Sáng nay (2/6), hơn 1 triệu thí sinh cả nước bước vào buổi thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009-2010. Môn thi đầu tiên sẽ là môn Ngữ Văn với thời gian 150 phút. Tiếp đó, buổi chiều các thí sinh sẽ thi môn Hóa học trong thời gian 60 phút.
Kì thi tốt nghiệp diễn ra trong 3 ngày, từ 2-4/6. Theo thông tin tổng hợp ban đầu, toàn quốc có 1.051.460 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó số thí sinh đăng ký dự thi GDTX là 137.274); 2.384 hội đồng coi thi với 44.152 phòng thi và 128.677 cán bộ coi thi được huy động. Trong thời gian 3 ngày này, các thí sinh sẽ thi 6 môn: Ngữ văn. Toán, Ngoại ngữ, Hóa học, Lịch sử, Địa lý. Môn Ngoại ngữ, Hóa học thi theo hình thức trắc nghiệm.
Được biết, có hơn 31.000 thí sinh dự thi môn Vật lý thay thế môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Với môn Ngoại ngữ, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức và tiếng Nhật. Nếu thí sinh không theo học hết chương trình trung học phổ thông hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học thì được thi thay thế bằng môn Vật lý (thi theo hình thức trắc nghiệm).
Đối với giáo dục thường xuyên sẽ thi 6 môn: Ngữ Văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó môn Vật lý và Hóa học thi theo hình thức trắc nghiệm.
Ngành Giáo dục đã thành lập 64 đoàn thanh tra với 720 người chấm thi, phúc khảo kì thi tốt nghiệp THPT năm 2010 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng. Mặc dù giảm số lượng thanh tra điều động từ các trường đại học, cao đẳng, nhưng với việc bố trí thành các đoàn thanh tra lưu động phối hợp với lực lượng thanh tra thi tại chỗ của các sở giáo dục và đào tạo được tăng cường hơn năm trước thì hiệu quả thanh tra sẽ cao hơn.
Kỳ thi năm nay, quy chế thi cũng được điều chỉnh theo hướng có lợi hơn cho thí sinh. Đề thi và điều kiện phúc khảo thi năm nay cũng cởi mở hơn… Quy trình chấm thi chặt hơn, công bằng hơn bằng việc tăng số lượng bài chấm chung của mỗi môn (ít nhất 15 bài, năm trước là 10 bài) để giúp cho mọi giám khảo nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi.
Công điện của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trước đó đã nhấn mạnh việc chuẩn bị phương án dự phòng, kịp thời ứng phó với các hiện tượng bất thường do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, cháy nổ, mất điện, ... hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới kỳ thi; đặc biệt, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi theo cụm, không để xảy ra tình trạng bỏ thi vì phải đi lại quá xa hoặc vì điều kiện ăn ở sinh hoạt.. Huy động các nhà trường phối hợp với các lực lượng xã hội và phụ huynh học sinh đảm bảo an toàn về đi lại, đề phòng tai nạn giao thông ở các địa bàn phức tạp như vùng lũ, vùng sông nước, đồi núi hiểm trở; đáp ứng việc ăn, nghỉ, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thí sinh ở xa và có nhu cầu khi tham gia thi tại các Hội đồng coi thi trong mỗi cụm thi ở địa phương.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Giáo dục cũng lưu ý các thí sinh đặc biệt cảnh giác trước những thông tin “nhiễu” về đề thi, không nên tin vào những thông tin này mà nên tập trung vào làm bài thi nghiêm túc. Vì Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương luôn thực hiện các biện pháp bảo mật một cách nghiêm túc, với sự phối hợp của lực lượng an ninh, đúng theo quy chế nên không thể có chuyện lộ đề thi.
