Cập nhật: 15/06/2010 16:40:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, đoàn Thành phố Hải Phòng về các nội dung: đối xử giữa ĐH công lập và ngoài công lập; chuyển loại hình ĐH dân lập sang tư thục (...)

Nội dung chất vấn như sau:

 

1. Trong thời gian vừa qua, báo chí đã đưa tin về việc phản ứng của các trường đại học ngoài công lập đối với dự thảo Thông tư quy định về điều kiện, hồ sơ mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó quy định không cho các trường ngoài công lập được đào tạo các ngành báo chí, sư phạm và luật. Do phản ứng của dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải rút lại quy định này. Đây chỉ là một điển hình trong việc phân biệt đối xử giữa đào tạo đại học công lập và ngoài công lập.

 

Để thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những biện pháp gì để phát hiện và khắc phục việc phân biệt đối xử giữa đào tạo đại học công lập và ngoài công lập, để các trường đại học tự khẳng định chất lượng và thương hiệu của mình? Bên cạnh đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc công khai các tiêu chí xét chọn các trường tham gia vào các chương trình mục tiêu dự án để nhân dân giám sát và tạo điều kiện thu hút đầu tư cho giáo dục đã được thực hiện như thế nào?

 

2. Tại Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg ngày 29/05/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục với danh sách 19 trường trong đó có trường đại học Dân lập Hải Phòng. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có duy nhất Truờng Đại học Thăng Long Hà Nội được chuyển đổi trong số 19 trường. Việc kéo dài không tổ chức thực hiện Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg đã khó khăn cho các trường trong việc ổn định tổ chức để hoạt động. Ngày 30/5/2008 Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi Trường Đại học Dân lập Hải Phòng thành Trường Đại học Tư thục Hải Phòng, giao Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn Trường Đại học Dân lập Hải Phòng thực hiện. Tuy nhiên, đến nay nhà truờng vẫn chưa được chuyển đổi, Hội đồng quản trị, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường vẫn là Hội đồng quản trị lâm thời và đã tồn tại được 4 năm. Chính việc không ổn định tổ chức đã làm ảnh hưởng đến nhiều hoạt động, phát triển của nhà trường. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết nguyên nhân của việc chậm trễ này và những vướng mắc cần phải giải quyết để sớm chuyển Đại học Dân lập Hải Phòng thành truờng Đại học Tư thục Hải Phòng”.

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

 

1. Về việc đối xử giữa đại học công lập và ngoài công lập và việc công khai các tiêu chí xét chọn các trường tham gia vào các chương trình mục tiêu dự án.

 

Điều 2 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường đại học tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: “Trường Đại học tư thục có địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, nghĩa vụ và quyền lợi như các trường đại học công lập trong hệ thống giáo dục Quốc dân”.

 

Thực hiện quy định trên, trong công tác quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các cơ sở giáo dục đại học, không có phân biệt đối xử giữa các trường đại học, cao đẳng công lập và ngoài công lập. Cụ thể là:

 

- Về thành lập trường: Các trường ngoài công lập phát triển nhanh về số lượng, năm 1997 có 15 trường đại học ngoài công lập, đến tháng 9/2009 có 76 trường ngoài công lập (46 trường đại học và 30 trường cao đẳng, không kể Trường RMIT và Trường Đại học Anh Quốc-Việt Nam), tăng trên 5 lần. Công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh, nguồn lực trong xã hội đầu tư cho giáo dục huy động ngày càng nhiều.

 

- Về quy mô đào tạo: Quy mô đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập năm học 2008 - 2009 là 218.189 sinh viên, chiếm tỷ lệ 12,7% so với tổng số sinh viên cả nước (năm 1987, cả nước chỉ có 133.000 sinh viên trong 101 trường đại học, cao đẳng công lập). Việc tăng quy mô và đa dạng hình thức đào tạo đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của các tầng lớp nhân dân, tạo cơ hội nhiều hơn cho thanh niên ở khắp vùng, miền của đất nước có cơ hội học tập đại học.

 

- Về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng:  Trong gần 10 năm, từ năm 2000 đến 2009 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử giảng viên các trường đại học, cao đẳng công lập và ngoài công lập đi học tiến sĩ là 2.029 người, thạc sĩ là 1.598 người, thực tập sinh là 626 người. 

 

- Về bồi dưỡng cán bộ quản lý các trường đại học, cao đẳng: Từ năm 2007 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 3 khóa bồi dưỡng về quản lý trường đại học, cao đẳng, có sự tham gia của chuyên gia có kinh nghiệm quốc tế, gắn với thăm quan các đại học danh tiếng ở nước ngoài cho trên 500 Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng.

