa sông (nhóm này không phải đóng học phí).
Theo đó, mức thu học phí của cấp học mầm non ở nhóm thấp nhất (nhóm 3) là 62.000 đồng, nhóm 2 là 115.000 đồng, nhóm cao nhất là 209.000 đồng. Mức thu thấp nhất ở cấp THCS là 10.000 đồng, cao nhất là 143.000 đồng. Ở cấp THPT, mức thu thấp nhất là 22.000 đồng, cao nhất là 143.000 đồng.
Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Gia Thiều (Q.Long Biên) cho rằng: mức học phí hiện nay được xây dựng từ năm 1998 đã quá lạc hậu, ở cấp THPT, học sinh chỉ đóng 30.000 đồng/tháng, 80% của học phí đã dùng để chi trả lương, 20% chi cho các hoạt động khác nên không thể đủ. Các khoản chi như: điện, nước, lao công, bảo vệ, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, in đề kiểm tra... đều phải lấy từ các khoản thu thêm của học sinh. Chính vì vậy, các trường đều tỏ ra đồng tình với quan điểm gộp các khoản thu thiết yếu vào học phí để không phải thu thêm của học sinh. Tuy nhiên, ông Đại cho rằng, việc tham khảo thông tin từ các trường về những khoản thu “ngoài luồng” để làm cơ sở xác định mức học phí mới tuy cần thiết nhưng do các khoản thu này thường khác nhau ở mỗi trường, thậm chí chênh lệch rất lớn vì vậy đề án cần có tính toán kỹ để có thể đưa ra mức thu chính xác.
Ông Đặng Đình Đại đề xuất: ngoài việc điều chỉnh học phí thì Nhà nước cũng cần cấp bù thêm cho các trường để đảm bảo chất lượng dạy học mà không phải thu thêm của học sinh và tùy điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng để có mức học phí tăng hoặc giảm chứ không phải điều chỉnh theo hướng đồng loạt tăng. Vị hiệu trưởng này nêu ví dụ: ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước hiện nay là 1.880.000 đồng/HS/năm, nếu một trường ở khu vực quận, thị xã được tăng học phí lên 100.000 đồng/HS/tháng (nghĩa là tăng gấp 3,3 lần như hiện nay) nhưng theo tính toán vẫn chưa đủ chi cho các hoạt động giáo dục tối thiểu thì Nhà nước hỗ trợ thêm khoảng 50.000 đồng/HS/tháng nữa; còn một trường ở huyện khó khăn thì nếu thu học phí là 20.000 đồng/tháng (giảm so với quy định hiện hành) thì để đảm bảo chất lượng giáo dục Nhà nước cần hỗ trợ thêm cho mỗi HS là 130.000 đồng/tháng nữa. "Có như vậy thì các trường và phụ huynh mới hoàn toàn không phải băn khoăn gì về các khoản thu thêm nữa", ông Đại khẳng định.
Theo giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, việc chỉ thu một khoản có thể là mới lạ đối với các trường công lập nhưng ở các trường dân lập điều đó gần như đương nhiên. Với các trường công lập, điều đáng quan tâm không phải là học phí nâng lên 50.000 nghìn đồng hay 100.000 đồng/tháng mà phải đảm bảo rằng, ngoài khoản thu đó ra, phụ huynh không phải đóng góp bất cứ một khoản nào nữa. "Hiện học phí chỉ vài chục nghìn/tháng nhưng phụ phí có khi lên tới tiền triệu”, giáo sư Cương lưu ý.
Theo TNOnline