Cập nhật: 02/07/2010 15:46:39 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội và sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã có nhiều tiến bộ:

 

Trật tự kỷ cương trong các nhà trường được thiết lập, cơ sở vật chất được tăng cường, quy mô giáo dục được mở rộng, năng lực quản lý được nâng cao, đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện, trong đó có những giải pháp mang tính đột phá:

 

1. Giáo dục phổ thông và mầm non

 

Trước tình hình tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục gây bức xúc trong xã hội, ngăn cản việc nâng cao chất lượng giáo dục và làm triệt tiêu động lực đổi mới và sáng tạo trong ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu với Chính phủ ban hành Chỉ thị về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục (Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2006) và bắt đầu từ năm học 2006-2007, toàn ngành đã tích cực triển khai thực hiện thông qua cuộc vận động “Hai không” (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) của ngành. Cuộc vận động “Hai không” là khâu đột phá để đổi mới giáo dục phổ thông và mầm non giai đoạn 2006-2010. Qua 4 năm triển khai, trật tự kỷ cương trong thi cử đã tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT: Số thí sinh bị đình chỉ thi năm 2007 là 2.612, thì năm 2008 chỉ còn 833, năm 2009 là 299 và năm 2010 chỉ còn 90, giảm gần 97% so với năm 2007; Số giám thị bị đình chỉ công tác coi thi do vi phạm năm 2007 là 32, năm 2008 là 15, năm 2009 là 3 và năm 2010 là 1, giảm gần 97% so với năm 2007 (trong hơn 120.000 cán bộ coi thi chỉ có 1 người bị đình chỉ); Số học sinh bị tại nạn giao thông khi đi thi cũng đã giảm: năm 2007 có 85 vụ, năm 2008 là 84 vụ, năm 2009 là 73 vụ và năm 2010 là 54 vụ, chỉ chiếm 0,005% số thí sinh dự thi (100.000 học sinh đi thi có 5 em bị tai nạn).

 

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng trong bối cảnh các cuộc thi được triển khai ngày càng nghiêm túc hơn: năm 2007 tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông (lần 1) chỉ đạt 66,7%, có nhiều địa phương đạt dưới 50% (năm 2006 đạt 94%,); năm 2008 (lần 1) tỷ lệ tốt nghiệp là 76% (tăng hơn 9% so với năm 2007); năm 2009 tỷ lệ tốt nghiệp là 83,8% (không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2), tăng 7,8% so với năm 2008. Với kết quả thi đã được qua 3 năm 2007, 2008, 2009, như vậy, có thể dự báo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2010 sẽ đạt khoảng 90%.

 

Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể: học kỳ I năm học 2007-2008 cả nước có 147.005 học sinh bỏ học (chiếm 0,94 %); học kỳ I năm học 2008-2009 còn 86.269 học sinh bỏ học (chiếm 0,56%), giảm  60.736 học sinh, bằng 41% so với năm học trước; học kỳ I năm học 2009-2010 còn 75.531 học sinh bỏ học (chiếm 0,51%). Như vậy, năm học 2009-2010, số học sinh bỏ học giảm 71.474 em, bằng 49% so với năm 2007. Tức là tỷ lệ học sinh bỏ học từ gần 1% năm 2007 xuống còn 0,5 % năm 2010.

 

Sau một năm triển khai cuộc vận động “Hai không”, nhằm khẳng định trách nhiệm và vị trí của người thầy trong giáo dục nước nhà ở giai đoạn hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm rõ rệt: năm 2007 có 200 vụ, năm 2008 còn 122 vụ, năm 2009 còn 24 vụ, chỉ bằng 12% của năm 2007. Các vụ xâm phạm thân thể học sinh cũng giảm: năm 2008 có 28 vụ, năm 2009 còn 8 vụ, bằng 29% năm trước. Việc cải tiến và tự làm đồ dùng dạy học được đẩy mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố, đổi mới phương pháp dạy học các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân được triển khai tập trung, thiết thực. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Viettel, sau 3 năm, tỷ lệ các trường phổ thông, mầm non được kết nối internet đã tăng từ khoảng 40% lên gần 100% vào đầu tháng 6 năm 2010.

 

Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có sức lan toả mạnh mẽ, đã tạo nên những chuyển biến rõ nét về cảnh quang trường lớp, về môi trường giáo dục nhân văn, về chất lượng dạy và học, về giáo dục kỹ năng sống, về gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc. Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn ngành đã nhận chăm sóc 2.063 di tích lịch sử cấp quốc gia; chăm sóc và phụng dưỡng 15.810 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sỹ; trồng mới được hơn 2,2 triệu cây các loại phù hợp với điều kiện môi trường; chỉ trong vòng 2 năm học đã có hơn 8.000 nhà vệ sinh được xây mới ở các trường học cũ, số trường có công trình vệ sinh đã tăng thêm 20% so với trước, nâng tổng số trường có công trình vệ sinh là 38.893 trường đạt 96,7% trên tổng số trường trong cả nước, trong đó có 83,9% công trình vệ sinh đạt chuẩn.

 

Tỷ lệ trẻ đi học mẫu giáo tăng mạnh: năm 2006 có 59% trẻ từ 3 đến 5 tuổi đi học, năm 2010 là 71 %. Tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn năm 2006 là 78%, năm 2010 là 93%.