Hà Nội: 100% hội đồng thi được yêu cầu phải thuê hoặc trang bị máy phát điện
Tại Hà Nội, 100% hội đồng thi được yêu cầu phải thuê hoặc trang bị máy phát điện, đủ công suất để đảm bảo không ảnh hưởng tới thí sinh trong thời gian làm bài nếu mất điện. Công an Hà Nội cũng đã lên kế hoạch về công tác bảo vệ chuẩn bị thi tốt nghiệp triển khai ở 29 quận, huyện trong thành phố, bảo vệ các Hội đồng coi thi như bảo vệ Hội đồng in sao đề thi, bảo vệ giao nhận và in sao đề thi, hội đồng coi thi, hội đồng làm phách, hội đồng chấm thi, hội đồng phúc khảo, giao bài thi...
Ngoài ra, Công an Hà Nội còn bố trí lực lượng cảnh sát hình sự các quận, huyện thực hiện tuần tra, nơi tập trung đông người như trường học, điểm thi để phát hiện ngăn chặn tệ nạn xã hội, lợi dụng đông người để móc túi. Các lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường bố trí tại các điểm thi để giải tỏa ách tắc giao thông trước thi và tan thi.
TPHCM: Tăng lực lượng thanh tra cắm chốt
Để tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn phòng thi, Sở GD-ĐT TPHCM tăng cường lực lượng thanh tra cấm chốt tại HĐT lên gần 300 thanh tra viên, với tỷ lệ 10 phòng thi/thanh tra viên (năm 2009 là 15 phòng thi/thanh tra viên). Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, TPHCM có 65.671 thí sinh, tăng khoảng 3.000 em so với năm 2009, dự thi tại 108 hội đồng thi (HĐT), trong đó có 89 HĐT phổ thông và 19 HĐT hệ GDTX.
Hải Phòng: 3000 giáo viên tham gia coi thi
Hải Phòng: 3000 giáo viên tham gia coi thi
Năm học này, thành phố Hải Phòng có 25.763 thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, 22.834 thí sinh các trường THPT, 2929 thí sinh TTGDTX. Thành phố thành lập 21 cụm thi, 56 hội đồng coi thi, 1084 phòng thi, giảm 2 cụm thi, 9 hội đồng coi thi và 116 phòng thi so với năm 2009. Sở GD&ĐT huy động hơn 3000 giáo viên tham gia coi thi và gần 700 giáo viên chấm thi.
Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng cho biết, giáo viên coi thi được bố trí theo mô hình tam giác, tránh tình trạng coi thi đối nghịch, đồng thời, thuận tiện trong việc đi lại trong khoảng cách 35 km trở lại.
Đà Nẵng: Cấm phát tán tờ rơi quảng cáo luyện thi ĐH, CĐ quanh khu vực thi
Năm nay, Đà Nẵng tuyệt đối không cho phép các trung tâm luyện thi, các trường TCCN, CĐ, ĐH, các công ty và cơ sở quảng cáo, tiếp thị phát tán các tài liệu, tờ rơi chung quanh khu vực thi, làm mất tính nghiêm túc của kỳ thi.
Phụ huynh đưa đón con em cũng được yêu cầu phải đứng cách cổng các điểm thi ít nhất 100 mét; không để tụ tập chung quanh hội đồng coi thi, gây ảnh hưởng đến việc làm bài thi của thí sinh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã tổ chức 30 Hội đồng coi thi (25 HĐCT trung học phổ thông và 5 HĐCT giáo dục thường xuyên); số thí sinh đăng ký dự thi: 13.364 thí sinh (11.059 thí sinh THPT; 2.305 thí sinh GDTX); số phòng thi: 562 phòng ; số thí sinh tự do: 1.697 thí sinh (364 thí sinh tự do THPT; 1.333 thí sinh tự do GDTX). Việc sắp xếp cụm trường được tổ chức thuận lợi, học sinh đi lại không quá xa (cụm xa nhất tối đa là dưới 15 km). Địa điểm chọn đặt các hội đồng coi thi là những trường có cơ sở vật chất tốt, nằm ở địa bàn thuận lợi, được tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo GD&TĐ Online