 

- Về thực hiện chính sách tín dụng sinh viên: Sau khi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng kịp thời quy trình vay vốn tín dụng đào tạo và hướng dẫn tổ chức triển khai ở các trường đại học, cao đẳng. Kết quả cho vay, theo thông báo của Ngân hàng Chính sách xã hội, dư nợ đến 31/12/2009 đạt 18.231 tỷ đồng, số hộ gia đình hiện đang vay vốn là 1,531 triệu hộ, với 1,671 triệu học sinh, sinh viên đang được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Riêng số sinh viên các trường đại học, cao đẳng vay là 1,035 triệu; chiếm 63% tổng số học sinh, sinh viên được vay.

 

Để tạo điều kiện thu hút đầu tư xã hội cho giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 về Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

 

Các trường đại học tư thục không được nhà nước đầu tư từ nguồn ngân sách để phát triển, song lại có quyền tự xác định học phí, trong khi các đại học công lập được nhà nước đầu tư thì phải tuân thủ khung học phí do nhà nước quy định. Tuy nhiên, các đại học tư thục và đạo học công lập hoàn toàn có quyền đăng ký thực hiện các đề tài khoa học mà nhà nước chi, qua công bố hàng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ và được thực hiện qua hình thức tuyển chọn cạnh tranh giữa các đơn vị đăng ký tham gia.

 

2. Về việc chuyển loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục

 

Thực hiện Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan dự thảo Thông tư hướng dẫn về nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục, nhằm tạo hành lang pháp lý để các trường thực hiện việc chuyển đổi.

 

Trong quá trình soạn thảo Thông tư hướng dẫn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo với các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam; tổ chức lấy ý kiến của một số các trường đại học dân lập và một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và tài chính.

 

Một trong những nội dung quan trọng của việc chuyển đổi trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục là xác định giá trị tài sản, xác định giá trị của trường dân lập và việc chuyển đổi giá trị tài sản được tích luỹ trong quá trình hoạt động của trường dân lập sang trường tư thục.

 

Về vấn đề trên, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là đối với các cơ sở dân lập chuyển đổi thành cơ sở tư thục (tư nhân), số tài sản được tích lũy từ kết quả hoạt động của cơ sở dân lập là thuộc sở hữu tập thể, được xác định và chuyển giao cho cơ sở tư thục quản lý và sử dụng theo nguyên tắc bảo tồn, phát triển, không được chia cho cá nhân và được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật. (Điều 6 Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 và Điều 13 của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ)

   

Theo tinh thần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự thảo chuyển đổi phần tài sản được tích luỹ từ hoạt động của cơ sở dân lập là thuộc sở hữu chung của tập thể và được chuyển giao cho trường tư thục quản lý sử dụng theo đúng quy định của Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình tập hợp ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có một số ý kiến của các trường thuộc diện chuyển đổi không đồng tình với việc quy định tài sản tích lũy của trường dân lập thuộc sở hữu chung chuyển giao cho trường tư thục quản lý, sử dụng mà yêu cầu chia tài sản trước khi chuyển đổi.

 

Các trường đại học, cao đẳng dân lập hoặc bán công nào không có nhu cầu chia tài sản tích luỹ cho các cá nhân, tổ chức khi chuyển sang trường tư thục thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn để chuyển đổi. Các trường sau đã chuyển đổi sang tư thục: Đại học dân lập Thăng Long; Đại học dân lập Hồng Bàng; Đại học dân lập Hùng Vương; Đại học kỹ thuật Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Các trường sau đây chuyển sang cao đẳng tư thục: Cao đẳng Hoa Sen; Cao đẳng Kinh tế công nghệ thành phố Hồ Chí Minh; Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Bình Dương. Như vậy, trong danh sách 19 trường bán công, đã có 7 trường chuyển sang tư thục.

 

Để giải quyết vấn đề có tính lịch sử cụ thể ở 12 trường đại học, cao đẳng dân lập còn lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục lấy ý kiến của các trường thuộc diện chuyển đổi và các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh dự thảo để có thể ban hành vào cuối tháng 6 năm 2010.

 

Sau khi có Thông tư hướng dẫn việc chuyển đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét, thẩm định hồ sơ chuyển đổi của từng trường (trong đó có Trường Đại học Dân lập Hải Phòng), trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc chuyển đổi từ trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục.

 

Bộ GD&ĐT

 

Theo GD&TĐ Online

 

Tệp đính kèm