 

Cơ sở vật chất được nâng cấp với tốc độ cao nhất từ trước đến nay: năm 2006 tỷ lệ phòng học được kiên cố chiếm 52%; năm 2010 số phòng học đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 41.695/57.563 phòng (đạt 72,4% kế hoạch); số phòng học đang xây dựng là 14.088 phòng (đạt 24,5% kế hoạch).

 

Công tác phổ cập giáo dục THCS đã được triển khai tích cực, đến tháng 6/2010 có 61/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, đạt 96,8% (năm 2006 có 30/64 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS). Như vậy, toàn quốc sẽ hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục THCS đúng vào năm 2010.

 

Năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo các trường phổ thông được nâng lên đáng kể, trong 2 năm học 2008-2009 và 2009-2010 đã có 25.000 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông (chiếm tỷ lệ 89%) được bồi dưỡng theo chương trình mới, hiện đại (hợp tác với Bộ Giáo dục Singapore).

 

Nhằm phát triển hệ thống các trường THPT chuyên, năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết và định hướng phát triển các trường THPT chuyên cả nước (đây là lần tổ chức đầu tiên sau hơn 45 năm).

 

2. Giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp

 

Từ cuối năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định triển khai chủ trương “Đào tạo theo nhu cầu xã hội”, đến nay, Bộ đã tổ chức 17 hội nghị quốc gia đào tạo theo nhu cầu xã hội cho các ngành kinh tế xã hội trọng điểm, qua đó hơn 600 thoả thuận, hợp đồng đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp, bệnh viện và ngân hàng đã được ký kết với số người được đào tạo là trên 10.000 người. Tăng cường đào tạo theo chương trình của các đại học có uy tín ở nước ngoài, bằng tiếng nước ngoài: năm 2006 có 10 chương trình, năm 2010 có 27 chương trình. Xây dựng thư viện giáo trình điện tử dùng chung với hơn 1.100 giáo trình và đã có hơn 15 triệu lượt người truy cập. Triển khai và hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp cả nước.

 

Nhằm khắc phục sự yếu kém kéo dài về chất lượng và quản lý trong giáo dục đại học, năm 2009, Bộ đã chọn khâu đột phá là đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, trong đó giải pháp đầu tiên là thực hiện 3 công khai tại mỗi cơ sở giáo dục: Công khai cam kết chất lượng đào tạo và đánh giá chất lượng đào tạo; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; công khai tài chính tại 100% các trường đại học, cao đẳng (có thể truy cập qua trang Web của trường). Đồng thời, tăng cường năng lực lãnh đạo cho hơn 500 lượt hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng thông qua chương trình mới được xây dựng.

 

Bộ đã tích cực triển khai Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học 2010-2012 với 11 nhóm giải pháp và ban hành mới 23 văn bản quản lý nhà nước của ngành và Bộ về quản lý giáo dục đại học.

 

Bộ đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ về vổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 qua 6 cầu truyền hình (Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ); chỉ đạo 8 trường đại học tại 3 miền tổ chức 8 hội thảo điểm triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ. Đến nay, gần 100% các trường đã thực hiện việc thảo luận ở cấp lãnh đạo trường (Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên) về các giải pháp đổi mới quản lý của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng Chương trình hành động và Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2011-2015.

 

Từ ngày 09/3/2010, Báo Giáo dục và Thời đại đã tổ chức Diễn đàn: “Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo”. Sau hơn 2 tháng tổ chức diễn đàn, trên các ấn phẩm Báo Giáo dục và Thời đại đã liên tiếp đăng 34 bài viết và trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử là 45 bài viết. Tác giả là cán bộ quản lý các nhà trường, các nhà khoa học, giảng viên đại học, các vị tướng lĩnh, lãnh đạo các nhà trường trong Quân đội và Công an, đại diện Đoàn Thanh niên.

 

3. Đổi mới quản lý hệ thống giáo dục

 

Trên cơ sở Nghị quyết số 35/NQ/QH12 của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, Bộ đã triển khai hệ thống học phí mới, hợp lý hơn tại 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học, cao đẳng trung cấp chuyên nghiệp.

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức để đáp ứng tốt các nhiệm vụ của ngành giáo dục trong giai đoạn hiện nay: thành lập 5 cơ quan trực thuộc để sự lãnh đạo, quản lý của Bộ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn của ngành: Vụ Giáo dục dân tộc (năm 2006); Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (năm 2007); Cục Đào tạo với nước ngoài, Cục Công nghệ Thông tin và Cục Cơ sở vật chất, Thiết bị trường học và Đồ chơi trẻ em (năm 2008).

 

Năm 2009, Bộ sáp nhập Trung tâm Công nghệ giáo dục và Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dân tộc vào Viện Khoa học giáo dục Việt Nam để hoàn thiện các tổ chức nghiên cứu của ngành và thành lập Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực nhằm hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, các địa phương, các ngành, là đầu mối tiếp nhận nhu cầu và hỗ trợ triển khai đào tạo theo đặt hàng các doanh nghiệp. Đồng thời, thành lập Báo Giáo dục Thời đại điện tử, sau 1 năm đạt mức truy cập 110.000 lượt một ngày.

 

Tóm lại, các giải pháp đổi mới giáo dục và đào tạo đã được triển khai trong gần 4 năm qua là đúng hướng, phù hợp quy luật, vừa có nhiều giải pháp tác động trên diện rộng, đồng thời luôn có giải pháp có tính đột phá, đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo, từng bước giải tỏa các bức xúc của xã hội và đáp ứng các nhu cầu phát triển dài hạn của ngành giáo dục.                              

 

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm